Hà Nội: Nhiều nhà tái định cư xuống cấp gây mất an toàn
Hà Nội: Nhiều nhà tái định cư xuống cấp gây mất an toàn cho người dân
Thái Nguyễn
Thứ năm, ngày 15/09/2022 06:31 AM (GMT+7)
Việc cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ đã được thành phố Hà Nội đặt ra cùng với đó nhiều nhà tái định cư được xây dựng để phục vụ nhu cầu ở của người dân. Tuy nhiên, nhiều khu tái định cư xuống cấp nghiêm trọng gây mất an toàn, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Thực hiện kế hoạch di dời người dân khỏi các tòa nhà nguy hiểm trên địa bàn quận Ba Đình, từ năm 2018, UBND thành phố Hà Nội chấp thuận bố trí các căn hộ phục vụ tạm cư tại nhà cao tầng lô E khu đô thị Yên Hòa - quận Cầu Giấy; nhà A1, A2 Phú Thượng - quận Tây Hồ và nhà CT1 khu đô thị thành phố giao lưu - quận Bắc Từ Liêm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều khu nhà tạm cư, nhà tái định cư xuống cấp nhanh chóng.
Nhà tái định cư xuống cấp nhiều khu vực ở Hà Nội. (Video: Thái Nguyễn)
Theo ghi nhận của PV Dân Việt tại khu nhà tái định cư 6 tầng A1 và A2 Phú Thượng, quận Tây Hồ hiện trạng nhà tạm cư đã bị xuống cấp trầm trọng, hiện lên với hình hài cũ kỹ, nhiều vị trí ẩm mốc, thấm dột, điều kiện sống không được đáp ứng.
Ông Bình mới chuyển về đây được gần 1 năm cho biết ngay khi mới chuyển về nhiều hệ thống của tòa nhà đã cũ kỹ. Nhiều mảng tường bong tróc, nứt toác. Cơ sở hạ tầng sơ sài, cũ kỹ.
"Lúc tôi chuyển về mới biết rằng khu nhà này hoang hóa hơn chục năm nay cho đến giờ mới có người chuyển về. Mọi thứ đều cũ kỹ, ẩm thấp, các mảng tường rêu mốc, bong tróc. Tôi lo ngại không biết rằng tòa nhà liệu có an toàn hay không", ông Bình lo ngại.
Ông Kiên, bảo vệ khu nhà A1 Phú Thượng cho biết, 2 tòa nhà được xây từ năm 2005 nhưng phải đến năm ngoái mới được đưa vào sử dụng nên khu nhà tái định cư xuống cấp và hoang hóa là điều không thể tránh khỏi. Ông Kiên cho biết thêm nhiều người được đền bù và tái định cư ở đây do thấy cơ sở vật chất xuống cấp nên không chịu nhận nhà nên chỉ có khoảng 25 hộ dân chuyển về sống ở đây.
"Tầng 1 của 2 tòa nhà trước kia được xây thành các ki-ốt nhưng chủ đầu tư đã bán chui những mặt bằng này từ khoảng hơn 10 năm trước rồi bị thu hồi khi nơi đây được giao về cho quận quản lý. Đến nay, tầng 1 của hai tòa nhà bị bỏ hoang khiến nơi đây càng thêm phần hoang hóa", ông Kiên cho biết thêm.
Còn với khu nhà tái định cư xuống cấp ở khu đô thị thành phố giao lưu - quận Bắc Từ Liêm, toàn bộ 3 khối nhà CT1 A, B, C được đưa vào sử dụng từ năm 2014. Đến nay, các khối nhà tái định cư xuống cấp theo thời gian nhưng đơn vị quản lý vẫn chưa có các biện pháp tu bổ, bảo dưỡng.
Anh Vinh ở tòa CT1 C cho biết lúc mới chuyển về đây nhiều người không về ở vì chất lượng xây dựng quá kém, liên tục xảy ra tình trạng thấm dột, thậm chí vỡ đường ống nước, khi xuống tầng hầm thì phải "đeo khẩu trang" vì mùi hôi thối, thậm chí phải đi giày, đi ủng vì nước và chất thải lênh láng.
"Nhiều người có nhà nhưng không về ở vì hiện trạng nhà chất lượng kém nên khóa cửa để đấy. Một số người khác thấy nhà để không lãng phí nên cho thuê nhưng người thuê cũng chỉ ở được 1 – 2 hôm đã phải bỏ đi vì nước vỡ, thấm dột và ẩm mốc", anh Vinh cho biết.
Nhà tái định cư xuống cấp, bỏ hoang gây lãng phí quỹ đất
Bên cạnh việc nhà tái định cư xuống cấp, nhiều khu nhà tạm cư, tái định cư khác còn bị bỏ hoang, gây lãng phí quỹ đất của thành phố. Trong khi nguồn cung nhà ở xã hội cũng như nhà ở thương mại giá rẻ thiếu thì nhiều nhà tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội lại bỏ hoang. Theo quy đinh, nhà tái định cư sau 12 tháng chưa đưa vào sử dụng thành phố sẽ được điều tiết tái định cư cho dự án khác. Thế nhưng, hàng chục năm nay nhiều khu chung cư tái định cư vẫn không có người ở.
Đơn cử như 3 tòa nhà TĐC 6 tầng N3-N4-N5, với 150 căn hộ thuộc khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội), nằm ngay cạnh khu Vinhomes Riverside, được triển khai từ năm 2001-2006, do Công ty Cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội (Handico3) làm chủ đầu tư. Ba tòa nhà này dùng để tái định cư tại chỗ khi thực hiện dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng trong khu đô thị Sài Đồng. Dù đã hoàn thiện được 15 năm, nhưng 3 tòa nhà này vẫn bị bỏ hoang, không có người ở. Nhiều hạng mục của các tòa nhà đã xuống cấp trầm trọng.
Trong đợt giám sát của HĐND thành phố Hà Nội mới đây, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cho biết, hiện đơn vị đang quản lý 167 tòa nhà chung cư tái định cư với gần 14 nghìn căn hộ. Qua khảo sát thực địa, báo cáo của Công ty cũng như ý kiến của các Sở, ngành, Đoàn giám sát HĐND thành phố cho rằng, còn nhiều căn hộ, nhiều diện tích kinh doanh dịch vụ tại các chung cư tái định cư để trống. Đoàn giám sát khẳng định, việc để tồn tại các căn hộ trống chưa bố trí dân vào ở, chưa cho thuê diện tích kinh doanh dẫn đến công trình xuống cấp, gây lãng phí tài nguyên và nguồn lực xã hội.
Nhiều chuyên gia kiến nghị nên đưa vào tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư phải có nhà tạm cư. Cùng đó, ngoài năng lực và kinh nghiệm, nhà đầu tư phải cam kết thời gian mà người dân quay lại nơi ở cũ để tái định cư. Giải quyết được vấn đề tạm cư cũng chính là một bước tiến quan trọng trong kế hoạch cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội.
Có thể nói rằng, vấn đề nhà tạm cư, tái định cư hiện đang rất nan giải, việc phát triển quỹ nhà tái định cư là một chuyện nhưng rà soát thẩm định chất lượng, quản lý và phân bổ thế nào lại là vấn đề cần giải quyết. Bởi, tạm cư là khâu tối quan trọng trong kế hoạch cải tạo chung cư cũ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.