Đi tìm thông tin về kho báu bí mật ấy, chúng tôi vô tình gặp ông Lò Văn Quán - cán bộ nghỉ hưu ở TP.Hà Giang. Ông Quán đang hoàn thành ước nguyện lớn nhất đời mình là làm rõ thân thế sự nghiệp của cụ ngoại mình.
|
Gia đình ông Dũng vô tình phát hiện tấm bia này khi làm cỏ mộ. |
Người có thủ cấp trị giá 20 cân bạc trắng
Theo ông Quán, người dân quê ông, đặc biệt là những người trong dòng họ ngoại của ông hiện còn lưu trữ nhiều tài liệu về cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Đình Thái, còn gọi là tướng quân Giàng Phụng hồi cuối thế kỷ 19. Theo gia phả dòng họ thì ông Quán là cháu đời thứ tư của vị tướng quân này. Nguyễn Đình Thái là người gốc Cao Bằng, con trai Trưởng châu Bảo Lạc Nguyễn Đình Thông.
Năm 1860, hưởng ứng lời kêu gọi của triều đình Nguyễn, ông Thái tham gia quân đội, đi trấn áp giặc phỉ, quân phiến loạn ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Trong quãng thời gian này, Nguyễn Đình Thái kết giao với nhiều chí sĩ cùng chí hướng. Trong số ấy có 2 người bạn tâm giao là ông Hoàng Đình Cắm và ông Tăng Văn Dần, thường được gọi là Dần Phụng.
Với những chiến công lẫy lừng trong việc tiễu trừ thổ phỉ cũng như đánh tan nhiều cánh quân phiến loạn ở các tỉnh biên giới, ba ông đã được triều đình nhiều lần trọng thưởng. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, bởi triều đình nhu nhược, ba ông đã tự đứng lên đánh đuổi quân thù.
Sự dũng mãnh, xuất quỷ nhập thần của nghĩa quân do ba ông lãnh đạo đã làm quân Pháp nhiều phen khốn đốn, bạt vía kinh hồn. Ông Quán cho biết, theo những lời kể của các vị cao niên mà ông đã từng gặp ở Cao Bằng cũng như Hà Giang thì đã có lần, thực dân Pháp treo thưởng tới 20 cân bạc trắng cho ai lấy được thủ cấp Giàng Phụng.
Sau một thời gian đánh Pháp kiên cường, căn cứ ở Bảo Lạc của ba ông đã bị lộ. Thấy không thể cầm cự lâu ở đây, ba ông quyết định kéo quân về Hà Giang lập căn cứ mới. Nơi dừng chân là thôn Chùng, xã Phúc Tuy, tổng Yên Long cũ (nay là thôn Vĩnh Chà, xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang). Tại đây, ngoài việc rèn quân, sản xuất vũ khí, ba ông còn khai khẩn đất hoang để tự cung lương thực.
Ông Quán cho biết, trước đây, khi tìm hiểu về tướng quân Giàng Phụng Nguyễn Đình Thái, ông cứ nghĩ cụ ngoại ông còn có một cái tên khác là Hoàng Đình Cương, bởi trong những sắc phong, văn bằng do triều Nguyễn ban thưởng đều sử dụng tên này. Sự nhầm lẫn này được làm sáng tỏ vào năm ngoái, khi nhân dịp Tết đến xuân về, dòng họ Hoàng ở xã Vĩnh Phúc đi làm cỏ mộ cho tổ tiên mình, đã phát hiện một chuyện bất ngờ…
Phát hiện nơi yên nghỉ của Cai Kinh?
Anh Hoàng Văn Dũng - công an viên xã Vĩnh Phúc, hậu duệ đời thứ 5 của ông Hoàng Đình Cắm cho biết, căn cứ vào lời kể của cha ông cũng như gia phả của dòng họ thì cụ Hoàng Đình Cắm là người Kinh, quê gốc ở Ninh Bình. Bởi tinh thông võ nghệ nên cụ Cắm được làm quan võ trong triều nhà Nguyễn.
Đời Vua Tự Đức, cụ được triều đình điều đi đánh giặc phỉ, giặc Mãn Thanh ở vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái. Khi tới đất này, gặp Giàng Phụng Nguyễn Đình Thái, lại mến cảnh núi rừng nơi đây và thêm việc chán cảnh triều chính, cụ đã quyết định lưu lại. Cụ Cắm thọ 90 tuổi, khi chết được con cháu chôn ngay thôn Vĩnh Gia.
Theo ông Quán, với những thông tin và tài liệu mà ông thu thập được trước đây thì ông Hoàng Đình Cắm có thời gian quan hệ mật thiết với chủ soái của phong trào Yên Thế Hoàng Hoa Thám.
Hôm ấy, như mọi năm, ông Dũng cùng cha mình ra mộ cụ Cắm dọn cỏ, thắp nhang mời cụ về ăn Tết. Khi vạt cỏ, ông Dũng đã bất ngờ khi thấy một khối đá có nét chữ Hán. Ngay sau đó, ông đã bàn bạc với mọi người trong họ tiến hành khai quật phiến đá ấy lên.
Phiến đá hình tam giác, mặt nào cũng có Hán tự. Theo đó, mặt chính của bia mộ ghi quan hậu thần Hoàng Đình Cương, Hoàng Đình Kiến. Mặt sau của bia ghi Phó lãnh binh Hoàng triều Hàm Nghi bát niên. Mặt còn lại của tấm bia ghi Hiệu Hồng Kiến.
Sau khi phát hiện ra cụ Cắm chính là Hoàng Đình Cương thì một giả thiết đầy bất ngờ đã được hai dòng họ này đưa ra. Theo ông Quán, với những thông tin và tài liệu mà ông thu thập được trước đây thì ông Hoàng Đình Cắm có thời gian quan hệ mật thiết với chủ soái của phong trào Yên Thế Hoàng Hoa Thám.
Ông Quán cho hay, theo lời các vị cao niên trong vùng, đã có thời gian ông Trương Văn Thám (tên thật của Đề Thám), đưa anh em đến dưới trướng của ông Hoàng Đình Cắm tụ nghĩa. Bởi những thông tin này mà ông Quán, ông Dũng cùng những người quan tâm tới sử học đặt câu hỏi, phải chăng ông Hoàng Đình Cương (Hoàng Đình Cắm) chính là ông Hoàng Đình Kinh (còn gọi là Cai Kinh) người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp gây tiếng vang rất lớn ở Lạng Sơn, Bắc Giang hồi cuối thế kỷ 19?
---------------
Bài 2: Bán gia tài để săn lùng kho báu
Đào Thanh Tuy
Vui lòng nhập nội dung bình luận.