Hiện nay, ở đại đa số các trường học, cán bộ lớp chính là cánh tay đắc lực giúp giáo viên quản lý học sinh. Vì thế, giáo viên đã vô tình trao cho các bạn lớp trưởng, lớp phó hay sao đỏ rất nhiều “quyền lực”.
Cụ thể, ở một số trường, cán bộ lớp được phép cầm thước đánh bạn, phạt bạn khi bạn vi phạm nội quy như quên sách, quên thước... Nhiều người cho rằng, việc giáo viên “đẩy” công việc của mình sang phía các cán bộ lớp là một lối giáo dục đầy thô bạo.
Liên quan tới quan điểm này, một phụ huynh tại một trường tiểu học trên địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho hay: “Năm nay con mình học lớp 1, nhưng từ khi cho con vào học ở trường này, trong 15 phút đầu giờ, mình không thấy có sự xuất hiện của giáo viên. Lớp của con mình có 1 lớp trưởng, 2 lớp phó và có thêm các bạn học sinh lớp 2 hoặc lớp 3 gọi là sao đỏ.
Có một hôm, sau đưa con tới lớp, mình ở lại 15 phút đầu giờ xem các con ôn bài thế nào. Tình cờ, mình thấy có một học sinh đang đứng khóc, mình lại gần và hỏi thì được biết học sinh này vừa bị bạn lớp phó đánh.
Được biết, trước đó, có một bạn lớp phó cầm thước và đánh mạnh vào tay học sinh này. Khi mình hỏi: “Tại sao cùng lớp con lại được cầm thước đánh bạn” thì bạn lớp phó kia nói: “Con đánh bạn ấy vì khi con kiểm tra bạn ấy không mang đầy đủ sách vở nên bị phạt”.
Khi thấy học sinh khóc nức nở vì bị đánh mình cũng rất thương nhưng chỉ biết khuyên bạn lớp phó kia: “Con chỉ được nhắc nhở bạn chứ không được đánh bạn như thế” thì bạn này nói lại ngay: “Con đánh là còn nhẹ ạ, nếu cô giáo tới thì cô giáo còn đánh mạnh hơn”.
Bản thân tôi cũng không biết từ lúc nào là trong trường học các thầy cô lại chuyển công việc quản lớp ở 15 phút đầu giờ cho các học sinh ở độ tuổi lớp 1 với nhau? Nhất là khi học sinh lớp trưởng, lớp phó được được cầm một cây thước dài đi vòng quanh lớp và đập bàn, đập ghế quát tháo. Đây là một lối giáo dục đầy bạo lực.
Trong 15 phút đầu giờ ấy mình thấy lớp học vô cùng nhốn nháo, bạn sao đỏ học lớp 2 đứng bục giảng và chỉ các chữ o, a, ô và học sinh lớp 1 ngồi dưới đọc như trong giờ học; có chỗ thì học sinh khóc inh ỏi vì quên đồ dùng và bị đánh bằng thước; chỗ thì lớp trưởng, lớp phó quát tháo...
Lớp trưởng bị trao quá nhiều quyền lực có thể khiến chính em đó phát triển theo hướng xấu. Nguồn Internet
Mình cũng đã từng chứng kiến, một giờ học khi giáo viên yêu cầu học sinh lấy sách Tiếng Việt nhưng một học sinh đã òa khóc. Hỏi ra em ấy mới nói: “Mẹ không xếp quyển sách Tiếng Việt vào cặp cho con, con biết lỗi rồi ạ”. Điều đó đủ biết, học sinh ám ảnh thế nào với các hình phạt khi không mang sách”.
Vị phụ huynh này cũng cho biết thêm, mình nghĩ giờ ôn bài giáo viên phải đứng ra quản lý, không thể trao quá nhiều quyền hành cho cán bộ lớp. Từ lớp 1 mà các con đã được cầm thước, đi quanh lớp, quát tháo, rồi phạt khi bạn quên không mang sách là một điều khó có thể chấp nhận. Chúng ta đã vô tình đẩy các con tới gần hơn với bạo lực học đường.
Hay việc để các học sinh lớp 2, lớp 3 đứng bục giảng và yêu cầu học sinh lớp 1 đọc, nếu không sẽ bị phạt cũng không được. Bản thân các con lớp 2, lớp 3 cũng có quyền có được một giờ ôn bài của riêng mình thay vì việc đi làm thay nhiệm vụ của giáo viên.
Một phụ huynh khác cũng có con học tại trường trên địa bàn huyện Thanh Trì cho hay: “Chị hàng xóm với mình còn bảo, thầy cô chủ nhiệm lớp con chị còn dặn học sinh: Về không được nói với bố mẹ việc ở lớp bị lớp trưởng phạt! Đành rằng con hư thì phải phạt, nhưng thiếu gì phương pháp phạt có tính giáo dục răn đe cao sao nhà trường không sử dụng lại đưa bạo lực vào như kiểu xã hội đen để trấn áp lẫn nhau.
Việc trao quyền cho ban cán sự lớp quản lý việc sinh hoạt, học tập, nâng đỡ các bạn cùng tiến, chứ không thể trao quyền bằng cách ai vi phạm thì dùng thước, dùng tay để đánh bạn được. Làm như này chẳng khác nào khuyến khích học sinh đánh nhau?”.
Hoàng Thanh (Infonet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.