Lãnh đạo CDC Hà Nội: Cách ly F1 tại nhà cần sự đồng thuận chứ không phải xin phép hàng xóm

Gia Khiêm Thứ tư, ngày 17/11/2021 13:11 PM (GMT+7)
Trước việc F1 sống ở chung cư, các hộ gia đình bên cạnh phải đồng ý thì cơ quan chức năng mới cho phép cách ly ở nhà, Phó Giám đốc CDC Hà Nội đã lên tiếng.
Bình luận 0

"Hàng xóm họ có quyền biết đang có F1 cách ly bên cạnh mình"

Ngày 17/11, trao đổi với PV Dân Việt, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã lên tiếng về thông tin F1 ở chung cư muốn cách ly tại nhà cần được hộ bên cạnh đồng ý. 

Cụ thể, khi sống ở chung cư, những hộ bên cạnh phải đồng ý thì cơ quan chức năng mới cho phép F1 cách ly ở nhà, tránh hiện tượng người dân xung quanh phản đối. Thông tin này sau đó đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau của dư luận xã hội. 

Phó Giám đốc CDC Hà Nội lên tiếng cách ly F1 tại nhà mới mẻ gì nữa mà "thí điểm"? - Ảnh 1.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội. Ảnh: Thành An

"Do thông tin truyền tải không rõ dẫn đến nhiều người chưa hiểu. Với người ở các khu chung cư thì các căn hộ nằm liền kề nhau nên nếu trường hợp F1 ở đây và muốn được cách ly tại nhà cần phải có sự đồng thuận, đồng thời tạo sự giám sát lẫn nhau của các hộ hàng xóm cùng tầng. 

Thứ nhất, hàng xóm họ có quyền biết đang có F1 cách ly bên cạnh mình. Chính vì thế phải có sự thông báo, trao đổi để họ đồng thuận. Thứ 2, khi hàng xóm đồng thuận sẽ hỗ trợ, giám sát chính F1 đó. Vì vậy, việc giám sát của hàng xóm cùng tầng sẽ phần giúp giảm tải nguồn lực cho giám sát của lực lượng phường, xã", ông Tuấn phân tích. 

Phó Giám đốc CDC Hà Nội lên tiếng cách ly F1 tại nhà mới mẻ gì nữa mà "thí điểm"? - Ảnh 2.

Một hộ dân thực hiện cách ly tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Phó Giám đốc CDC Hà Nội cũng nhấn mạnh "Đây là đồng thuận chứ không phải xin phép hàng xóm". Theo ông, ở thành phố phải đánh giá rất kỹ việc nên cho F1 cách ly tại nhà hay không. 

"Trong đánh giá đương nhiên phải có sự phối hợp của hàng xóm. Nhà thông sang hàng xóm sao đủ điều kiện được. Trường hợp hàng xóm không đồng thuận phải trao đổi thống nhất. Trong bối cảnh này, ai cũng đều có nguy cơ như nhau. Nay hoặc mai bất cứ ai cũng có thể trở thành F1. Chính vì vậy theo tôi mọi người sẽ hoàn toàn đồng thuận nhưng họ có quyền được biết, thông báo giám sát F1 giúp chính quyền địa phương, đó là cái tốt", ông Tuấn cho hay.

"Hà Nội không giống tỉnh thành khác, đất chật người đông, thủ đô phải an toàn"

Cũng liên quan đến việc thí điểm cách ly F1 tại nhà ở Hà Nội, ông Tuấn cho hay, đối với một số tỉnh, thành, việc cách ly F1 tại nhà đã được thực hiện khá lâu nhưng với Hà Nội, từ trước chưa làm nên hiện nay khi bắt đầu thực hiện mới dùng từ "thí điểm".

Phó Giám đốc CDC Hà Nội lên tiếng cách ly F1 tại nhà mới mẻ gì nữa mà "thí điểm"? - Ảnh 3.

Nhiều căn hộ ở phố Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội tạm thời bị phong toả ngày 16/11. Ảnh: Gia Khiêm

"Các khu cách ly tập trung tại Hà Nội hiện không quá tải. Tuy nhiên dựa trên yêu cầu, nguyện vọng của người dân nên thành phố tính đến phương án thí điểm cách ly tại nhà. Việc này không thể triển khai một lúc nên thành phố mới thí điểm là vậy. Việc này sẽ làm dần từng bước chứ không phải 100% F1 cách ly ở nhà. Phải có bước thử nghiệm, đánh giá xong mới mở rộng", ông Tuấn nói. 

"Thí điểm bởi với Hà Nội là mới, từng bước một, thực sự an toàn mới tiếp tục, không an toàn phải dừng. Hà Nội không giống tỉnh thành khác, đất chật người đông, thủ đô phải an toàn. Đây là bảo vệ cho thủ đô - Trung tâm Chính trị - Văn hoá – Xã hội của cả nước chứ không riêng gì bảo vệ cho người dân Hà Nội", ông Tuấn nhấn mạnh.

UBND TP Hà Nội yêu cầu người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc F0 khỏi bệnh về từ khu vực nguy cơ cao (cấp 3, 4) hoặc từ nơi có số ca mắc cao như TP.HCM phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Ông Tuấn cũng cho rằng, giai đoạn đầu yêu cầu tự theo dõi nhưng người dân thực hiện không triệt để, chính vì vậy bắt buộc người dân nâng cấp lên mục tiêu đảm bảo an toàn cho thủ đô. 

"Người dân từ khu vực nguy cơ cao (cấp 3,4) phải cách ly là vì thế. Nếu không nguy cơ tiếp tục tăng ca bệnh không chỉ dừng lại ở con số 200-300 ca nhiễm/ngày mà có thể lên đến hàng nghìn bệnh nhân", ông Tuấn chia sẻ. 

Về việc khó kiểm soát người đi các phương tiện đường bộ, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho rằng vấn đề này thuộc về vai trò của địa phương, chính quyền, công an khu vực, hàng xóm, ý thức cộng đồng. Việc này chắc chắn khó khăn, quan trọng nhất vẫn là ý thức người dân.

Tối 16/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký công điện số 23 về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Cụ thể, từ ngày 17/11, Hà Nội triển khai các biện pháp cao để kiểm soát chặt đối với người về từ các tỉnh, thành.

"Những người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh, đi về từ khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (cấp độ 4 và 3, tương ứng với màu đỏ và màu cam) và các tỉnh, thành có số ca mắc cao như: TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai... sẽ cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú (có quyết định cách ly của địa phương) trong vòng 7 ngày; xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7 từ khi tới Hà Nội", công điện nêu rõ.

Ngoài ra, những người tiêm chưa đủ liều hoặc chưa tiêm vaccine về từ khu vực nguy cơ cao (cấp độ 3, tương ứng màu da cam) phải cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong vòng 7 ngày tiếp theo và luôn thực hiện biện pháp 5K; xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7.

Những người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh về từ khu vực nguy cơ (cấp độ 2) tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày, xét nghiệm một lần vào ngày đầu tiên.

Người chưa tiêm, tiêm chưa đủ liều vaccine đi về từ khu vực nguy cơ (cấp độ 2) tự theo dõi sức khỏe 14 ngày; xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 7.

Tất cả các trường hợp trên ngay khi về đến Hà Nội phải khai báo y tế và thông báo, cam kết với chính quyền địa phương. Trong thời gian cách ly, nếu có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 như: ho, sốt, đau rát họng, mất hoặc giảm khứu giác, vị giác... cần báo ngay cho cơ quan y tế địa phương.

"Hà Nội thí điểm điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ trên địa bàn xã phường, thị trấn với phương châm "4 tại chỗ", do các quận, huyện, thị xã thành lập và điều hành theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế. Sau thời gian thí điểm, TP sẽ mở rộng cơ sở điều trị người bệnh nhiễm Covid-19 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ tại cấp quận, huyện, thị xã", công điện của UBND TP Hà Nội nêu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem