GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ĐBQH khóa XI, XII chia sẻ với báo điện tử
Infonet.vn trước quyết định rút đăng cai ASIAD 18 vào năm 2019.
Thể hiện quan điểm đồng tình với quyết định rút đăng cai ASIAD 18 của Thủ tướng Chính phủ, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, những lý do đưa ra hoàn toàn đúng đắn và rất hợp với lòng dân.
Việt Nam rút đăng cai ASIAD 18.
Việc đăng cai ASIAD là chủ trương đã có của Bộ Chính trị. Chắc chắn Bộ VHTT&DL cũng như TP Hà Nội đăng cai sự kiện này đã có sự chỉ đạo từ trên, thông qua Thường trực Chính phủ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi xem xét lại toàn bộ các công việc, chúng ta thấy nếu không tổ chức thì sẽ tốt hơn. Vì việc tổ chức sự kiện này rất tốn kém, không phù hợp với tình hình kinh tế của Việt Nam. Mặt khác, về thành tích thể thao, Việt Nam cũng chưa đứng vào thứ hạng cao ở châu Á. Bây giờ bỏ ra rất nhiều tiền, nhiều công sức để tổ chức một sự kiện thể thao lớn như vậy, mà thứ hạng của ta lại thấp thì chẳng khác nào “mua pháo cho người khác đốt”.
Thứ nữa, khi tổ chức sự kiện này chắc chắn sẽ thu hút được rất nhiều khách du lịch đến Việt Nam. Nhưng hàng hóa của ta cũng chưa chắc đã sẵn sàng để phục vụ du khách. Họ đến Việt Nam có khi lại để mua hàng của một nước láng giềng. Như thế cũng là một cách “mua pháo cho người khác đốt” nữa. Bên cạnh đó những kế hoạch xã hội hóa hoạt động này cũng khó khả thi.
“Rất tiếc cho anh em bên ngành thể thao, nhưng cá nhân tôi cho rằng việc dừng đăng cai ASIAD 18 là đúng. Chúng ta sẽ tổ chức vào dịp thuận lợi khác như ý kiến của Thủ tướng Chính phủ” – GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.
GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng, quyết định dừng đăng cai ASIAD thể hiện tác động của dư luận xã hội đối với những quyết định của Chính phủ. Mặt khác điều này còn thể hiện sự lắng nghe, cầu thị của Chính phủ đối với ý kiến của các chuyên gia cũng như ý kiến của người dân.
Theo GS Thuyết, có nhiều cách khác nhau để khẳng định vị thế của đất nước. Tốt nhất là khẳng định bằng sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bằng nếp sống văn hóa của người Việt Nam và nhiều cách khác nữa.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, quyết định dừng đăng cai ASIAD hợp với lòng dân.
Để khẳng định vị thế trong lĩnh vực thể thao, Nhà nước và xã hội cần tăng cường đầu tư cho luyện tập để đạt những thành tích cao. Như trường hợp của Ánh Viên sang Mỹ tập luyện, tham gia thi đấu và đạt 4-5 huy chương vàng là một cách quảng bá cho thể thao Việt Nam tốt nhất, mà lại không tốn kém như tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất của châu lục ở nước ta.
Nhớ lại thời gian còn công tác tại Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, phụ trách chính mảng thông tin, văn hóa, thể thao, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, lúc đó ông cũng có nhiều dịp cộng tác, đóng góp với ngành văn hóa - thể thao. Đặc biệt cũng có lần tổ chức đợt giám sát thể thao thành tích cao.
“Đợt đó Đoàn giám sát của Ủy ban nêu được nhiều ý kiến, có tác dụng tốt đối với sự phát triển của thể thao, được anh em bên Tổng cục Thể thao và Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch hoan nghênh”
GS Nguyễn Minh Thuyết nói thêm rằng, từ khi về hưu (năm 2011) cũng vẫn có điều kiện kết nối với anh em trong ngành văn hóa - thể thao, tuy ít hơn lúc còn tại chức.
“Khi nghe nói Việt Nam đăng cai ASIAD 18, tôi cũng phát biểu ý kiến, nếu tổ chức thì phải làm sao xã hội hóa được. Làm sao phải đảm bảo không tốn kém, dẫn đến những thảm họa về kinh tế như một số nước, mà Hy Lạp là một trường hợp. Nếu tổ chức được như thế thì rất tốt. Nhưng sau này thấy tình hình kinh tế khó khăn, mà chúng ta còn nhiều việc phải chi tiêu, trong khi khả năng xã hội hóa hoạt động này khó, qua những dịp có điều kiện trao đổi với một số lãnh đạo ngành, tôi cũng nói thật là nên tính lại. Và như tôi nói, để quảng bá cho hình ảnh thể thao Việt Nam sẽ có nhiều cách khác nhau, chứ không nhất thiết phải tổ chức đăng cai đại hội thể thao châu Á” – GS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ.
Infonet (Theo Infonet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.