Hà Giang: Xót xa 3.000 tấn cam rụng, lăn xuống cả đường đi
Hà Giang: Xót xa 3.000 tấn cam rụng đỏ vườn, lăn xuống cả đường đi, chủ vườn tất tả tìm người mua
Minh Ngọc
Thứ hai, ngày 22/02/2021 16:50 PM (GMT+7)
Thời tiết bất thuận, mưa kéo dài từ ngày 11/2 (mùng 4 Tết) cùng với đó sức mua giảm, cửa khẩu đóng cửa, xe vận chuyển hàng hóa 2 chiều không thể lưu thông do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm 3.000 tấn cam sành của của người dân huyện Bắc Quang và Quang Bình (Hà Giang) rụng đỏ gốc, tràn xuống cả đường đi.
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bắc Quang (Hà Giang), tính đến ngày 18/2, số lượng cam bị rụng đã lên tới trên 2,7 nghìn tấn, với diện tích bị ảnh hưởng 937 ha/477 hộ, tập trung nhiều tại 5 xã gồm: Vĩnh Phúc, Vĩnh Hảo, Đông Thành, Thượng Bình và thị trấn Việt Quang.
Tại huyện Quang Bình, sản lượng cam bị rụng là 228 tấn, tại 10 xã vùng cam của huyện.
Theo đó, nguyên nhân do thời tiết mưa kéo dài từ ngày 11/2 (mùng 4 Tết), đồng thời kèm theo có sương muối, thay đổi thời tiết đột ngột làm cho quả cam bị sốc nước. Qua kiểm tra cho thấy một số quả trên cây bị rạn vỏ gây nấm mốc. Điều này làm quả cam bị thối và rụng.
Thời điểm sau Tết Nguyên đán thời tiết bắt đầu ấm lên, chu kỳ xuân hóa của cây bắt đầu, vì vậy cây tự điều chỉnh sinh lý để huy động dinh dưỡng cho chu kỳ mới nên dẫn tới rụng quả.
Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến sức mua giảm, cửa khẩu tạm thời đóng cửa, xe vận chuyển hàng hóa 2 chiều không thể lưu thông nên dẫn đến quả cam khó tiêu thụ.
Hiện diện tích trồng cam sành của toàn huyện Bắc Quang là 4.322ha; diện tích cam thu hoạch khoảng trên 3.789ha (chiếm 87,7%); ước sản lượng 41.632 tấn, trong đó diện tích cam trồng theo quy trình VietGAP là 2.422 tấn.
Xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang là địa phương bị thiệt hại do cam rụng nhiều nhất. Hiện toàn xã có 324,6 ha cam, với 148 hộ trồng cam thì đã số cam rụng đã lên tới trên 1.313 nghìn tấn.
Ông Trần Trung Thuyết - Giám đốc HTX cam sạch xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang (Hà Giang) cho biết, do cam trên địa bàn xã trồng theo chuẩn VietGAP, hữu cơ chuyển đổi nên giá bán cam vẫn đạt 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19 nên thị trường tiêu thụ cam rất chậm.
"Hiện nay HTX đã chủ động liên kết để bán cam cho thương lái, tìm đầu mối tại các cửa hàng rau quả sạch ở Hà Nội để giảm áp lực cam rụng cho các vườn cam của thành viên HTX", ông Thuyết nói.
Với 4 ha trồng cam, gia đình anh Trương Văn Đồng, thôn Pha, xã Đồng Tâm, huyện Bắc Quang (Hà Giang) dự kiến đạt sản lượng khoảng 60 tấn. Tuy nhiên do cam không tiêu thụ được, chín quá lại gặp tình hình thời tiết bất lợi nên đã bị rụng hơn 10 tấn quả.
Dự kiến trong khoảng nửa tháng nữa, nếu không tiêu thụ được thì cả vườn cam của gia đình anh sẽ đồng loạt bị rụng đỏ gốc. Trước tình cảnh này, gia đình anh Đồng rất mong muốn các cơ quan chức năng sớm có giải pháp hỗ trợ người nông dân giải cứu cam.
Ông Hà Mạnh Thắng - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bắc Quang thông tin, để đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ cam cho nông dân và nhằm hạn chế tình trạng cam rụng, trong thời gian vừa qua, huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đầu mối thu mua và Tập đoàn Masan để triển khai thực hiện giao nhận đơn hàng, đưa cam sành vào hệ thống Siêu thị Vinmart trong miền Nam.
Giám sát chặt chẽ các HTX đưa cam về hệ thống các siêu thị chất lượng sản phẩm phải đảm bảo quy định. Đồng thời, tuyên truyền đến các HTX, các hộ trồng cam bán sớm đúng mùa vụ, không chờ giá ngay từ đầu vụ.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng sản lượng cam từ đầu vụ đã tiêu thụ được khoảng 13.000 tấn (tương đương 32%).
Trong đó, tổng sản lượng đã giao vào Siêu thị Vinmart từ đầu vụ đến ngày 4/2 là trên 92 tấn (giá cam từ 9.000 đến 10.000 đồng/kg).
Ngoài ra các HTX, doanh nghiệp và người dân tự kết nối tiêu thụ đi các thị trường chủ yếu là các chợ đầu mối, thương lái từ các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Phú Thọ... đến hợp đồng tại vườn.
Bên cạnh đó, các chủ vườn có số lượng cam lớn đi bán tại các chợ, đại lý tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình...
Hiện mức giá tiêu thụ cam tại vườn dao động từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg, tùy từng vườn cam đẹp hay xấu.
Cùng thời điểm này năm 2020, tại tỉnh Hà Giang cũng xảy ra tình trạng cam đồng loạt rụng với tổng sản lượng lên tới 16.000 tấn. Nguyên nhân là do một số hộ dân muốn giữ lại cam trên cây để chờ qua Tết Nguyên đán bán được giá.
Ông Phùng Viết Linh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hà Giang cho biết, giải pháp đầu tiên để đẩy mạnh tiêu thụ cam đó là tập trung vào việc xúc tiến thương mại, tạo mọi điều kiện để tiêu thụ sản phẩm cam của niên vụ năm nay. Đặc biệt là sản phẩm cam sành Hà Giang.
Ngoài ra, Sở NNPTNT đã giao Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đánh giá lại các nguyên nhân gây ra rụng cam ở huyện Bắc Quang và Quang Bình trong thời gian vừa qua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.