Các hồ xả lũ, ngập chồng ngập

Thứ tư, ngày 03/11/2010 15:19 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cùng với mưa lớn, hôm qua 2-11, nhiều hồ thủy điện, thủy lợi ở hai tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên đồng loạt xả lũ đã khiến tình trạng ngập lụt nơi đây thêm trầm trọng...
Bình luận 0

Khánh Hòa: Lũ dữ từ hồ thủy lợi

Đêm 1-11 và ngày 2-11, hàng loạt hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, như Láng Nhớt, Suối Dầu, Sông Trâu, Cam Ranh, Tân Sương, Am Chúa... đồng loạt xả nước làm sạt lở, ngập nhiều cầu, tràn đường giao thông trong toàn tỉnh.

img
Thủy điện sông Ba Hạ xả lũ. Ảnh nhỏ: Người dân xã An Ninh Tây (huyện Tuy An, Phú Yên) sơ tán để tránh lũ.

Tại huyện Diên Khánh, kè bờ sông Cái, đoạn cầu Phú Cốc đến tỉnh lộ 8 xã Diên Lâm, bị sạt lở phần thân kè dài 80m, cao 4m. Hiện cơ quan chức năng đã cấm các loại ô tô qua lại.

Tỉnh lộ 2 đoạn qua xã Diên Sơn do nước chảy xiết từ sườn đồi làm sạt lở nhiều đoạn, tổng chiều dài sạt lở khoảng 1km (chủ yếu trôi mặt đường, tạo hố xoáy cục bộ), gây nguy hiểm cho giao thông.

img
Người dân đi sơ tán

Tuyến đường nối Nha Trang - Đà Lạt cũng đã bị sạt lở, ngành giao thông đã phải cấm đường. Hiện nay, huyện miền núi Khánh Sơn đã bị cô lập với bên ngoài đến ngày thứ 4, tại địa phương này đã xảy ra lũ quét làm sập 1 nhà, bồi lấp 7/8 xã dày 50cm. Sông Tô Hạp đã “nuốt” đến trên 30ha hoa màu dọc bờ sông.

Hôm qua, các đường vào TP.Nha Trang như đường 2-4, 23-10 đều đã bị ngập sâu. Riêng đại lộ Nguyễn Tất Thành nối sân bay Cam Ranh với TP.Nha Trang đã bị sạt lở nghiêm trọng, không thể đi lại được.

Tại đèo Cù Hin có nhiều vị trí sạt lở, nặng nhất tại KM 12+700, 12+800, đất đá sạt lở tràn mặt đường dài mỗi đoàn 30-40m, hiện nay đang huy động xe máy, san gạt để đảm bảo 1 làn xe chạy từ sân bay Cam Ranh về Nha Trang.

Phú Yên: Bị phản đối, vẫn xả nước

Tại Phú Yên, sáng 2-11, hồ thuỷ điện Sông Hinh xả lũ với lưu lượng 1.900m3/s và tăng dần lên đến 2.000-2.500m3/s vào chiều cùng ngày. Hồ thuỷ điện sông Ba Hạ cũng xả lũ với lưu lượng 5.700m3/s từ 11 giờ 30 trưa 2-11.

Ông Nguyễn Đức Phú - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thuỷ điện sông Ba Hạ cho biết, dự kiến sẽ xả lũ với lưu lượng khoảng 7.000m3/s vào tối 2-11. Nếu thuỷ điện sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng 7.000m3/s, cộng với thuỷ điện Sông Hinh xả 2.500m3/s thì vùng hạ du sông Ba, nhất là vùng ven sông thuộc các huyện Sông Hinh, Sơn Hoà, Phú Hoà, Đông Hoà, Tây Hoà và TP.Tuy Hoà sẽ đứng trước nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng vào chiều tối 2-11 và ngày 3-11.

Ông Nguyễn Bá Lộc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đã kịch liệt phản đối quyết định xả lũ với lưu lượng 7.000m3/s vào chiều tối 2-11 của Công ty CP Thuỷ điện sông Ba Hạ. Ông Lộc cũng cho rằng nếu công ty xả lũ với lưu lượng 7.000m3/s thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những hậu quả gây ra cho vùng hạ du. Đến 16 giờ cùng ngày tổng dung lượng xả lũ của 3 hồ thủy điện đã lên đến 10.200m3/giây.

Bạc Liêu, Sóc Trăng: Mưa to bất thường gây ngập nặng

Một cơn mưa lớn kéo dài từ 6 giờ sáng đến 21 giờ tối ngày 1-11, làm ngập hầu hết các con đường trong nội ô TP. Bạc Liêu. Nơi ngập thấp nhất cũng trên 20cm, nơi ngập nhiều trên 60cm.

Sau khi “ngưng” chừng 5 giờ đồng hồ, trời tiếp tục đổ mưa từ 3 giờ sáng 2-11 đến trưa cùng ngày. Cơn mưa làm ảnh hưởng khá nhiều đến sinh hoạt, đời sống dân chúng.

n Sáng 2-11, sau một trận mưa lớn kéo dài nhiều giờ, nhiều trường học trên địa bàn xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) bị nước ngập sâu khiến việc dạy và học gặp khó khăn.

Tại huyện Sông Hinh, việc xả lũ các hồ thuỷ điện Sông Hinh và sông Ba Hạ đang uy hiếp trực tiếp 630 hộ dân với hơn 4.000 nhân khẩu phía hạ lưu thuộc 3 xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây và Sơn Giang. Huyện đang triển khai các phương án di dời dân trong đêm 2-11.

Đến chiều qua, nước lũ đã chia cắt và gây ngập lụt nhiều nơi tại tỉnh Phú Yên. Tại Tuy An, cầu Lò Gốm đi các xã bắc Tuy An cũng bị nước sông Kỳ Lộ dâng cao gây ngập, chia cắt hoàn toàn các xã Đông Bắc huyện Tuy An.

Nước lớn cũng đã làm ngập lụt hơn 200 hộ dân tại các xã An Định, An Dân, An Thạch và thị trấn Chí Thạnh. Tại khu vực cửa biển Lễ Thịnh, sóng biển dâng cao từ 5-8m đã gây sạt lở hơn 200m đường giao thông và lấn sâu vào các khu vực dân cư, đe dọa uy hiếp nhà ở của 12 hộ dân, với 41 nhân khẩu...

Vào 8 giờ 45 phút sáng 2-11, lực lượng tìm kiếm cứu nạn xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân đã tìm được thi thể ông Đặng Hồng Kỳ, 50 tuổi, trú thôn Lãnh Cao, xã Xuân Lãnh. Riêng thi thể con gái ông Kỳ là Đặng Thị Mai (24 tuổi) vẫn chưa tìm được.

Vào lúc 20 giờ ngày 1-11, ông Kỳ đi từ huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định về nhà, Mai nghe bố về nên ra đón. Khi 2 bố con dắt xe máy qua cầu tràn Xoi Dâu, thôn Lãnh Cao thì bị nước lũ cuốn trôi. Như vậy, đến nay tỉnh Phú Yên đã có 4 nạn nhân chết do lũ.

Lâm Đồng: 5 hồ thủy lợi đồng loạt xả lũ

Trưa 2-11, hồ thủy lợi Đa Nhim (trên địa bàn huyện Đơn Dương) - một trong những công trình thủy lợi lớn ở tỉnh Lâm Đồng, đã nâng mức xả lũ từ 150m3/s (vào thời điểm bắt đầu xả lũ sáng 1-11) lên 500m3/s, cao hơn 150m3 so với mức "đỉnh" của năm 2008.

Cùng với thủy lợi Đa Nhim (cũng trên địa bàn huyện Đơn Dương), trưa 2-11, 3 công trình hồ thủy lợi khác là Pró, Rlơm và Đạ Ròn cũng đã đồng loạt xả lũ.

Hiện mực nước ở hầu hết các sông suối thuộc khu vực phía bắc tỉnh Lâm Đồng đang dâng lên rất cao. Cụ thể, trưa 2-11, tại trạm bơm Đại Nga trên sông La Ngà, mực nước đo được là 738m; tại trạm bơm Thanh Bình trên suối Cam Ly cao hơn mức báo động 3 là 0,63m.

Việc xả lũ cộng với mưa lớn trong suốt gần tuần qua đã khiến cho 5 xã vùng Loan của huyện Đức Trọng (gồm Ninh Loan, Tà In, Tà Năng, Đà Loan và Đạ Quyn) bị ngập lụt nặng; trong đó, hai xã Tà Năng và Đạ Quyn đã bị cô lập hoàn toàn (tại xã Đạ Quyn đã có một người bị lũ cuốn trôi vào sáng ngày 1-11).

Hơn 1.000ha rau màu dọc theo sông Đa Nhim (thuộc hai huyện Đơn Dương và Đức Trọng) bị nhấn chìm trong nước cùng với 200ha cà phê ở xã Hiệp An và thị trấn Liên Nghĩa (Đức Trọng). Đồng thời, 107 hộ dân ở khu vực thôn Chợ của xã Đà Loan (Đức Trọng) buộc phải di dời khẩn cấp.

Sơ tán dân cư nơi ngập sâu

Ngày 2-11, Thủ tướng Chính phủ có công điện khẩn yêu cầu các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai và Kon Tum phải chủ động đối phó với tình huống mưa, lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng; huy động mọi lực lượng, phương tiện thực hiện việc sơ tán dân cư ở ven sông, các khu vực thấp trũng bị ngập sâu đến nơi an toàn. Các tỉnh cần tổ chức hỗ trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho nhân dân tại các khu vực sơ tán; chỉ đạo kiểm tra, xử lý kịp thời các sự cố, đảm bảo an toàn cho hồ chứa, đê điều.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem