Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2022, PV báo Dân Việt đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội:
Thưa GS, ngay sau khi Bộ GDĐT "chốt" số thí sinh đăng ký nguyện vọng vào đại học thì có tới 30% tổng số thí sinh đăng ký ban đầu đã "bỏ cuộc". Vậy, GS suy nghĩ gì về con số này?
- Tôi tham gia trong Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT hàng năm. Trung bình mỗi năm có khoảng 1 triệu thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp, trong đó 600.000-700.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng vào đại học. Như vậy, con số hơn 300.000 thí sinh không đăng ký nguyện vọng năm nay là bình thường, không có gì đột biến. Hàng năm, Bộ chỉ thống kê số lượng ký sinh đăng ký tốt nghiệp THPT, còn việc xét tuyển đại học là ở các trường. Năm nay, Bộ sử dụng phần mềm hỗ trợ xét tuyển chung nên có ngay số liệu này tạo "sốc" cho xã hội.
Cá nhân tôi thấy đây là tín hiệu đáng mừng. Trước kia không ít thí sinh bỏ học sau khi vào đại học. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng từng có khóa đào tạo chỉ tiêu là 7.000 nhưng số lượng không tốt nghiệp 1.395 em. Như vậy, các em đã bị lãng phí tiền bạc và tuổi xuân.
Thực trạng cho thấy, chúng ta đang trong tình trạng thừa thầy thiếu thợ. Các em học đại học ra trường có chuyên môn không tốt sẽ khó xin việc. Trong khi đó, nếu các em học nghề và thợ lành nghề sẽ có thu nhập rất tốt, có một tương lai tốt. Các em hoàn toàn yên tâm vào đời bằng các phương thức khác nhau chứ không nhất thiết phải vào đại học.
Ngoài ra, cá nhân tôi cho rằng, học phí một số trường tăng lên nên sẽ có một tỉ lệ ít thí sinh không đăng ký nguyện vọng.
Vừa qua Bộ GDĐT quyết định "gia hạn" thời gian để thí sinh sai sót, nhầm lẫn trong việc đăng ký nguyện vọng có thể thực hiện lại. Tuy nhiên, vấn đề này lại gây ra tranh cãi. Theo ông việc mở lại Hệ thống liệu nên hay không và có xảy ra tiêu cực?
- Suốt thời gian dài kênh tư vấn tuyển sinh của Bộ đã tư vấn, nhắc nhở rất nhiều lần về thông tin và đối tượng tuyển sinh. Đó là Bộ GDĐT đã tạo điều kiện rất nhiều cho thí sinh và nhà trường. Ngoài ra, việc các em đăng ký sai sót hoàn toàn có thể đính chính sau đó. Tuy nhiên, theo tôi, những gì liên quan quy chế thì chúng ta phải làm nghiêm túc.
Việc mở đăng ký lại không hợp lý vì đến 17h ngày 20/8, một số cán bộ quản lý đã có thể nắm được thông tin ngành nào, khối nào có bao nhiêu thí sinh. Việc mở lại khiến thông tin lộ ra tạo nên bất bình đẳng, sẽ có sự điều chuyển nguyện vọng này sang nguyện vọng khác. Việc kịp hay không kịp đăng ký nguyện vọng là thí sinh phải chấp nhận. Đó là luật chơi. Quy chế của Bộ GDĐT, chúng ta đã ban hành thì cần thực hiện nghiêm, kể cả các em thí sinh.
Theo GS, mùa tuyển sinh năm nay chúng ta có những bài học gì cần rút ra để điều chỉnh cho năm sau?
- Thứ nhất, chúng ta có thể thấy, điểm thi tốt nghiệp THPT đáp ứng được mục tiêu đề ra của kỳ thi nhưng chưa đáp ứng được cho các trường đại học tuyển sinh. Việc ưu tiên tuyển sinh nhân tài cần chú trọng, quyết định tồn tại, phát triển nên các trường phải chuyển đổi các phương thức khác nhau.
Thứ hai, việc chuyển đổi ngành học, trường học trong quá trình đào tạo có thể gây ra một số tiêu cực. Ví dụ trường X lấy điểm chuẩn 20, trường Y lấy 28 điểm. Trong quá trình học 1 năm, sinh viên xin chuyển trường như vậy là bất công bằng. Không phải ngẫu nhiên như ở Mỹ phải có kỳ thi chung.
Hiện nay chúng ta có thêm kỳ thi đánh giá năng lực, Đánh giá tư duy nhưng thang điểm của các trường chưa quy đổi được cho nhau nên thời gian tới cần có sự can thiệp của Bộ.
Thứ ba là sử dụng phần mềm tuyển sinh chung rất thuận lợi, công khai, minh bạch, bình đẳng cho thí sinh nhưng thực tế cho thấy một số vấn đề đã xảy ra như điều chỉnh thời gian đăng ký, thanh toán đã gây ra tranh cãi. Bộ cần hoàn thiện hơn Hệ thống trong thời gian tới.
Thứ tư, trước đây các trường lấy tới 80-90% chỉ tiêu theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT nhưng bây giờ rút xuống còn 40-50%. Tuy nhiên, phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ vẫn còn tồn tại để tạo điều kiện thuận lợi cho các em vùng sâu, vùng xa sử dụng. Vì vậy, sau kỳ tuyển sinh này, Bộ GDĐT và các trường cần có tổng kết, đánh giá. Đổi mới nào cũng có mặt tích cực và khó khăn. Với kinh nghiệm, bài học năm nay sẽ giúp kỳ tuyển sinh năm sau tốt hơn.
Bộ GDĐT cho thí sinh và các trường 1 tháng đăng ký nguyện vọng, theo GS thời gian này đã phù hợp chưa?
- Theo tôi, thời gian cho thí sinh 1 tháng đăng ký là quá dài. Thời gian đăng ký dài kéo theo thời gian tuyển sinh dài. Chúng ta làm thế nào gói gọn trong tháng 8 để tháng 9 các trường khai giảng năm học mới là hợp lý. Tránh xáo trộn tâm lý thí sinh khi phải chờ đợi quá lâu.
Trước đây, một thí sinh có thể lựa chọn nhiều trường, có quyền lựa chọn trường mình yêu thích. Giờ sử dụng hệ thống toàn quốc của Bộ nên tỉ lệ thí sinh ảo lớn. Bộ GDĐT cần mạnh dạn "tháo" cho các trường. Những thí sinh nào trúng tuyển sớm, có nguyện vọng vào trường thì các em sẽ được quyết trúng tuyển. Đây là những em có thành tích xuất sắc, trường chuyên hay chứng chỉ ngoại ngữ... Còn em nào sử dụng tuyển sinh THPT thì sẽ đưa lên hệ thống thay vì tất cả cùng chờ đợi. Những đòi hỏi của các trường cũng là chính đáng, tôi tin Bộ GDĐT sẽ có những tiếp thu để điều chỉnh phù hợp hơn trong năm tới.
Cảm ơn GS đã chia sẻ!
Thí sinh tự do gặp khó khăn khi đăng kí xét tuyển nguyện vọng trực tuyến. Clip VTV24
Vui lòng nhập nội dung bình luận.