Hà Nội kiến nghị chính sách về lương cho giáo viên, ưu tiên dành quỹ đất xây trường công

Tào Nga Thứ năm, ngày 14/12/2023 13:21 PM (GMT+7)
Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương kiến nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét tham mưu Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện để thực hiện được chính sách về lương cho nhà giáo theo chủ trương tại Nghị quyết số 29-NQ/TƯ.
Bình luận 0

Ngày 14/12, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tại Hà Nội, hội nghị được kết nối đến 260 điểm cầu là các cơ sở giáo dục trên địa bàn với khoảng 5.000 giáo viên.

Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, 10 năm qua, Hà Nội đã tập trung thực hiện các giải pháp về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đạt nhiều kết quả. Quy mô trường, lớp, học sinh các cấp học và trình độ đào tạo của đội ngũ cán bộ, giáo viên không ngừng tăng lên.

Góp ý vào dự thảo, Hà Nội đề nghị Bộ nghiên cứu, cân nhắc bổ sung vào phần hạn chế, bất cập nội dung như chưa thực hiện được chính sách về lương cho nhà giáo theo chủ trương tại Nghị quyết số 29-NQ/TƯ. Cụ thể là: "Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng".

Hà Nội kiến nghị chính sách về lương cho giáo viên, ưu tiên dành quỹ đất xây trường công - Ảnh 1.

Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương. Ảnh: ĐQ

Theo ông Cương, năm học 2023-2024, thống kê cho thấy Hà Nội đang thiếu hơn 10.000 giáo viên. Vì vậy, kiến nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét tham mưu Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện để thực hiện được chính sách về lương cho nhà giáo theo chủ trương tại Nghị quyết số 29-NQ/TƯ. Đồng thời, Sở cũng đề nghị các bộ, ngành, các cơ quan TƯ tiếp tục ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, trường học ra khỏi khu vực nội đô, ưu tiên quỹ đất để xây trường học công lập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em Nhân dân trên địa bàn thành phố, đặc biệt tại khu vực nội đô, khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh.

Cùng với đó, Hà Nội đề xuất Bộ GDĐT phối hợp các bộ, ngành, thành phố trình Quốc hội sửa đổi Luật Thủ đô, cho phép trường công lập được liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài.

Thêm nữa, Hà Nội mong Bộ Nội vụ tiếp tục tham mưu Chính phủ quan tâm, xem xét giao bổ sung biên chế để tuyển dụng giáo viên bảo đảm các quy định hiện hành về vị trí việc làm và định mức giáo viên…

"Với sự quyết tâm của Thành ủy, UBND TP, ngành giáo dục Hà Nội đang tham mưu quyết liệt về vấn đề tự chủ của các trường học trên địa bàn. Tới đây, sau khi hoàn thành việc xác định định mức kinh tế kỹ thuật và tiến đến tự chủ trường học, ngành giáo dục Hà Nội sẽ giải quyết được nút thắt thiếu biên chế giáo viên, nhân viên...", Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết.

Cũng liên quan đến lương giáo viên, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, cần xác định rõ về phát triển hệ thống giáo dục mầm non, phổ cập trẻ 5 tuổi. Khắc phục các khó khăn về giáo viên và cơ sở vật chất. Tiếp tục đầu tư mở rộng trường mầm non công lập dù nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn chế; tăng năng lực chuyên môn cũng như thu nhập cho giáo viên. Đẩy mạnh xã hội hóa và tăng chính sách để phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập, nhất là nhóm trẻ độc lập; nâng cao kỹ năng chăm sóc trẻ và rất cần sự đồng hành từ chính quyền các địa phương.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã cho biết trước Quốc hội, tiền lương của giáo viên sẽ được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp khi cải cách tiền lương.

Chia sẻ về câu chuyện tiền lương của giáo viên sẽ phải được ưu tiên xếp cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp, ông Trần Minh Thịnh, Vụ trưởng Vụ Nhà giáo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho rằng đây là cách tiếp cận đúng, ông ủng hộ phương án này. Bởi lẽ nghề giáo là nghề đào tạo nhân lực. Đầu tư cho giáo dục, là đầu tư cho con người. Con người là chủ thể trong sự phát triển vì thế giáo dục (giáo dục phổ thông và giáo dục kỹ năng) có mạnh thì xã hội đó mới phát triển được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem