Hà Nội: Cuộc sống khốn khó của những người khiếm thị vắng khách tẩm quất giữa đại dịch Covid-19

Gia Khiêm Chủ nhật, ngày 29/08/2021 06:00 AM (GMT+7)
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, gần 4 tháng qua, nhiều người mù, khiếm thị ở Hà Nội rơi vào cảnh thất nghiệp, cuộc sống khốn khó. Thậm chí, có người trăn trở vì không có tiền mua sách vở cho con khi năm học mới cận kề.
Bình luận 0

Người cha mù và nỗi chua xót vì không có tiền mua sách cho con

Gần 4 tháng nay, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội bùng phát, anh Nông Văn Quốc (39 tuổi, quê xã An Lạc, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng) đang làm tại cơ sở tẩm quất, massage rơi vào cảnh thất nghiệp. Cũng từ đó, anh Quốc cùng một số nhân viên mù, khiếm thị khác chỉ biết quanh quẩn đi ra lượn vào tại cơ sở ở số 2, ngõ 396 Trương Định, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Hà Nội: Cuộc sống khốn khó của những người mù loà làm tẩm quất nghỉ nhiều tháng giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Anh Nông Văn Quốc (ảnh trái) cùng đồng nghiệp tại cơ sở ở số 2, ngõ 396 Trương Định, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội khiếm thị thất nghiệp nhiều tháng nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Gia Khiêm

Anh Quốc kể, khi sinh ra. anh thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa. Năm lên 3 tuổi, mắt Quốc mờ dần rồi mù vĩnh viễn. Cuộc sống của anh quanh năm bao phủ một màu tối đen. Mọi sinh hoạt đều phải lần mò qua đôi tay.

Qua mai mối, anh nên duyên cùng người vợ cũng bị khiếm thị sinh được 2 con. Bé gái đầu năm nay 6 tuổi, chuẩn bị bước vào lớp 1, bé trai thứ 2 được hơn 2 tuổi. Cuộc sống ở quê khó khăn, anh động viên vợ ở nhà chăm sóc hai con. Những tháng không có dịch bệnh, anh Quốc cũng dành dụm được số tiền 4-5 triệu đồng gửi về quê để vợ lo cho hai con. Thế nhưng mấy tháng nay không làm ra tiền khiến cuộc sống của gia đình anh đã khốn khó giờ thêm cùng cực.

Hà Nội: Cuộc sống khốn khó của những người mù loà làm tẩm quất nghỉ nhiều tháng giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Cuộc sống khó khăn, anh Quốc chưa mua được sách vở cho con gái 6 tuổi khi năm học cận kề. Ảnh: Gia Khiêm

"Mấy tháng nay, tôi chưa kiếm được đồng nào cả. Cũng may được chị chủ cơ sở cũng khiếm thị thương tình giúp đỡ, lo cho chúng tôi chỗ ăn ở miễn phí suốt thời gian qua. Đợt Hà Nội tạm dừng hoạt động dịch vụ, tôi cũng muốn về nhưng nghĩ về cũng chẳng làm gì ra tiền. Con còn nhỏ chi phí sinh hoạt tốn kém. Chính vì vậy, nên tôi quyết định ở lại. Thế nhưng chờ hết ngày này qua ngày khác, dịch bệnh vẫn chưa kết thúc", anh Quốc kể.

Nói rồi, anh Quốc gượng cười kể, con gái năm nay bước vào lớp 1. Chỉ còn ít ngày nữa thôi con sẽ chính thức vào năm học mới. Cho đến thời điểm hiện tại, vợ chồng anh chưa có tiền mua sách vở cho con học tập.

"Con gọi điện thoại hỏi 'bố ơi bao giờ bố mua sách cho con ạ'. Tôi nghe con gái nói mà thấy chua xót. Con còn nhỏ nhưng thiệt thòi hơn các bạn vì bố mẹ cũng khó khăn. Tôi bảo khi nào hết giãn cách bố làm bố gửi tiền mua sách cho con. Bây giờ cũng chẳng biết làm thế nào cho con có sách vở. Tôi cũng muốn đi làm kiếm tiền trang trải cho con nhưng giờ dịch Covid-19 chẳng thể làm gì. Mình lại là người mù loà đi lại đã khó khăn, tìm công việc khác cũng không có", anh Quốc chia sẻ.

Anh Quốc thi thoảng gọi điện động viên vợ cố gắng chăm sóc cho hai con ở nhà. Anh cũng mong muốn dịch bệnh sớm qua đi để có thể lo cho gia đình. "Tôi cảm nhận hình ảnh các con qua bàn tay sờ và mọi người mô tả. Trong tâm trí tôi, hai con xinh xắn và đáng yêu. Đó cũng là động lực để tôi cố gắng dù khó khăn trăm bề trước mắt", anh Quốc hy vọng.

Ước mong dịch sớm qua đi

Cùng chung cảnh ở cơ sở tẩm quất với anh Quốc có chị Triệu Thị Huệ (32 tuổi, quê xã Dương Sơn, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn). Hơn nửa năm nay chị Huệ chưa về quê thăm con. Con gái chị Huệ năm nay 8 tuổi, chuẩn bị lên lớp 3. Vì dịch bệnh hoàn cảnh khó khăn chị cũng chưa sắm sách vở đầy đủ cho con.

Hà Nội: Cuộc sống khốn khó của những người mù loà làm tẩm quất nghỉ nhiều tháng giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Chị Triệu Thị Huệ gửi con cho ông bà ngoại chăm sóc xuống Hà Nội làm thêm nhưng nghỉ nhiều tháng nay sau khi cơ sở tẩm quất đóng cửa. Ảnh: Gia Khiêm

"Từ khi con sinh ra mọi việc chăm sóc tôi đều phải nhờ gia đình. Mọi người phụ giúp chăm lo cho con, đưa con đi học. Tôi để con ở nhà lên Hà Nội làm tẩm quất với hy vọng kiếm thêm thu nhập lo cho con. Thế nhưng vì dịch bệnh khiến công việc ảnh hưởng. Từ đầu năm tới nay làm được ít hôm lại nghỉ cho tới tận bây giờ vì dịch bệnh", chị Huệ nói.

Tiếp lời chị Huệ, chị Đào Thị Dinh (32 tuổi, quê xã Phú Sơn, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang) cũng chịu nhiều thiệt thòi khi bị mù từ nhỏ. Cuộc sống ở quê khó khăn, sinh trong gia đình đông anh chị em nên nhiều năm nay chị Dinh xuống Hà Nội làm nghề tẩm quất mưu sinh.

"Đợt vừa rồi tôi cũng muốn về nhưng dịch bệnh phức tạp tôi cũng không dám về. Nếu về quê phải đi cách ly tập trung. Mình việc đi lại đã khó khăn. Giờ trong người tôi không có gì hết. Mong sao dịch bệnh sớm kết thúc để không ai phải khổ nữa", chị Dinh nói thêm.

Hà Nội: Cuộc sống khốn khó của những người mù loà làm tẩm quất nghỉ nhiều tháng giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Nhiều tháng qua, chị Lê Kim Dung cũng gặp nhiều khó khăn khi giúp đỡ các nhân viên do dịch thất nghiệp. Ảnh: Gia Khiêm

Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Lê Kim Dung (37 tuổi, chủ cơ sở tẩm quất người mù Kim Dung) chia sẻ, chị cũng bị khiếm thị từ nhỏ. Bản thân chị đã sống trong môi trường chỉ một màu đen bao phủ. Mặc dù được sự quan tâm của gia đình và xã hội nhưng chị vẫn không chút nào vơi đi nỗi mặc cảm của một cô gái khiếm thị mang trong mình mảnh đời bất hạnh.

Cuộc sống của chị Dung cứ thế diễn ra trong một khoảng thời gian dài với biết bao đau thương buồn tủi. Nhiều lúc chị luôn trăn trở và mong ước sau này mình sẽ tìm được một công việc phù hợp để lo cho mình để không phải phụ thuộc vào người khác.

"Vậy là mong ước của tôi đã được bù đắp. Năm 2008 tôi kết hôn . Đến nay tôi đã có gia đình và hai con nhỏ. Là một cô gái khiếm thị nên tôi luôn thấu hiểu được sự khao khát của những người đồng cảnh. Làm sao để tìm được cho mọi người một công việc phù hợp, để ít nhất là có thể lo được cho bản thân.

Năm 2012, tôi cùng chồng mở một trung tâm tẩm quất. Sau này, khi trung tâm được thành lập tôi đã nhận dạy nghề miễn phí và tạo công ăn việc làm cho nhiều bạn khiếm thị, mù loà. Từ đó, gia đình tôi cùng các bạn ấy có thu nhập chính bằng nghề tẩm quất. Nhưng do dịch bệnh kéo dài nên nhiều tháng nay, chúng tôi đã mất việc làm không có thu nhập", chị Dung kể.

Hà Nội: Cuộc sống khốn khó của những người mù loà làm tẩm quất nghỉ nhiều tháng giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 6.

Bữa cơm đơn giản toàn đồ cứu trợ của gia đình chị Dung cùng nhiều nhân viên mù loà. Ảnh: Gia Khiêm

Ngoài việc chăm lo cho gia đình, những ngày tháng qua chị Dung cố gắng hỗ trợ toàn bộ cho các nhân viên ăn uống sinh hoạt hàng ngày. Cuộc sống với người bình thường đã khó khăn nhưng đối với người khiếm thị như chị Dung thì mỗi khó khăn ấy nhân lên gấp bội phần.

"Dịch bệnh kéo dài khiến cuộc sống của chúng tôi khó khăn. Mấy tháng nay không làm ra tiền lại phải lo tiền trả nhà trọ, lo ăn uống sinh hoạt cho 4 nhân viên. Một số bạn khác được người thân đón về nhà từ trước đó. 

Nhiều lần tôi cũng muốn buông nhưng nghĩ nếu buông kéo theo hơn 10 người khốn khó thất nghiệp. Chính vì vậy mong muốn lớn nhất của tôi đó là giúp mọi người có công ăn việc làm để cuộc sống ý nghĩa nhưng thời điểm này dịch giã kéo dài lâu quá cũng khó khăn", chị Dung chia sẻ.

Bữa cơm trưa của gia đình chị Dung và mọi người đơn giản có đĩa cá khô, đĩa rau muống luộc cùng trứng rán. Tất cả thực phẩm đều là được UBND và Mặt trận tổ quốc phường Tương Mai cùng một số người quen thân thiết hỗ trợ. Chị Dung mong muốn dịch bệnh sớm kết thúc để mọi người có thể tiếp tục làm việc. Có như vậy cuộc sống của những con người vốn khổ cực, thiệt thòi đỡ vơi đi buồn chán…

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Đào Thị Thu Hằng, Chủ tịch UBND phường Tương Mai cho biết, những trường hợp khó khăn sinh sống trên địa bàn đều được UBND phường quan tâm, hỗ trợ.

"Đến thời điểm hiện tại chúng tôi đã hỗ trợ 1.830 suất quà cho người khó khăn kể cả người thuê trọ, sinh viên, người có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19", bà Hằng thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem