Phấn đấu có thêm 4 huyện nông thôn mới
Theo ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, điểm nổi trội trong sản xuất nông nghiệp của thành phố (TP) thời gian qua là công tác đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, đến nay toàn TP đã có 118 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tăng 13 mô hình so với cuối năm 2017.
Nghề trồng hoa ly đang mang lại thu nhập cao cho người dân một số xã của huyện Đan Phượng (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng
Tại hội nghị giao ban quý I.2018 vừa qua, Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy đã yêu cầu các sở, ngành xây dựng, thực hiện kế hoạch duy trì, nâng chất các tiêu chí NTM ở các huyện và các xã đã đạt chuẩn NTM tập trung triển khai xây dựng đề án quy hoạch xã NTM điển hình tiên tiến tại xã Đông Hội và xã Võng Xuyên bảo đảm đạt yêu cầu và đúng tiến độ làm cơ sở để nhân rộng trên địa bàn toàn thành phố. |
Trong đó, các địa phương đi đầu phải kể đến huyện Mê Linh với 18 mô hình, Gia Lâm 17 mô hình, Thường Tín 14, Thanh Oai 9, Phúc Thọ 8, Đông Anh 8... Các mô hình này đang bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay.
Ông Mỹ cho biết, về xây dựng huyện NTM, đến nay, TP đã có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức. Các huyện Gia Lâm, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai đang phấn đấu đạt chuẩn trong năm nay.
Theo ông Mỹ, riêng nhóm tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng, ngay từ đầu năm 2018, các huyện, thị xã và các xã tiếp tục tích cực triển khai thực hiện cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; đường làng, ngõ xóm, hệ thống thoát nước; đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, kênh mương cấp 3 đảm bảo nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp; nâng cấp và xây mới các trường học đảm bảo nhu cầu giảng dạy và học tập tại địa phương.
Đối với tiêu chí về nâng cao đời sống nông dân, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 3,65% (năm 2016), giảm xuống còn 2,57% (cuối năm 2017). Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2017 đạt 38 triệu đồng/người/năm.
Mong sớm có tiêu chí NTM nâng cao
Sau khi hoàn thành xây dựng xã NTM, nhiều xã trên địa bàn TP.Hà Nội tiếp tục xây dựng NTM nâng cao (một số địa phương còn gọi là NTM kiểu mẫu, NTM điển hình). Tuy nhiên, mô hình này hiện vẫn chưa có tiêu chí, hướng dẫn cụ thể để các địa phương vận dụng.
Ông Nguyễn Tất Thắng - Bí thư Huyện ủy Đan Phượng cho biết, sau khi hoàn thành xây dựng huyện NTM, Đan Phượng đã chọn 3 xã (Song Phượng, Đan Phượng, Liên Trung) để triển khai thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu. Dự kiến, cuối năm 2018 cả 3 xã này sẽ hoàn thành để rút kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn huyện.
Theo ông Nguyễn Tất Thắng, “thước đo” NTM kiểu mẫu của huyện được đánh giá trên các bình diện “Sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận”. Các tiêu chí này do huyện tự tìm tòi nghiên cứu từ thực tiễn để xây dựng, bởi chưa có hướng dẫn cụ thể từ thành phố cũng như T.Ư.
Còn tại huyện Gia Lâm, ông Nguyễn Ngọc Thuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, Gia Lâm đang tập trung triển khai thực hiện tiêu chí môi trường để đáp ứng các tiêu chí, đề nghị cấp trên công nhận huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2018.
"Để các địa phương không lúng túng trong việc triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu, các huyện rất mong thành phố sớm có hướng dẫn về xây dựng xã NTM nâng cao để địa phương thực hiện"- ông Thuần nói.
Theo ông Lê Thiết Cương - Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội, đến nay TP.Hà Nội đã có 4 huyện và 294 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Các xã đã được công nhận đạt chuẩn đều quan tâm chỉ đạo thực hiện duy trì và nâng chất các tiêu chí NTM theo bộ tiêu chí mới để có hướng đầu tư, thực hiện phù hợp với thực tế.
"Hiện, TP đang tập trung chỉ đạo triển khai thí điểm xây dựng xã NTM điển hình tiên tiến tại xã Đông Hội (huyện Đông Anh) và xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ)"- ông Cương khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.