Hà Tĩnh: Liên kết nuôi trâu bò, trồng rau hội viên nhanh giàu

Thu Hà Thứ sáu, ngày 27/03/2020 05:01 AM (GMT+7)
Trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội ND Hà Tĩnh đã xây dựng 2.017 mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả, trong đó có 454 HTX dịch vụ nông nghiệp với 5.092 thành viên, 1.563 tổ hợp tác sản xuất và dịch vụ với 20.319 thành viên tham gia.
Bình luận 0

Nhằm mục đích chuyển từ chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ sang làm ăn lớn, Hội ND Hà Tĩnh đã kết nối hỗ trợ nông dân xã Yên Lộc (Can Lộc) thành lập tổ hợp tác (THT) chăn nuôi bò lai. Mô hình phát triển tốt, người dân có thu nhập khá.

img

Thời gian qua, các cấp Hội ND Hà Tĩnh đã xây dựng thành công nhiều tổ hợp tác nuôi bò. Ảnh: Thu Hà

Chị Nguyễn Thị Tài – thành viên THT phấn khởi cho biết: Từ mô hình 5 con ban đầu, hiện tại, gia đình chị mở rộng quy mô lên đến 12 con/lứa, lợi nhuận trung bình mỗi năm trên 100 triệu đồng. Việc tham gia THT giúp các hộ chăn nuôi bò lai như gia đình chị trao đổi kinh nghiệm và có đầu mối để tìm kiếm thị trường tốt hơn.

Từ những mô hình điểm ban đầu, phong trào chăn nuôi bò lai đã lan rộng ra toàn xã Yên Lộc. Còn với HTX Thuận Hòa (xã Thạch Văn, Thạch Hà) thì việc liên kết sản xuất được xã viên coi là nội dung đầu tiên và quan trọng nhất. Do bà con nông dân mới bắt đầu tiếp cận với hình thức sản xuất trồng rau, củ trên cát nên thiếu kinh nghiệm. Việc liên kết, học hỏi lẫn nhau giúp người dân khắc phục được nhược điểm này.

Chị Lê Thị Minh, một xã viên chia sẻ: Tham gia HTX, các thành viên cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, dần hình thành quy trình sản xuất chung. Đồng thời, các thành viên sản xuất cùng một số giống rau, khi thu hoạch tạo ra số lượng sản phẩm lớn nên các doanh nghiệp, thương nhân có thể thu mua, vận chuyển thuận lợi hơn.

Ông Bùi Nhân Sâm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội ND Hà Tĩnh đã xây dựng 2.017 mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả, trong đó có 454 HTX dịch vụ nông nghiệp với 5.092 thành viên, 1.563 THT sản xuất và dịch vụ với 20.319 thành viên tham gia.

Nhiều mô hình HTX, THT hoạt động hiệu quả như HTX Sơn Hàm (Hương Sơn), mô hình HTX, THT trồng cam, bưởi ở huyện Hương Khê, Vũ Quang, mô hình HTX, THT nuôi trồng, chế biến thủy hải sản ở huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Kỳ Anh… đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập bình quân đầu người lên 50 triệu đồng/người/năm.

Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Tĩnh đánh giá: Liên kết giữa nông dân với nông dân nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường tốt hơn. Chỉ khi liên kết với nhau, nông dân mới có thể cung cấp sản phẩm đủ lớn về số lượng, đồng đều về chất lượng, kịp thời gian cho nhiều đối tác. Nhờ vào liên kết, nông dân mới có khả năng xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, tiến đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, quản lý về chất lượng sản phẩm để gia tăng giá trị. “Tuy nhiên, để mối liên kết nông dân phát triển, các ngành chức năng cần tạo điều kiện về hành lang pháp lý, quan tâm các chính sách hỗ trợ cho các tổ hợp tác, HTX và các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” - ông Sâm cho biết.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem