Trong nội dung công văn ban hành ngày 19/12, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường quản lý nhà nước về giao thông vận tải.
Phó Chủ tịch yêu cầu thường xuyên kiểm tra, rà soát, thống kê, xử lý việc vượt sông bằng dây treo, cầu tạm do người dân tự phát xây dựng trên địa bàn không đảm bảo kỹ thuật và an toàn giao thông.
Kiên quyết cấm lưu thông nếu nguy cơ mất an toàn, gây thiệt hại tới tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân dân.
Ảnh chụp tại Ngọc Liễu, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín ngày 12/3/2014 (Ảnh: Khám phá)
Trước đó, báo chí phản ánh tại một số địa phương của Hà Nội, người dân vượt sông bằng dây treo, cầu tạm tự chế.
Ví dụ như tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh (Hà Nội), người dân sử dụng hệ thống cáp treo tự chế để vượt một khúc của sông Hồng.
Hoặc giữa tháng 3/2014, báo chí phản ánh ở làng Ngọc Liễu (Nghiêm Xuyên, Thường Tín, Hà Nội), trên chiếc thuyền nhỏ, cũ nát, "người lái" dùng một sợi dây nối hai bên bờ sông Nhuệ để kéo từ bên bờ này sang bờ bên kia.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín - ông Nguyễn Huy Đức lý giải cách qua sông theo kiểu “đu dây” do... thuận tiện. Bởi từ bên này sang bên kia sông bàng đường cầu, phà có khi xa đến hàng chục cây số. Trong khi đó, dùng thuyền kéo dây qua sông gần hơn rất nhiều.
Ông nói: “Huyện có cảnh báo nguy hiểm nhưng bà con vẫn cố tình đi. Chúng tôi không thể ngăn cản được, vì đâu phải phải lúc nào cũng có người đứng đó giữ người ta lại”.
Lãnh đạo huyện này cho biết, huyện có chủ trương xây cầu, nhưng do “yếu tố kinh phí” nên chưa triển khai được. Dự kiến trong năm 2014 này, sẽ triển khai xây dựng cầu qua sông.
Trước sự việc này, ông Phan Đăng Long - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, ở các địa phương, chính quyền thường bố trí cầu, phà ở những điểm nhất định để người dân thuận tiện qua sông đi làm.
Tuy nhiên, nếu người dân nào gần nơi có cầu, phà sẽ thấy rất tiện lợi. Nhưng người dân ở khoảng cách xa hơn điểm cầu, phà sẽ thấy bất tiện. Do vậy, người dân ở nơi “bất tiện” thường tìm cách đi tắt cho gần.
Đại diện Thành ủy Hà Nội cho rằng, chính quyền địa phương có trách nhiệm chăm lo cho người dân thuận tiện trong sinh hoạt, đi lại. Tuy nhiên, trong lúc chưa xây được cầu, chính quyền địa phương phải giải thích cho dân về sự nguy hiểm “đu dây” qua sông. Đồng thời, chấp hành đúng quy định giao thông đường thủy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.