Hai đầu tàu kinh tế Hà Nội, TPHCM không chỉ tắc đường, còn tắc cả… "cách tiêu tiền"
Hai đầu tàu kinh tế Hà Nội, TP.HCM không chỉ tắc đường, còn tắc cả… "cách tiêu tiền"
An Linh
Thứ hai, ngày 26/09/2022 17:47 PM (GMT+7)
Với 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được Chính phủ giao trong năm 2022, nhưng hai đầu tàu kinh tế đất nước là Hà Nội và TP.HCM mới chỉ giải ngân được 33,6% và 25%, dưới mức trung bình cả nước.
Đầu tàu kinh tế cả nước giải ngân đầu tư công chậm chạp
Tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy giải ngân đầu tư công và triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia diễn ra ngày 26/9 tại Hà Nội, hai đầu tàu kinh tế đất nước là Hà Nội, TP.HCM đã báo cáo về nguyên nhân giải ngân chậm chễ dù được nhiều kỳ vọng.
Theo báo cáo, đến ngày 23/9, TP.HCM giải ngân được 10.877 tỷ đồng trong tổng số 37.997 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 25%. Năm 2022, Quốc hội và Thủ tướng giao vốn cho TP.HCM gần 52.000 tỷ đồng, sau này giao thêm và tăng lên khoảng 54.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, TP.HCM là địa phương cân đối ngân sách, với tỷ lệ điều tiết 21%, thành phố phải bảo đảm nhiệm vụ chi thường xuyên trước, còn lại mới chi đầu tư phát triển.
Tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch TP.HCM cho biết vướng mắc của thành phố trong giải ngân vốn đầu tư chính là khó khăn giải phóng mặt bằng.
Chủ tịch TP.HCM cam kết đến tháng 10/2022 sẽ cơ bản tháo gỡ được giải phóng mặt bằng trên 90% để phục vụ triển khai các dự án.
Một nguyên nhân nữa, đó là giá cả vật liệu xây dựng, nhân công, xe, máy móc… làm cho nhà thầu thi công cầm chừng. Lãnh đạo TP.HCM đã gặp từng nhà thầu cụ thể trong từng dự án để tháo gỡ, thuyết phục. Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư các dự án ODA cần phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh thời gian thực hiện, bố trí vốn, ký kết hiệp định vay mất nhiều thời gian.
Tương tự, tại Hà Nội, theo báo cáo tính hết ngày 23/9, Hà Nội giải ngân hơn 17.170 tỷ đồng, đạt 33,6% kế hoạch.
Theo ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội hiện Hà Nội gặp 4 điểm nghẽn, nút thắt trong giải ngân vốn đầu tư công là: Giải phóng mặt bằng, đặc biệt là xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường.
Bên cạnh đó là biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu, dự án ODA có rất nhiều khó khăn, vướng mắc và cuối cùng là việc hoàn thiện thủ tục đầu tư một số dự án còn chậm do vướng mắc trong thực hiện chỉ giới đường đỏ, quy hoạch, tuân thủ quy định chuyên ngành.
Trước tình hình này, HĐND Thành phố đã thông qua Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố. Đây là cơ sở rất quan trọng, có tính chiến lược lâu dài để thành phố thực hiện giảm đầu mối, tầng nấc, tăng tính chủ động cho cấp cơ sở; với tinh thần cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức, người dân thì giao cấp đó thực hiện. Những tháng cuối năm 2022, UBND thành phố tập trung triển khai thực hiện Đề án để góp phần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công.
UBND TP cũng yêu cầu các chủ đầu tư căn cứ năng lực hiện có và các điều kiện thực hiện, có văn bản cam kết thực hiện công tác giải ngân vốn năm 2022.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.