Ngày 25.5 (theo giờ địa phương), cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Điển đã tập trung tại quảng trường Triangeln - trung tâm thành phố Malmo ở phía nam Thụy Điển, để biểu tình, tuần hành phản đối Trung Quốc. Khoảng 400 người Việt Nam từ Malmo và nhiều thành phố khác, đặc biệt là các thành phố phía nam nơi có đông người Việt đang học tập, làm ăn, sinh sống… đã tập trung biểu tình phản đối các hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Đại diện Đảng Cộng sản Thụy Điển tại khu vực Malmo cũng đã cử đại diện tham gia cuộc biểu tình.
Cộng đồng người Việt biểu tình, tuần hành phản đối tại Thụy Điển ngày 25.5. TTXVN
Những người tham gia cuộc biểu tình đã “nhuộm đỏ” quảng trường Triangeln và những tuyến phố gần đó bằng cờ Tổ quốc, áo, mũ, băng rôn, khẩu hiệu bằng các thứ tiếng Việt, Anh và Thụy Điển, trong đó khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam - một dân tộc yêu chuộng hòa bình…
Cuộc biểu tình, tuần hành đã nhận được sự quan tâm của người dân sở tại, thu hút đông đảo báo giới Thụy Điển và quốc tế tới đưa tin, ghi hình. Kết thúc biểu tình, ban tổ chức đã thu thập chữ ký của bà con người Việt và người dân sở tại để gửi kèm thỉnh nguyện thư đến Chính phủ, Bộ Ngoại giao Thụy Điển và Liên minh châu Âu (EU) để phản đối Trung Quốc.
Cùng ngày, cộng đồng người Việt và du học sinh Việt Nam tại thành phố Montreal của Canada đã biểu tình trước trụ sở Lãnh sự quán Trung Quốc để phản đối việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Do Lãnh sự quán Trung Quốc tại Montreal nằm trên một trong những con phố sầm uất nhất thành phố nên cuộc biểu tình đã thu hút sự chú ý của người dân Canada. Những người biểu tình phát tờ rơi tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam, vạch rõ hành vi gây hấn của Trung Quốc.
Dự kiến các cuộc biểu tình tiếp theo sẽ diễn ra trước trụ sở Quốc hội Canada tại Ottawa và trụ sở Lãnh sự quán Trung Quốc tại Toronto.
Ngày 25.5, ở TP. Osaka, hơn 1.000 người Việt sống và làm việc tại các địa phương ở vùng Kansai, Nhật Bản đã xuống đường tuần hành phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Đại diện Ban Tổ chức đã đọc và chuyển kháng nghị trước Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc ngừng ngay các hành vi xâm phạm, rút giàn khoan và các tàu bảo vệ vô điều kiện, rút khỏi quần đảo Hoàng Sa, tôn trọng tự do hàng hải…
n Những ngày qua, các học giả quốc tế tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. GS Jonathan London - chuyên gia về Việt Nam và Đông Nam Á tại Trường Đại học Hongkong (Trung Quốc) nhận định, cách tốt nhất mà Việt Nam có thể sử dụng khi đề cập đến căng thẳng tại Biển Đông là tiếp tục cung cấp những bằng chứng cho thế giới thấy rõ thực trạng đang diễn ra trên biển là như thế nào, cũng như cho thế giới biết hành vi của phía Trung Quốc, đặc biệt là việc đưa tàu chiến đến khu vực này. Ông London tin rằng dư luận thế giới sẽ nhìn nhận vấn đề một cách rõ ràng hơn về những gì đang diễn ra tại Biển Đông.
GS Zachary Abuza - chuyên gia về khoa học chính trị và đối ngoại khu vực Đông Á thuộc Đại học Simmons của Mỹ cho rằng, Trung Quốc sẽ mất rất nhiều nếu từ chối tham gia vụ kiện. TS Mark Valencia của Mỹ cho rằng, nếu Việt Nam đồng khởi kiện với Philippines, điều đầu tiên hai nước này sẽ đạt được chính là sự hậu thuẫn về mặt tinh thần của cộng đồng quốc tế, và điều đó có thể sẽ tác động đến các thẩm phán trực tiếp tham gia phiên xử, để họ đưa ra phán quyết có lợi cho Việt Nam và Philipinnes.
Thúy Đăng (tổng hợp) (Thúy Đăng (tổng hợp))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.