Hà Nội: Vùng cam bỗng nhiên đồng loạt vàng lá, không ra quả

Trần Quang Thứ sáu, ngày 07/11/2014 07:17 AM (GMT+7)
Sau vùng cam Cao Phong (Hòa Bình), đến lượt nhiều diện tích cam Canh mới trồng của Hà Nội như Thanh Oai, Hoài Đức… bỗng xuất hiện tình trạng vàng lá, không ra quả. Dù bà con đã dùng đủ mọi cách từ phun thuốc kích thích ra rễ, trừ sâu bệnh… nhưng vẫn không cứu được cam. Nhiều hộ đã phải phá bỏ để chuẩn bị trồng ổi, táo.
Bình luận 0

Đau đầu vì cam bị bệnh hàng loạt

Mặc dù đã có gần 10 năm trồng cam Canh, nhưng ông Lê Văn Nếp (66 tuổi) ở thôn Tràng Cát, xã Kim An (huyện Thanh Oai) vẫn không thể hiểu được vì sao cam vườn nhà mình năm nay mất mùa. Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn, ông Nếp buồn rầu nói:

“Đầu vụ, thấy thời tiết thuận lợi, cam ra hoa đậu nhiều quả, vợ chồng tôi mừng lắm, nhưng khi quả to bằng đầu đũa thì bắt đầu rụng hàng loạt, tôi đi hỏi khắp nơi nhưng vẫn không rõ bệnh. Tôi đã mua đủ loại thuốc chữa trị nhưng không có tác dụng, giờ chỉ còn lại hơn 10% số quả trên cây”.

imgÔng Nguyễn Văn Duệ với những quả cam bị bệnh rụng hàng loạt trong vườn ở xã Cao Viên. Trần Quang

 

Cũng theo ông Nếp, ngoài diện tích cam bị rụng quả, vườn nhà ông còn có nhiều cây bị bệnh vàng lá, không ra quả khiến gia đình phải phá bỏ đi khá nhiều. “Vụ cam này gia đình tôi thất bại nặng, bao nhiêu tiền đầu tư mua phân bón, thuốc trừ sâu… biết bao giờ mới lấy lại được” - ông Nếp ngậm ngùi nói.

Cùng ở thôn Tràng Cát, hộ chị Nguyễn Thị Nga còn thê thảm hơn nhiều vì gia đình đã đổ hàng trăm triệu đồng vào vườn cam, đằng đẵng 2 năm trời đội nắng mưa chăm sóc, giờ cam lại bị vàng lá, không cho quả. Tâm sự với phóng viên NTNN, chị Nga bảo: “Bỏ ra cả đống tiền đầu tư, đến giờ phải phá bỏ mà đau xót quá, nhưng để vậy thì cũng chả thu được gì mà còn hại đất. Không riêng gia đình tôi phải chặt bỏ cam mà gia đình ông Nguyễn Văn Khuê cũng phải phá bỏ gần 3 sào cam, rồi hộ ông Nguyễn Văn Quốc…”.

Nhà trồng hơn 5 sào cam, bà Nguyễn Thị Thành (59 tuổi) ở thôn Tràng Cát cho biết thêm: “Từ đầu tháng 10 đến nay, nhà tôi đã nhặt tới hơn 2 tạ cam rụng, trong đó đa phần là cam bị nứt rồi rụng, nhưng nhiều quả lành lặn cũng bị rụng”.

Theo khảo sát của phóng viên, ngoài xã Kim An, nhiều diện tích cam ở các xã Cao Viên (Thanh Oai), xã Đắc Sở (Hoài Đức)… cũng gặp tình trạng tương tự. Ông Đỗ Hùng Cường – Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Kim An cho biết: “Toàn xã hiện có hơn 60ha cam Canh, với trên 400 hộ trồng, trong đó diện tích cho thu hoạch hơn 40ha. Tuy nhiên, vụ cam năm nay có tới 2/3 diện tích bị nhiễm bệnh, thậm chí nhiều diện tích bị bệnh nặng không ra quả bà con đã phá bỏ để tránh lây lan sang các ruộng khác”.

Do mật độ trồng quá dày?

Cũng theo ông Đỗ Hùng Cường, theo kế hoạch, đến năm 2020 diện tích cam Canh của xã Kim An sẽ đạt 70ha, nhưng hiện bà con đã trồng tới hơn 60ha và sẽ vượt kế hoạch vào năm 2015. “Mỗi năm, xã tổ chức 4 lớp tập huấn trồng cam cho 80 - 100 học viên/lớp, nhưng khi học xong, bà con thường không áp dụng kiến thức đã học vẫn trồng theo thói quen, tham trồng dày, phun thuốc trừ sâu bừa bãi dẫn đến dịch bệnh bùng phát, khó kiểm soát” - ông Cường nói.

Để tìm hiểu rõ nguyên nhân cam bệnh hàng loạt, ngày 3.11, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội (Sở NNPTNT Hà Nội) đã thành lập đoàn công tác xuống địa phương kiểm tra thực tế. Ông Cao Văn Chí – Trưởng phòng Chuyển giao (Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây có múi - Viện Nghiên cứu Rau quả) cho biết:

“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cam Canh bị bệnh nứt rụng, vàng lá, không cho quả, trong đó một phần do nông dân trồng dày, canh tác và chăm sóc không đúng kỹ thuật, một phần do cán bộ kỹ thuật trình độ có hạn nên khi chuyển giao kỹ thuật trồng cam đã không hướng dẫn bà con đầy đủ”.

Ông Chí dẫn chứng thêm: Theo hướng dẫn canh tác, 1 sào chỉ trồng 40 - 45 gốc cam, nhưng nhiều hộ dân ở xã Kim An trồng đến hơn... 400 cây/sào (gấp 10 lần), cùng với đó là tình trạng chăm sóc, bón phân, phun thuốc trừ sâu không hợp lý dẫn đến cây trồng còi cọc, không đủ dinh dưỡng để phát triển, sâu bệnh nhiều.

Ngoài ra, cây giống kém chất lượng và thời tiết thất thường cũng góp phần khiến cây cam bị các bệnh trên. Với các triệu chứng như lá cam nhỏ dần và bị vàng, có gân xanh, quả chín từ núm chín xuống thì rất có thể cam đã bị bệnh Greening (một loại bệnh phổ biến trên cây cam), do vi khuẩn và môi giới truyền bệnh là con rầy chổng cánh gây nên. Hiện chưa có biện pháp cũng như loại thuốc trừ sâu nào chữa được loại bệnh trên.

Để hạn chế thiệt hại do bệnh Greening, đối với vườn mới trồng, bà con cần loại bỏ cây bị bệnh, trồng lại bằng cây sạch bệnh. Đối với vườn đang cho quả thì kiểm tra thường xuyên nhằm phát hiện sớm và cưa bỏ cành bệnh. Nếu vườn cây bị bệnh nặng thì phải phá bỏ, trồng cây khác và vài năm sau mới trồng lại cam.

“Đối với bệnh tàn lụi (Tristeza), từ khâu sản xuất cây giống bà con cần chọn gốc ghép kháng bệnh hoặc chịu bệnh nhằm tạo điều kiện tốt ngay từ đầu để cây sinh trưởng khoẻ, tăng khả năng chống chịu bệnh, đồng thời phòng trừ rệp Toxoptera sp - môi giới truyền bệnh. Ngoài ra, với diện tích cam mới trồng bị bệnh không ra quả, bà con có thể tiếp tục chăm sóc, phun thuốc kích thích ra rễ, nếu cây không khỏi bệnh thì cần phá bỏ ngay để tránh lây lan sang các vườn khác” – ông Chí nhấn mạnh.

    Bà Nguyễn Thị Thoa - Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT Hà Nội) cho biết, hiện Hà Nội có gần 800ha cam Canh, phân bố chủ yếu tại các huyện như Hoài Đức, Thanh Oai… Cam là loại cây trồng khó tính, cần chế độ chăm sóc phù hợp, tuy nhiên, nhiều hộ trồng cam vẫn làm theo kiểu tự phát, ít áp dụng khoa học kỹ thuật dẫn đến cam bị bệnh nhiều, năng suất kém.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem