Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ở nhà nhiều, con như "cụ non", gọi dậy học bài như… "gọi đò"
Chị Nguyễn Phương Thanh (ở khu đô thị Tràng An Complex, quận Cầu Giấy), phụ huynh có con đang học lớp 7 tại trường THCS Lê Quý Đôn cho biết, hầu như ngày nào chị cũng theo dõi tin tức về các ca Covid-19 ở Hà Nội. Chị Thanh chia sẻ với Dân Việt, hôm qua, khi hay tin Sở Y tế Hà Nội nhận định Hà Nội đã qua đỉnh dịch, chị phần nào đỡ lo hơn và mong con sớm được đi học trở lại.
Có con gái đang tuổi dậy thì, việc học online nhiều dường như ảnh hưởng đến tâm sinh lý của con. Chị Thanh nhận định, học online lâu là không ổn, con khá lười ghi chép và thiếu tập trung.
"Giờ Hà Nội qua đỉnh dịch rồi tôi không còn sợ như trước, mặc dù con tôi chưa hề mắc Covid nhưng tôi nghĩ nên sớm cho các cháu đi học. Ở nhà nhiều con như "bà cụ non", hay cãi lại bố mẹ hơn", chị Thanh nói.
Chị Nguyễn Thu Trang (ở khu đô thị Ecopark, Hưng Yên) có hai con học lớp 4 và lớp 6 học online suốt một thời gian dài, đặc biệt, cháu lớn năm nay học lớp 6 nhưng chưa từng đến lớp học trực tiếp gặp thầy cô và bạn bè.
Gia đình chị Trang chưa có ai là F0, tuy nhiên, theo chị "không thể giữ mãi được mái nhà xanh". Chị Trang hoàn toàn ủng hộ việc cho học sinh đến trường khi tình hình dịch bớt căng thẳng.
"Học sinh là F0 hiện nay đã nhiều. Ở nhà các cháu có thể lây từ bố mẹ hoặc nhiều nguồn khác. Vả lại tôi thấy đa phần trẻ mắc Covid-19 triệu chứng khá nhẹ nên không quá lo lắng", chị Trang bày tỏ.
"Học trực tuyến làm giảm sự hào hứng của học sinh, học sinh tiếp thu kém, hiệu quả không cao, nhà trường và cô giáo khá vất vả. Nên đến trường học tập trung được là tốt nhất", chị Trang nói thêm.
Anh Hoàng Đức Thắng (ở Hoàng Văn Thái, quận Thanh Xuân) trước đây từng phản đối con đến trường do lo ngại dịch Covid-19, môi trường ở trường học không đảm bảo an toàn tuyệt đối, nhưng nay anh đã thay đổi ý kiến khi các thành viên trong gia đình anh lần lượt đều mắc Covid-19, kể cả người lớn và trẻ nhỏ.
Anh Thắng cho rằng, Hà Nội đã qua đỉnh dịch và đến lúc học sinh nên được đi học trực tiếp, mặc dù thời điểm này cũng sát thời điểm kết thúc năm học.
"Tôi có hai con, một cháu học lớp 2 và lớp 6. Từ đầu năm học đến giờ các cháu học online, có vẻ các cháu đã quen với việc thay đổi hình thức học vì đỡ phải đi học và đỡ bị cô giáo kiểm tra. Song tôi thấy các cháu chây ì người, học online thì hay ngủ gật, 7 rưỡi sáng vào học mà 7 giờ còn chưa thèm dậy. Gọi dậy học bài mà như… gọi đò", anh Thắng than.
Trẻ ở nhà kéo dài sẽ mất đi môi trường lành mạnh để phát triển
Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tâm lý và hướng nghiệp JobWay, Cố vấn cao cấp Tổ chức Giáo dục AEG Việt Nam nhận định, việc học sinh phải ở nhà kéo dài, không có sự giao lưu, tiếp xúc trực tiếp đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, trẻ em mất đi môi trường lành mạnh để phát triển.
Trẻ học trực tuyến ít tương tác, ít hoạt động nhóm, dễ khiến các em gia tăng cảm xúc tiêu cực, hay cáu gắt, cãi lại người lớn, rối loạn hành vi, thậm chí luôn thấy mệt mỏi, buồn phiền…
Tiến sĩ Hòa An cho hay, trẻ không được đến trường, trong khi nhiều phụ huynh không có kỹ năng, kiến thức chăm sóc trẻ, thời gian trẻ ở nhà dài dẫn đến áp lực, căng thẳng, dễ gây ra mất an toàn cho trẻ và ảnh hưởng sức khỏe tâm thần của trẻ sau này.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM cho rằng, đã đến lúc mọi người nên xem Covid-19 là bệnh thông thường bởi trẻ nhỏ ở nhà sẽ rất ảnh hưởng tới tâm sinh lý.
"Chưa chắc trẻ nào tiếp xúc F0 cũng là F1 bởi nhiều trẻ triệu chứng rất nhẹ. Có khi chính các em đã bị nhiễm Covid-19 rồi và đã khỏi bệnh. Trẻ không triệu chứng bắt các em ở nhà làm gì? Phụ huynh không nên quá lo lắng", ông Khanh nói với Dân Việt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.