Hà Nội đón đàn bò đực giống cơ bắp, "cỗ máy sản xuất thịt" từ Úc

Minh Ngọc Chủ nhật, ngày 08/03/2020 19:00 PM (GMT+7)
Sáng ngày 8/3, tại Trung tâm Giống và sữa bò Phù Đổng, huyện Gia Lâm (Hà Nội), Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Công ty cổ phần giống gia súc Hà Nội (Công ty GGS HN) đã tổ chức lễ tiếp nhận bò đực giống Angus và Charolais được khẩu nhập từ Úc.
Bình luận 0

Với việc nhập 12 con bò giống mới vai u thịt bắp, "siêu to khổng lồ" từ Úc, số lượng bò giống tại Trung tâm Giống và sữa bò Phù Đổng (thuộc Trung tâm Giống vật nuôi chất lượng cao Hà Nội) sẽ có là 22 bò đực giống khai thác tinh 5 bò BBB, 5 Brahman, 6 Angus và 6 Charolais (trong đó, 6 Angus và 6 Charolais mới được nhập về).

Đây đều là những giống bò có trọng lượng lớn, vai u thịt bắp, có con nặng trên 1 tấn, sản lượng thịt hơi cao hơn nhiều so với những giống bò địa phương. 

img

Sáng ngày 8/3, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NNPTNN) và Công ty cổ phần giống gia súc Hà Nội tổ chức lễ tiếp nhận bò đực giống Angus và Charolais được nhập từ Úc. Ảnh: Minh Ngọc.

Đơn cử như giống bò BBB (viết tắt từ Blanc-Bleu-Belge), được coi là "cỗ máy sản xuất thịt", là giống bò "siêu to khổng lồ" do bò có cơ bắp phát triển. Khi trưởng thành (tuổi thứ 3) bò đực có khối lượng 1.100 - 1.200kg, bò cái 710 - 720kg.

Còn bò Brahman là một loại bò thịt thuộc giống Zebu, có 2 loại lông màu trắng xám và đỏ, là giống bò ngoại hình đẹp, to con. Ưu điểm nổi bật của giống này là năng suất thịt cao hơn hẳn các giống bò có u khác, thích nghi tốt với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, có khả năng sử dụng thức ăn thô tốt và chịu gặm cỏ. Bò cái mắn đẻ, tuổi thọ cao, sinh đẻ dễ và rất ham con. 

Còn giống bò đực Angus vừa được nhập về ngày 8/3 là loại giống chăn nuôi ít tốn kém, ít bệnh tật. Bò này nhỏ hơn so với bò BBB nhưng có chất lượng thịt tốt, có vân mỡ xen kẽ trong thớ thịt giúp thịt mềm và béo, do đó có giá trị kinh tế lớn.

img

Một chú bò đực giống Angus vừa được nhập về tại Trung tâm giống và sữa bò Phù Đổng. Ảnh: Minh Ngọc

Trong khi đó, bò Charolais nặng trung bình từ 900kg đến 1.100kg. Giống bò này lớn nhanh, cơ bắp nổi rõ vì vậy khối lượng thịt xẻ cao. Con đực nặng từ 1.200 - 1.300kg, con cái nặng 700-800kg, tỉ lệ thịt xẻ trên 65%. Giống bò Charolais trầm tính, hiền lành, chịu kham khổ, nhược điểm là chất lượng thịt chưa cao như bò Angus. 

Bò giống sau khi được nhập về sẽ được nuôi trong khu chuồng nuôi tân đáo tại Phù Đổng, đủ điều kiện vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh, chuồng nuôi khép kín, điều kiện nhiệt độ ổn định. Hàng ngày đàn bò được chăm sóc, nuôi dưỡng theo đúng quy trình kỹ thuật do Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Công ty GGS HN ban hành. 

Thức ăn được cân đối và cho ăn theo từng giai đoạn phát triển, sinh trưởng của đàn bò. Thức ăn tinh dùng cho đàn bò là thức ăn hỗn hợp do công ty phối trộn: 2kg/con/ngày. Thức ăn thô xanh bao gồm cây ngô chín sáp, cỏ voi tươi, cỏ tự nhiên, cỏ voi ủ chua: 45kg/con/ngày.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ NNPTNN Phùng Đức Tiến khẳng định: “Trong những năm qua Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Công ty GGS HN triển khai rất tốt việc khai thác tinh bò, đưa tinh vào sản xuất mang lại hiệu quả rất lớn trong chuyển giao công nghệ cao chăn nuôi bò thịt”.

Theo đó, với mục tiêu phối hợp sản xuất tinh cọng rạ chất lượng cao phục vụ nghiên cứu, đào tạo và sản xuất, kinh doanh tinh bò theo tiêu chuẩn của Bộ NNPTNT, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Công ty GGS HN đã ký thoả thuận hợp tác ngày 31/8/2015 (sau đó ký lại ngày 4/01/2016).

img

img

Thứ trưởng Bộ NNPTNN tham dự buổi lễ tiếp nhận bò giống tại Trung tâm Giống và sữa bò Phù Đổng, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Ảnh: Minh Ngọc.

Sau khi được Bộ NNPTNN phê duyệt dự án nhập bò đực giống từ Úc, gồm 5 bò BBB và 6 bò Brahman, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến nuôi thích nghi bò thuần, đặc biệt là giống bò BBB (còn gọi là bò 3B), nhưng nhờ sự cố gắng, quyết tâm của 2 bên đến nay có thể khẳng định đã xây dựng thành công Trung tâm sản xuất tinh cọng rạ chất lượng cao ngang tầm khu vực.

Bắt đầu vào khai thác và cung cấp tinh bò đực giống Brahman vào năm 2017, bò BBB từ năm 2018, từ đó đến nay Trung tâm Giống và bò sữa Phù Đổng đã sản xuất trên 100.000 liều tinh Brahman và trên 70.000 liều tinh bò BBB, chủ yếu cung cấp cho Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Tinh bò sản xuất tại trung tâm đã được đánh giá có chất lượng tương đương tinh nhập khẩu.

Đến cuối năm 2019, trước tình trạng dịch bệnh trên đàn lợn, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn về việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, Trung tâm Giống vật nuôi chất lượng cao được bộ NNPTNT cho nhập bổ sung 6 giống bò Angus và 6 giống bò Charolais. Những con bò này đều được đưa về nuôi tại Trung tâm giống và sữa bò Phù Đổng. 

img

Một chú bò đực giống Brahman chào đời năm 2014 đang được nuôi tại Trung tâm Giống và sữa bò Phù Đổng. Ảnh: Minh Ngọc.

Theo ông Phạm Kim Đăng, Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi chất lượng cao, sau hơn 3 năm đưa vào hoạt động, Trung tâm đã hoàn thành mục tiêu do Bộ NNPTNT giao là xây dựng được một trung tâm sản xuất tinh cọng rạ hiện đại nhất ở Việt Nam và ngang tầm khu vực, có thể cung cấp sản phẩm có khả năng cạnh tranh, chống độc quyền góp phần đa dạng hóa sản phẩm phục vụ phát triển chăn nuôi và chăn nuôi bò nói riêng ở nước ta.

“Kết quả nuôi giữ giống gốc bên cạnh việc đã góp phần quan trọng và đóng góp tích cực cho công tác đào tạo, nghiên cứu, ngoài ra còn cung cấp cho thị trường hàng trăm ngàn liều tinh bò, đã cải tiến đáng kể chất lượng đàn bò giống ở khu vực Bắc Bộ nói chung và Hà Nội nói riêng. Ước tính đã nâng cao hiệu quả và năng suất chăn nuôi lên từ 7-15%, từ đó giúp cho người chăn nuôi nâng cao đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, ông Đăng cho hay.

Đánh giá về việc tiếp nhận bò đực phục vụ cho việc phối giống và thực trạng phối giống trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NNPTNN Phùng Đức Tiến cho biết, chúng ta đang tiến hành tái cơ cấu ngành chăn nuôi, định hướng sắp tới là thúc đẩy chăn nuôi đại gia súc, trong đó chăn nuôi bò thịt là một trọng tâm của chiến lược 2020 – 2030, tầm nhìn 2040.

“Chất lượng tinh, phôi trong nhiều năm qua bằng những chỉ tiêu đánh giá trên cơ sở máy móc, thiết bị cũng như ở thực tiễn thì thấy rằng chất lượng ngày càng chuyển biến và có chiều hướng rất tích cực. Như thế những con bò lai F1 trong sản xuất được phát triển với quy mô lớn hơn, và như vậy chăn nuôi đại gia súc nói chung, bò sữa, bò thịt năm nào cũng có sự chuyển biến tích cực, đúng hướng”, ông Tiến nhấn mạnh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, tiềm năng để phát triển chăn nuôi đại gia súc của Việt Nam còn rất lớn. Muốn phát triển chăn nuôi đại gia súc thì phải có đồng cỏ lớn, với những công nghệ mới như hiện nay chúng ta có thể trồng cỏ thâm canh năng suất rất cao, ví dụ như cỏ VA06 và một số giống cỏ voi Ghine, giúp chúng ta hoàn toàn làm chủ được công nghệ chăn nuôi bò chất lượng cao.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem