Hà Nội cách ly người từ TP.HCM có "gây khó dễ" cho người dân?

Gia Khiêm Thứ tư, ngày 17/11/2021 15:44 PM (GMT+7)
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, Hà Nội chỉ nên yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính, đã tiêm vaccine đủ 2 mũi đối với những người từ TP.HCM và một số tỉnh thay vì yêu cầu cách ly 7 ngày.
Bình luận 0

Hà Nội quyết định cách ly người từ TP.HCM gây xôn xao

Tối 16/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký công điện số 23 về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Cụ thể, từ ngày 17/11, Hà Nội triển khai các biện pháp cao để kiểm soát chặt đối với người về từ các tỉnh, thành. 

Hà Nội quyết định cách ly người từ TP.HCM có chăng "gây khó dễ" cho người dân? - Ảnh 1.

Nhiều hộ tạm thời bị phong toả ở đường Nguyễn Trãi, Hà Nội sáng ngày 17/11. Ảnh: Gia Khiêm

Đáng chú ý, trong công điện nêu rõ những người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh, đi về từ khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (cấp độ 4 và 3, tương ứng với màu đỏ và màu cam) và các tỉnh, thành có số ca mắc cao như: TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai... sẽ cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú (có quyết định cách ly của địa phương) trong vòng 7 ngày; xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7 từ khi tới Hà Nội.

Quyết định này sẽ ảnh hưởng tới tiến độ đi lại, công việc của nhiều người nếu đi công tác hoặc di chuyển tiếp mà Hà Nội là nơi đến. Trong khi đó, Hà Nội là đầu mối giao thương, chính trị, kinh tế… nhu cầu đến Hà Nội làm việc trong thời gian ngắn rất lớn.

Hà Nội quyết định cách ly người từ TP.HCM có chăng "gây khó dễ" cho người dân? - Ảnh 2.

Khu vực phong toả tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Quyết định này cũng vượt quá quy định trong nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế về thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Theo quy định hiện hành, nếu áp dụng vượt 128 và 4800 phải báo cáo Chính phủ và Bộ Y tế.

Theo thống kê của Hà Nội, thời gian qua Hà Nội ghi nhận một số ca Covid-19 đến từ vùng dịch khác, nhưng số lượng ca không nhiều so với nhóm bệnh nhân lây trong khu cách ly, khu phong tỏa. Cụ thể, ngày 16/11 có 2/150 ca nhiễm Covid-19 mới của Hà Nội liên quan tới các tỉnh có dịch; ngày 15/11 có 2/280 ca; ngày 14/11 có 4/119 ca...

Hà Nội có đang "gây khó dễ" cho người từ nơi khác về?

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, PGS TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, Hà Nội có chăng đang "gây khó dễ" cho người từ nơi khác về?

"Việc cách ly như vậy chỉ áp dụng với những người đi về nhà, còn những người đi làm ăn, công tác ra Hà Nội thường họ đi ít ngày hoặc đi về trong ngày. Hôm qua có người ra sân bay khi nhận thông tin Hà Nội quy định trên họ đành phải quay về. Thành phố ban hành công điện rất đột ngột, khiến nhiều người mua vé rồi, công việc sắp xếp hết rồi bị lỡ hết việc, gây khó dễ cho người lao động, làm ăn, sao phải cách ly 1 tuần nữa", ông Nga nhấn mạnh.

Hà Nội quyết định cách ly người từ TP.HCM có chăng "gây khó dễ" cho người dân? - Ảnh 3.

PGS TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế). Ảnh: NVCC

Ông Nga cho rằng Hà Nội chỉ nên áp dụng quy định những người tại khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ. Nên cho họ đi về Hà Nội, không nên ngăn cấm.

"Điều quan trọng những người dân đi về Hà Nội họ thực hiện tốt 5K. Người dân khi đi công việc, làm ăn họ cũng sợ bị lây nhiễm Covid-19 chứ có phải muốn lây cho người khác đâu. Chúng ta phải trao quyền tự bảo vệ sức khoẻ cho họ. Tôi cho rằng Hà Nội ban hành quy định như vậy không hợp lý, cần điều chỉnh cho phù hợp", ông Nga nêu.

Hà Nội quyết định cách ly người từ TP.HCM có chăng "gây khó dễ" cho người dân? - Ảnh 4.

Khu vực cách ly ly tại phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Đồng quan điểm với ông Nga, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, Hà Nội cần phải có cơ sở tham mưu thật thực tiễn, bám sát vào hướng dẫn của Bộ Y tế. 

"Bộ Y tế đã có hướng dẫn chung, hiểu được nguyên tắc sẽ đưa ra được quyết định đúng, trúng, vẫn đảm bảo được an toàn. Lo sợ là tốt nhưng quá thì không tốt. Tuân thủ đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế phù hợp nhất. Hà Nội nếu cần thiết làm cao hơn 1 mức nhưng không được làm ảnh hưởng đến đời sống, phát triển kinh tế, xã hội của người dân", ông Nhung phân tích.

Ông Nhung cũng cho biết, đối với những người dân từ khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao phải đảm bảo điều kiện tiêm vaccine và xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.

"Theo quy định, người không làm xét nghiệm phải tự theo dõi sức khoẻ, cũng không phải cách ly, vẫn được đi lại. Rõ ràng người dân thực hiện dễ ngay cả tuyến y tế cơ sở cũng dễ thực hiện. Trên không thống nhất các cấp dưới sẽ khó trong việc thực thi. 

TP Hồ Chí Minh cấp độ dịch cao hơn thì phải làm xét nghiệm âm tính, đặc biệt tuân thủ 5K, thực hiện khai báo y tế, chú ý khẩu trang và không cần phải cách ly. Nếu đi làm mà phải chờ 7 ngày sau sẽ ảnh hưởng rất lớn", ông Nhung nói thêm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem