Hà Nội: Biến loài hoa mỏng manh thành nghề mũi nhọn, nông dân Phù Đổng thu hơn 82 tỷ/năm

Thu Hà Thứ bảy, ngày 20/03/2021 18:26 PM (GMT+7)
Nhờ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhanh nhạy với thị trường, người dân ở xã Phù (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã biến nghề trồng hoa giấy thành nghề mũi nhọn phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương.
Bình luận 0

Năm 2020, các hộ dân xã Phù Đổng có lợi nhuận từ nghề trồng hoa giấy đạt hơn 82 tỷ đồng.

Nhanh tay cắt tỉa những cành hoa giấy để chuẩn bị cho vụ hoa mới, anh Nguyễn Thanh Sơn (ở thôn Phù Đổng 1, xã Phù Đổng) cho biết, gia đình anh là một trong những hộ đầu tiên ở xã trồng hoa giấy. Đến nay, sau hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng hoa giấy, gia đình anh có 2ha đất trồng hàng nghìn gốc hoa giấy với nhiều màu sắc và các kiểu cấy ghép khác nhau.

Thu nhập cao, đầu ra thuận lợi

Trồng hoa giấy, nông dân Phù Đổng thu hơn 82 tỷ đồng/năm - Ảnh 1.

Mô hình trồng hoa giấy của anh Lê Thanh Cao ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Thu Hà

Hiện toàn xã Phù Đổng có 87,5ha trồng hoa giấy. Năm 2020 lợi nhuận từ nghề trồng hoa giấy đạt hơn 82 tỷ đồng.

Thu nhập bình quân năm 2020 của người làm nghề trồng hoa giấy đạt 10,2 triệu đồng/người/tháng, cao hơn 2 lần so với thu nhập bình quân của người làm nông nghiệp hoặc dịch vụ khác (5,8 triệu đồng/người/tháng).

Với giá bán từ 70.000 đồng đến 6 -7 triệu đồng/cây hoa giấy, mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình anh Sơn thu lãi vài trăm triệu đồng. Nghề trồng hoa giấy tại gia đình anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 nhân công.

Anh Sơn phấn khởi cho biết: Hiện nay, đầu ra cho hoa giấy khá tốt. Nếu như cách đây hơn 10 năm, anh phải chở hoa giấy đi ra các chợ bán, thì nay khách đã đến mua tại vườn. 

Khách mua hoa giấy chủ yếu tại các địa phương khu vực Bắc, miền Trung từ Quảng Trị trở ra. Cùng với các dòng hoa giấy truyền thống, anh Sơn cũng nhập thêm các dòng hoa giấy từ Thái Lan, Trung Quốc về trồng.

Anh Lê Thanh Cao - Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp trồng hoa giấy xã Phù Đổng cho biết: Hiện Tổ hội có hơn 30 thành viên. Tham gia tổ hội, các thành viên cùng trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cũng như thị trường tiêu thụ.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng hoa giấy, các hộ nông dân xã Phù Đổng cho biết: Hoa giấy dễ sống, dễ chăm sóc, không có sâu bệnh, không cần phun thuốc trừ sâu hoặc các loại thuốc khác. 

Chỉ cần bón phân lân tổng hợp khi cây ra hoa và biết cách hãm nước tưới để cây ra hoa tốt. Nếu nhiều nước, cây chỉ tốt cành lá, ít hoa và hoa không đẹp, không thắm sắc.

Theo anh Lê Thanh Cao, muốn có gốc hoa giấy to, đẹp phải nuôi dưới đất 3 - 4 năm, gốc to, khỏe mới đánh vào chậu. Hiện, loại gốc to như vậy, các thành viên trong tổ hội bán với giá khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/cây. Còn giá loại hoa giấy nhỏ hơn dao động từ 60.000 - 100.000 đồng/cây. Thị trường tiêu thụ hoa giấy rất thuận lợi.

Giá trị sản xuất đạt 900 triệu đồng/ha

Ông Phùng Xuân Việt - Bí thư Đảng uỷ xã Phù Đổng cho biết: Cách đây hơn 20 năm, một số hộ dân ở Phù Đổng đã bắt đầu trồng cây cảnh, hoa giấy. Nhờ sự khéo léo của bàn tay, tư duy nhanh nhạy, cùng điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp nên nghề trồng hoa, cây cảnh ở Phù Đổng ngày càng phát triển. Trong đó, nghề trồng hoa giấy trở thành nghề mang đến thu nhập chính, nhất là sau khi có quyết định chuyển 300ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa giấy, cây cảnh, cây ăn quả.

Tính đến cuối năm 2020, nhân dân xã Phù Đổng đã chuyển đổi trên 266,5ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao, trong đó có 87,5ha trồng hoa, cây cảnh. Giá trị thu nhập đối với hoa, cây cảnh đạt trên 900 triệu đồng/ha/năm. 

Năm 2020 lợi nhuận từ nghề trồng hoa giấy đạt hơn 82 tỷ đồng. Thu nhập bình quân năm 2020 của người làm nghề trồng hoa giấy đạt 10,2 triệu đồng/người/tháng, cao hơn 2 lần so với thu nhập bình quân của người làm nông nghiệp hoặc dịch vụ khác (5,8 triệu đồng/người/ tháng).

Theo Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng, hiện nay, các hộ trồng hoa giấy trên địa bàn xã đã thực hiện nhiều kỹ thuật chăm sóc, cấy ghép trình độ cao để cung cấp cây hoa cho thị trường cả nước. Nhiều hộ đã đầu tư các loại máy móc như máy làm đất, trộn ủ; đầu tư hệ thống màng phủ nylon, tưới tự động để nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.

"Tháng 11/2020 vừa qua, xã Phù Đổng đã nhận được quyết định công nhận Làng nghề cây cảnh hoa giấy Phù Đổng. Đây là niềm vinh dự, tự hào của bà con trồng hoa giấy xã Phù Đổng" - Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng phấn khởi cho biết.

Theo ông Phùng Xuân Việt: Thời gian tới xã Phù Đổng xác định tập trung vào khâu đột phá là phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với du lịch. Theo đó, xã tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy những lợi thế của địa phương là sản xuất hoa, cây cảnh, trong đó chủ lực là cây hoa giấy để xây dựng các mô hình vườn đồng phục vụ du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem