Hà Nội: Cuộc sống của nhiều công nhân xây dựng những ngày giãn cách
Hà Nội: Cuộc sống của nhiều công nhân xây dựng trong gian nhà 40m2 những ngày giãn cách
Gia Khiêm
Thứ sáu, ngày 06/08/2021 15:56 PM (GMT+7)
Dịch bệnh Covid-19 khiến Hà Nội giãn cách xã hội, nhiều công nhân xây dựng phải tạm thời nghỉ việc. Họ cả ngày chỉ quanh quẩn trong không gian chật hẹp, hết ăn uống, ngủ nghỉ lại đọc báo, lướt facebook... trên điện thoại để "giết thời gian".
Cuộc sống của 12 công nhân xây dựng trong gian nhà 40m2
Những ngày này, anh Lê Văn Tư (41 tuổi, huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá) cùng 11 công nhân khác chỉ quanh quẩn trong không gian nhà trọ 40m2 được quây kín bằng tôn ở phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội.
Hơn 10 ngày qua kể từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17, công việc xây dựng của anh Tư cùng tất cả công nhân phải tạm dừng. Tất cả vì mục tiêu phòng chống dịch bệnh, ngăn chặn ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Về trưa, nắng nóng cứ thế hất thẳng vào căn nhà trọ tạm bợ bằng tôn có 12 công nhân sinh sống này. Họ làm chung một tổ, trong số đó có 1 cặp vợ chồng. Dịch bệnh thất nghiệp lại không thể về quê, anh Tư góp gạo thổi cơm chung với 3 người khác, số còn lại chia nhỏ ra tự túc ăn uống, sinh hoạt.
Bữa cơm trưa đơn giản với một đĩa thịt luộc, bát canh rau cùng rổ rau sống. Cứ thế anh Tư cùng mọi người vui vẻ ăn uống nói chuyện. Xong xuôi, người đi rửa bát, người dọn dẹp, người nằm nghỉ ngơi gọi điện về cho gia đình, vợ con, đọc báo, lướt facebook… để "giết thời gian".
"Giờ thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội nên chúng tôi chủ yếu ở trong phòng. Chợ thì cách đây không xa nên ngày chúng tôi phân chia nhau đi hai bữa sáng chiều do không có tủ lạnh. Cứ thế, người nấu ăn, người rửa bát, … ăn xong lại ngủ nghỉ… Đã hơn 2 tháng rồi tôi chưa về nhà. Thực sự rất nhớ vợ con nhưng trong lúc dịch bệnh phức tạp thế này, ở đây đảm bảo an toàn cho mình cũng như gia đình", anh Tư chia sẻ.
Anh Tư đã có thâm niên hơn 10 năm trong nghề thợ xây. Nếu không thực hiện giãn cách, mỗi ngày anh làm từ sáng tới chiều tối với thu nhập hơn 200.000 đồng. Những ngày này thì anh không có thu nhập, cũng không có tiền gửi về quê phụ vợ lo cho con cái.
"Vợ chồng tôi vẫn thường gọi điện thoại động viên nhau qua hết giai đoạn dịch bệnh này. Về quê, tôi cũng chẳng biết làm gì, kiếm đồng tiền khó khăn. Ở đây đông người cũng bất tiện chút nhưng vì điều kiện kinh tế mình chấp nhận. Mấy ngày nay nắng nóng quá, có đêm thức đến 2-3h sáng mới chợp mắt được chút", anh Tư nói.
Những ngày không thu nhập nhưng cố gắng vượt qua
Những ngày giãn cách, anh Lê Đình Đoàn (29 tuổi, quê Thanh Hoá) cũng chỉ biết hết nằm lại ngồi xem điện thoại cho nhanh qua đi. Hơn 3 tháng qua, anh Đoàn chưa về thăm vợ cùng hai con nhỏ. Lúc rảnh rỗi anh gọi điện về cho vợ rồi cả nhà nói chuyện. Anh có con nhỏ năm nay học lớp 4 và 1 bé 4 tuổi.
"Được đi làm, chúng tôi sẽ khuây khoả, mát mẻ hơn khi ở nhà cả ngày chỉ quanh quẩn 4 bức tường toàn bằng tấm tôn nóng bức như thế này. Bên cạnh đó, mọi người cũng sẽ có thu nhập. Tuy nhiên, trong lúc dịch bệnh thế này chúng tôi luôn chấp hành theo Chỉ thị về phòng chống dịch bệnh nên không đi đâu cả. Đành hẹn vợ con khi nào đỡ dịch, hết giãn cách sẽ về thăm gia đình", anh Đoàn chia sẻ.
Theo anh Đoàn, trong đợt giãn cách này tất cả công nhân ở nhà trọ của anh được chính quyền địa phương ủng hộ 40kg gạo, 3 thùng mì tôm, 3 hộp khẩu trang.
Ở chung nhà trọ với nhiều nam công nhân có chút bất tiện với cánh phụ nữ như chị Đàm Thị Xíu (quê Thái Nguyên) trong cuộc sống sinh hoạt. Tuy nhiên, theo chị Xíu, do làm cùng tổ nên tất cả ở chung một nhà tiện cho công việc, cũng như hỗ trợ nhau trong cuộc sống.
Bữa trưa của chị Xíu giản đơn chỉ có 1 gói mì tôm. Chị thật thà bảo: "Không có thu nhập nên ăn thế cho tiết kiệm. Chị còn dành tiền để lo cho con ăn học đại học nữa".
Chị Xíu kể, cuộc sống ở quê khó khăn nên xuống Hà Nội làm phụ hồ xây dựng đến nay hơn 3 năm với thu nhập 180.000 đồng/ngày công. Dịch bệnh nghỉ việc, chị cùng chịu cảnh không lương, không thu nhập.
"Chúng tôi ở trọ đây chủ thầu xây dựng chịu một ít tiền nhà, còn lại mọi người chia nhau ra. Công việc này chủ yếu dành cho nam giới, tuy có hơi vất vả với chị em phụ nữ như tôi nhưng vì con, vì gia đình nên cố gắng để thêm thu nhập cho con ăn học nên người", chị Xíu nói.
Con trai chị Xíu đang học đại học năm cuối ở Thái Nguyên, chuyên ngành công nghệ thông tin. Từ lúc con lọt lòng, chị vừa làm cha vừa là mẹ lo cho con học hành mong con sau này không khổ cực như mình.
"Đợt này không có việc, tôi cũng có lo lắng nhưng không bao giờ than phiền với con tiếng nào. Mẹ vất vả cả đời rồi không sao. Tôi luôn động viên con cố gắng học tập tốt", chị Xíu tâm sự.
Hết nằm rồi lại ngồi, chị Xíu trò chuyện cùng mọi người để quên đi cái nóng giữa trưa. Chị mong dịch sớm qua đi để bắt đầu lại công việc lo cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.