Theo đó, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về giáo dục pháp luật, UBND thành phố yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục trong nhà trường.
Cụ thể, việc xây dựng nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống trong nhà trường phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp từng cấp học và trình độ đào tạo theo kế hoạch của thành phố.
Ngoài ra, Hà Nội yêu cầu tích hợp, lồng ghép trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non để hình thành và phát triển ý thức, hành vi, thói quen tốt, phù hợp độ tuổi trong việc thực hiện nội quy, quy định của trường, lớp mầm non, trong gia đình và cộng đồng.
Đối với giáo dục phổ thông, các môn đạo đức, giáo dục công dân trong chương trình sách giáo khoa hiện hành được giảng dạy trên cơ sở rà soát, tinh giản những nội dung khó, trùng lặp, chưa thực sự cần thiết đối với học sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Giáo viên lựa chọn các nội dung giáo dục có giá trị và phù hợp đặc điểm tâm sinh lý, tình cảm và sự phát triển của học sinh, của xã hội và thời đại.
Nhà trường chú trọng giáo dục hành vi và chuẩn mực đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật, kỹ năng sống và giá trị sống đúng đắn trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cùng với đó, Hà Nội sẽ tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên giảng dạy các môn học Đạo đức, Giáo dục công dân, Lý luận chính trị cùng giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý, tổng phụ trách đội, công tác đoàn, chủ nhiệm lớp trong các nhà trường, đội ngũ cán bộ, chuyên viên phụ trách công tác chính trị tư tưởng, công tác học sinh, sinh viên, cán bộ Đoàn, hội, đội...
Các gia đình cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc chăm sóc và giáo dục học sinh, thực hiện cam kết với cơ sở giáo dục về thực hiện đầy đủ nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục và tạo môi trường tốt nhất góp phần hướng dẫn, quản lý con em học tập, rèn luyện.
Ngoài ra, Hà Nội xây dựng và thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa trong các nhà trường, xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện. Mỗi trường học có ít nhất một không gian văn hóa gắn với giáo dục lịch sử, truyền thống, ý thức công dân cho học sinh.
UBND thành phố chỉ đạo rà soát lại việc bố trí, sử dụng sân chơi, các công trình văn hóa, thể thao cho học sinh trong nhà trường và tại địa phương, xây dựng cơ chế phối hợp nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao trong và ngoài nhà trường, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của hệ thống các trung tâm, các cung, nhà thiếu nhi cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
Năm 2017, bạo lực học đường diễn ra nghiêm trọng ở Hà Nội khi nhiều vụ học sinh đánh nhau, giáo viên đánh học sinh liên tiếp xảy ra.
Cuối tháng 10, clip hai nữ sinh ở Đống Đa ẩu đả nhau bị tung lên mạng khiến nhiều người hoang mang. Trước đó, cũng trong tháng 10, dư luận giật mình trước cảnh nhóm nữ sinh đánh bạn dã man ngay trên bục giảng.
Văn hóa học đường xuống cấp không chỉ biểu hiện ở cách hành xử bạo lực giữa học sinh với nhau mà còn ở những nhà giáo nêu gương xấu.
Đặc biệt, trong tháng 9, UBND quận Ba Đình phải tổ chức cuộc họp hiệu trưởng trên toàn quận về sự việc cô giáo dùng thước kẻ đánh học sinh tại lớp 2A, trường tiểu học Nguyễn Tri Phương.
Tháng 4, một giáo viên khác ở Mễ Trì đánh học sinh bầm tím tay vì không làm bài tập.
Đầu năm, khảo sát của Viện nghiên cứu Y - Xã hội cho thấy 80% học sinh ở các trường THCS, THPT trên địa bàn Hà Nội cho biết từng là nạn nhân của bạo lực học đường.
Nguyễn Sương (Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.