Hưởng nhiều “ưu ái”
Tổ hội sản xuất và tiêu thụ cà chua an toàn xã Nhân Huệ được Hội ND thành lập từ tháng 4/2019, với 35 thành viên tham gia, quy mô sản xuất 5ha cà chua.
Bà Nguyễn Thị Thuỷ - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Hải Dương cho biết: Ngay sau khi thành lập Tổ hội, Hội ND tỉnh đã phối hợp Hội ND TP.Chí Linh tổ chức 2 lớp tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất cà chua theo hướng an toàn; thu hoạch, bảo quản, đóng gói; tham gia truy xuất nguồn gốc sản phẩm cà chua cho toàn bộ thành viên Tổ hội và trên 120 lượt hội viên nông dân xã Nhân Huệ.
Đoàn công tác Hội Nông dân Việt Nam thăm mô hình trồng cà chua an toàn ở xã Nhân Huệ. Ảnh: T.H
"Năm 2019 các cấp Hội ND Hải Dương đã chủ động phối hợp các doanh nghiệp uy tín, trong đó có Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cung ứng phân bón chất lượng theo phương thức trả chậm.
Riêng năm 2019, qua “kênh” Hội ND đã cung ứng gần 7.000 tấn phân bón Lâm Thao; trong đó Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh cung ứng gần 1.500 tấn”.
Ông Đặng Quang Hưng – Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân (Hội ND tỉnh Hải Dương)
|
Để động viên, thu hút hội viên tham gia thực hiện tốt quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn, Hội ND tỉnh đã hỗ trợ tổng kinh phí sản xuất 31,5 triệu đồng, tương ứng hơn 200.000 đồng/sào. Hội ND tỉnh cũng hỗ trợ biển tên mô hình; hỗ trợ túi lưới và tem nhãn truy xuất.
Ông Nguyễn Văn Chua - Tổ trưởng Tổ hội sản xuất và tiêu thụ cà chua xã Nhân Huệ cho biết: Diện tích trồng cà chua của xã khoảng trên 20ha. Tham gia mô hình Tổ hội sản xuất và tiêu thụ cà chua an toàn, các hộ trồng cà chua ở xã Nhân Huệ đã cùng liên kết mua giống, phân bón, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật và hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm…, vì thế hiệu quả kinh tế thu được cao hơn hẳn.
Cụ thể về giống, phân bón, theo ông Chua, các thành viên mô hình đã thảo luận và thống nhất cùng mua giống cà chua Saviơr ghép trên gốc cà tím, mua phân bón NPK Lâm Thao theo phương thức chậm trả thông qua đầu mối cung ứng là tổ trưởng Tổ hội.
Về tiêu thụ sản phẩm: Cán bộ Hội ND các cấp và tổ trưởng Tổ hội đã liên hệ với các doanh nghiệp, công ty thu mua nông sản để tiêu thụ sản phẩm cho mô hình.
“Kết quả, khoảng 50% sản phẩm cà chua được đóng gói, tiêu thụ bởi Công ty cổ phần Greenfarm Mộc Châu (có chi nhánh đại diện tại Hà Nội) với giá cao hơn giá thị trường 1.000 đồng/kg; 50% sản phẩm còn lại được tổ trưởng thu mua để cung cấp cho các bếp ăn khu công nghiệp” - ông Chua thông tin.
Tin dùng phân bón Lâm Thao
Ông Nguyễn Văn Chua khẳng định, do liên kết chặt chẽ, tiết kiệm được chi phí sản xuất, không bị tư thương ép giá nên các hộ trồng cà chua trong mô hình có lợi nhuận cao hơn so với các hộ đại trà hơn 2 triệu đồng/sào. Cụ thể, năng suất cà chua của mô hình đạt cao hơn khoảng 100kg/sào so với các hộ ngoài mô hình; giá bán cà chua cho Greenfarm cao hơn thị trường là 1.000 đồng/kg. Bình quân, mỗi sào cà chua cho năng suất khoảng 2 tấn/sào, lợi nhuận trung bình của các hộ tham gia mô hình đạt 15 triệu đồng/sào/hộ.
Ông Chua cho biết, bản thân gia đình ông trồng 7 sào cà chua, thu về lợi nhuận trên 120 triệu đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Nguyễn Văn Chua cho biết, để đạt năng suất cao, việc chăm sóc, bón phân cho loại cây này rất quan trọng.
“Về phân bón, chúng tôi tin dùng phân bón Lâm Thao từ nhiều năm nay. Qua kinh nghiệm thực tiễn, chúng tôi thấy phân bón Lâm Thao dùng cho lúa, ngô, cà chua, rau màu đều rất hiệu quả, cây trồng cho năng suất cao. Vì thế khi vào vụ sản xuất, các thành viên trong Tổ hội chúng tôi đều mua chung hơn 30 tấn phân bón NPK Lâm Thao theo phương thức chậm” - ông Chua thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.