Hà Giang xây dựng NTM: Lan tỏa niềm vui nơi địa đầu Tổ quốc

Trang Thảo Thứ tư, ngày 16/10/2019 16:07 PM (GMT+7)
Hà Giang - từ một tỉnh đặc biệt khó khăn, kém phát triển nhất nhì cả nước, có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình bị chia cắt… nhưng sau gần 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), đã “thay da đổi thịt” đến ngỡ ngàng. Nông thôn thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi địa đầu Tổ quốc cũng được cải thiện đáng kể.
Bình luận 0

Lấy người dân là trung tâm, là nòng cốt

Nằm ở biên giới cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng với 11 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 8 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Hà Giang đã xác định đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung quyết liệt với phương châm làm theo điều kiện của mình; lấy người dân làm trung tâm, làm nòng cốt trong quá trình thực hiện.

img

Ông Nguyễn Minh Tiến - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang (thứ 3 từ trái sang) thăm mô hình làm vườn tại thôn Minh Thành (xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên). Ảnh: Văn Chiến

"Có thể khẳng định chương trình NTM của Hà Giang thực sự đã đi vào chiều sâu và làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn. Đây được xem như tiền đề để tạo cơ sở vững chắc trong việc tiếp tục xây dựng NTM giai đoạn tới...”.

Ông Nguyễn Minh Tiến 

Với quan điểm đó, sau gần 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay Hà Giang đã có 33 xã đạt chuẩn. Dự kiến hết năm 2019, tỉnh có thêm 5 xã đạt chuẩn; bình quân đạt 10,59 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 7 tiêu chí.

Trong đó TP.Hà Giang là đơn vị cấp huyện đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM từ năm 2015 và đang tích cực triển khai nâng cao chất lượng các tiêu chí, lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm 2019.

Tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM của Hà Giang đến nay đã đạt trên 8.491.288 tỷ đồng, từ nhiều nguồn trung ương, tỉnh, huyện, các xã, các đơn vị, tổ chức, các doanh nghiệp và sự đóng góp vật chất, ngày công, hiến đất của người dân.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 20,7 triệu đồng. Từ năm 2016 đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,65% xuống còn 31,17%. Đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản và thoát nghèo bền vững.

Với kết quả đạt được, có thể khẳng định phương châm lấy dân làm chủ thể, người dân được tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng NTM của Hà Giang đã củng cố thêm niềm tin của nhân dân và tạo sự đồng thuận và là nguồn lực to lớn trong quá trình hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Điều này càng được thể hiện rõ hơn khi đến Hà Giang những ngày này, bộ mặt nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, niềm vui từ xây dựng NTM đã thật sự lan tỏa khắp bản làng.

Chị Vũ Thị Ly, thôn Xuân Phong (xã Xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên) không giấu được niềm vui khoe: “Từ khi thực hiện xây dựng NTM, đời sống người dân chúng tôi được nâng cao, nhất là hệ thống giao thông cải thiện rõ rệt, giờ đây việc đi lại của chúng tôi được thuận tiện hơn, thóc, lúa, phân bón có thể chở ra tận đồng, chứ không còn phải mang vác như trước đây nữa”.

Nông thôn thay đổi từng ngày

Bên cạnh việc lấy nhân dân làm nòng cốt, lãnh đạo tỉnh Hà Giang còn xác định công tác xây dựng cơ sở hạ tầng cũng là khâu quan trọng trong xây dựng NTM. Trong đó, hệ thống đường giao thông là trọng tâm. Bởi đây là yếu tố trọng yếu có tác động lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Phó Chủ tịch thường trực UBND, Phó Trưởng ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hà Giang cho biết: “Tỉnh xác định hệ thống giao thông sẽ góp phần lớn trong việc thay đổi bộ mặt nông thôn, đẩy nhanh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và chất lượng đời sống cho dân cư nông thôn. Tiêu chí giao thông thực hiện tốt sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí NTM khác”.

Nhờ những quyết sách đúng đắn, phù hợp với thực tế của địa phương, tính đến hết tháng 7/2019 toàn tỉnh đã thực hiện bê tông hóa được trên 2.200km đường trục thôn, liên thôn xóm, nội đồng, có 38/177 xã (21,5%) đạt tiêu chí giao thông. Bên cạnh đó, đã có 142/177 xã (80,2%) đạt tiêu chí thủy lợi, và hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh cơ bản đã đáp ứng nhu cầu sản suất của nhân dân, tạo nên nhiều đổi thay đáng kể ở khu vực nông thôn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem