Hà Nội dẫn nước sông Hồng để 'hồi sinh' sông Tô Lịch như thế nào?

Bình Nguyên Thứ ba, ngày 03/12/2024 19:00 PM (GMT+7)
Hà Nội thống nhất dẫn nước sông Hồng để làm sạch sông Tô Lịch tuy nhiên cơ quan chuyên môn đánh tính toán phương án tối ưu tránh lãng phí, đồng thời bảo vệ môi trường hồ Tây.
Bình luận 0

Trong buổi kiểm tra tiến độ dự án xử lý nước thải Yên Xá và thực hiện các biện pháp làm sạch sông Tô Lịch hôm 2/12, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết lãnh đạo thành phố đã quyết định việc dẫn nước để làm sạch sông là dự án khẩn cấp. 

Ông Thanh giao Sở Xây dựng chủ trì với các sở, ngành, ban quản lý dự án và các địa phương đẩy nhanh tiến độ dự án. Trong thời hạn 3 tháng phải thực hiện xong thủ tục và trong 6 tháng phải thi công xong. "Đến 2/9/2025 phải hoàn thành, trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào", ông Thanh nêu rõ.

Ngày 3/12, trả lời Dân Việt lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, thành phố không có phương án xả nước hồ Tây để làm sạch sông Tô Lịch lâu dài. Một số lần xả để thử nghiệm trong thời gian ngắn hoặc xả hạ mức nước hồ trước mưa bão. 

Hà Nội dẫn nước sông Hồng để 'hồi sinh' sông Tô Lịch như thế nào? - Ảnh 1.

Hiện trạng ô nhiễm sông Tô Lịch. Ảnh: Ngọc Hải.

Đại diện Sở Xây dựng cho hay, theo quy hoạch việc bổ sung nước cho sông Tô Lịch sẽ thông qua trạm bơm Liêm Mạc về trạm bơm Xuân Phương rồi qua hệ thống kênh nước thải, đi qua thành phố giao lưu, khu Tây Hồ Tây về đường Hoàng Quốc Việt sau đó mới chảy vào sông Tô Lịch. Tổng quãng đường dẫn nước về khoảng 8 km và qua nhiều khu vực dân cư cần giải phóng mặt bằng, cơ quan chuyên môn nhận thấy phương án này gây tốn kém kinh phí. 

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, phương án bổ sung nước tốt nhất hiện nay là lấy nước từ sông Hồng đi qua ngõ 464 Âu Cơ, đi ngầm qua đê Âu Cơ để vào Hồ Tây. Tuy nhiên, đường Nhật Tân - Âu Cơ vừa được nâng cấp cải tạo nên việc tiếp tục thi công qua đê sẽ gặp khó khăn. 

"Phương án có quãng đường ống ngắn nhất là đưa ống ngầm qua ngõ 464 Âu Cơ, nhưng việc thi công qua đê sẽ gặp khó khăn vì đường Nhật Tân - Âu Cơ vừa nâng cấp. Chúng tôi đang tính phương án ống ngầm đi qua đoạn chưa được nâng cấp cải tạo phía trên cầu Nhật Tân, sau đó đi vào ngõ 566 Lạc Long Quân và đi vào Hồ Tây. Đây là phương án khả thi, tiết kiệm kinh phí nhất", đại diện Sở Xây dựng nói. 

Khi nước sông Hồng về đến Hồ Tây sẽ bổ sung cho sông Tô Lịch qua hai cửa điều tiết A, B (phố Trích Sài) và có thể bổ sung các trạm bơm để tăng dòng chảy. 

Cần đảm bảo môi trường nước hồ Tây

Theo ông Hoàng Trọng Tùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp, thành phố có thể nghiên cứu phương án bổ cập nước sông Hồng vào hồ Tây. Sau đó sẽ bổ cập nước từ hồ Tây về sông Tô Lịch bằng đường ống riêng tách biệt. Ông Tùng cho rằng, với phương án này, khoảng 6 tháng là có nước sông Hồng để làm sạch sông Tô Lịch

PGS.TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban Điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam đồng tình với việc đưa nước sông Hồng vào hồ Tây là đúng đắn. Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn cần tính toán giải pháp máy bơm, đường ống phù hợp vì mực nước hồ Tây đang cao hơn sông Hồng. 

"Điều cần quan tâm đến chất lượng nước sông Hồng khi đưa vào hồ Tây, nếu không sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, môi trường hồ. Việc lấy nước từ sông Hồng cần có đánh giá chất lượng nước cẩn thận để xem cần có phải xử lý hay không", ông Tứ nói. 

Hà Nội dẫn nước sông Hồng để 'hồi sinh' sông Tô Lịch như thế nào? - Ảnh 2.

Sông Tô Lịch chuyển màu xanh sau khi hồ Tây xả nước tháng 7/2024. Ảnh: Ngọc Hải.

Trong buổi làm việc ngày 2/12, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội  Trần Sỹ Thanh cũng gợi mở giải pháp, việc lấy nước từ sông Hồng về hồ Tây nên có hai đường ống. Cụ thể, một đường bổ cập cho hồ Tây khi cần thiết; đường còn lại thường xuyên bổ cập nước cho sông Tô Lịch, chạy độc lập bằng ống thép, đi ngầm dưới lòng hồ, bơm thẳng vào sông Tô Lịch để không pha loãng nước hồ Tây.

"Nếu bơm loãng nước hồ Tây là bắt đầu có chuyện, chứ không phải cứ bơm vào hồ Tây, nước dâng lên là tự tràn vào sông Tô Lịch đâu. Làm như thế này là biến dạng hệ sinh thái hồ Tây ngay, vỡ trận đấy" - ông Thanh nói. 

GS Võ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cũng đánh giá phương án lấy nước sông Hồng làm sạch sông Tô Lịch là phù hợp. Khi đã chặn được nguồn ô nhiễm thì việc đổ nước sông Hồng vào tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm.

Thống kê của Sở Xây dựng hiện có 119 cống và phần lớn đã được đấu nối vào hệ thống cống gom chạy dọc hai bờ sông thuộc dự án của nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Tuy nhiên, bất cập là còn 32 cống vẫn đang xả ra sông chưa được đấu nối vào hệ thống thu gom chung vì thuộc dự án khác (đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt đến đường giao Láng Hạ). Sở Xây dựng đang xây dựng phương án trình thành phố để đấu nối những cống này vào hệ thống gom về nhà máy xử lý Yên Xá, một số cống sẽ được bịt lại để dẫn nước chảy qua sông Nhuệ.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem