Hải Dương: Mạng xã hội xôn xao kêu gọi, nông dân hy vọng được giải cứu bắp cải, su hào, cà chua, cà rốt

Tâm Đức Thứ sáu, ngày 19/02/2021 17:52 PM (GMT+7)
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh Hải Dương, hàng chục nghìn tấn rau, củ, quả, gà, vịt, trứng... đang bị ùn ứ. Đặc biệt là sau khi một số tỉnh, thành phố giáp ranh thực hiện siết chặt việc kiểm soát phương tiện lưu thông từ Hải Dương đi qua.
Bình luận 0

Nông sản ứ đọng, xót xa bỏ mặc ngoài đồng

Xã Hưng Đạo là một trong những vùng trồng cây rau màu lớn của huyện Tứ Kỳ và của tỉnh Hải Dương. Hằng năm, mỗi vụ trồng hàng trăm ha rau màu phục vụ nhu cầu của người dân trong và ngoài tỉnh. 

Tuy nhiên tại thời điểm này, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn tỉnh phải thực hiện cách ly khiến nông sản không thể tiêu thụ. 

Nông dân đành bất lực nhìn những ruộng su hào, súp lơ, tỏi tây... đến kỳ thu hoạch mà không bán được. Nhiều người dân phải xót xa chấp nhận phá bỏ, vứt rau ngoài đồng, kênh mương. 

Hải Dương: Nông dân thấp thỏm vì hàng chục nghìn tấn nông sản chờ được giải cứu - Ảnh 1.

Người dân huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương xót xa khi phải bỏ những ruộng rau màu đến mùa thu hoạch vì không có người mua. Nghe mạng xã hội xôn xao kêu gọi cộng đồng chung tay giải cứu, nông dân tỉnh Hải Dương hy vọng vớt vát được chút vốn.

Tình trạng trên cũng diễn ra tại một số địa phương khác trong tỉnh Hải Dương. Gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn ở xã Lê Lợi, huyện Gia Lộc có 7ha trồng rau màu cũng đang trong tình cảnh “cười ra nước mắt” vì không có đầu mối tiêu thụ. 

Theo lời ông Tuấn, mọi năm, rau của ông thu hoạch đến đâu là bán hết sạch đến đấy. Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông và hơn 160 hộ trồng rau màu của xã Lê Lợi đều phải nuốt nước mắt vào trong nhìn những luống rau xanh mơn mởn phải vứt lại ruộng.

Ông Tuấn chia sẻ, toàn xã Lê Lợi, huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương) có gần 300ha trồng rau màu. Nhà ít thì có 7, 8 sào, nhà nhiều thì có tới 30 mẫu trồng rau màu. 

Từ khi Covid-19 bùng phát, giá rau bị rớt thảm hại, lưu thông khó, thương lái hủy đơn vì không về lấy hàng được. Nhìn cảnh hàng tấn rau xanh của người dân bị vứt bỏ ngoài ruộng, ngoài mương mà xót xa.

Hải Dương: Nông dân thấp thỏm vì hàng chục nghìn tấn nông sản chờ được giải cứu - Ảnh 2.

Một số đơn vị, cá nhân hảo tâm thu mua nông sản để bán rẻ hoặc phát miễn phí góp phần giải cứu nông sản cho nông dân tỉnh Hải Dương.

Mấy ngày gần đây, người dân tranh thủ ra đồng làm ruộng từ sáng sớm rồi về nhà để thực hiện theo yêu càu phòng tránh dịch bệnh Covid-19 là hạn chế người dân ra ngoài. Số lượng lớn nông sản muốn cho cũng không có ai nhận…

Ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết, toàn tỉnh đang có khoảng 10.000 tấn cà rốt và 3.000 tấn rau đang bảo quản trong kho mát, chưa kể 30.700 tấn cà rốt và 5.500 tấn rau đến kỳ thu hoạch. 

Ngoài ra còn có 1.000 tấn heo sữa, rau chế biến bảo quản trong kho cấp đông cùng nhiều mặt hàng khác đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, thương lái không đến thu mua do còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến thủ tục để lưu thông.

Theo ông Quân cho biết, khoảng 80% lượng nông sản nói trên sẽ được xuất khẩu qua cảng Hải Phòng trong thời gian từ nay đến cuối tháng 2. 

Các doanh nghiệp (DN) cũng đã ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài để đặt lịch tàu biển. Tuy nhiên, việc quy định chặt chẽ đối với các phương tiện lưu thông từ Hải Dương sang Hải Phòng khiến các doanh nghiệp, người nông dân trên địa bàn tỉnh không khỏi lao đao. 

Trong khi đó, yếu tố thời gian ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nông sản. Nếu không kịp xuất hàng theo đúng hợp đồng có thể gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân và các doanh nghiệp tại Hải Dương.

Hải Dương: Nông dân thấp thỏm vì hàng chục nghìn tấn nông sản chờ được giải cứu - Ảnh 3.

Một quầy hàng rau, củ thực phẩm phát miễn phí cho người dân đang được tổ chức trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho rằng, tỉnh Hải Dương đã và đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp kiểm soát chặt chẽ Covid-19. Trong đó, tại các chốt kiểm soát, cơ quan chức năng đã yêu cầu tất cả lái xe, phụ xe phải làm xét nghiệm và phải có kết quả âm tính mới được ra vào. 

Nếu các địa phương lân cận hạn chế và kiểm soát quá mức xe chở hàng lưu thông sẽ dẫn đến đình trệ sản xuất. Trong khi chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ dù phong tỏa hay cách ly vẫn phải tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển, đảm bảo điều kiện sản xuất.

"Hải Dương mong muốn các địa phương khác hỗ trợ tỉnh, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 chúng ta vừa phải làm tốt công tác phòng dịch, đồng thời vẫn phải đảm bảo thông thương hàng hoá, sản xuất để phát triển kinh tế"- người đứng đầu cấp ủy tỉnh Hải Dương-ông Phạm Xuân Thăng mong mỏi. 

Doanh nghiệp cam kết hỗ trợ nhưng vẫn khó tìm đầu ra

Trước tình hình tiêu thụ nông sản tại Hải Dương đang gặp khó khăn, một số doanh nghiệp, nhà phân phối đã cam kết và có các hoạt động tham gia "giải cứu" giúp người nông dân thoát khỏi cảnh lao đao.

Cụ thể, trong thời gian qua, Công ty Central Group và hệ thống BigC đã tích cực thu mua, để phân phối, tiêu thụ nông sản thực phẩm trên hệ thống bán lẻ giúp cho người nông dân. 

Hệ thống MM Mega Market cũng có đề nghị phối hợp với tỉnh Hải Dương trong việc thu mua, vận chuyển đưa mặt hàng nông sản trong địa bàn tỉnh đến người tiêu dùng tại các tỉnh, thành phố khác.

Hải Dương: Nông dân thấp thỏm vì hàng chục nghìn tấn nông sản chờ được giải cứu - Ảnh 4.

Việc tiêu thụ hàng nghìn tấn cà rốt ở tỉnh Hải Dương cũng đang gặp khó khăn...

Mặc khác, để kịp thời giải cứu nống sản đang ứ đọng tại các địa phương, một số tổ chức, cá nhân trong tỉnh Hải Dương đã vận động thành viên của mình quyên góp tiền, ủng hộ phương tiện vận chuyển đến tận ruộng thu mua nông sản để cung ứng hoặc phát miễn phí cho người dân trong tỉnh.

Trước việc tiêu thụ nông sản của địa phương gặp khó khăn, anh Hà Văn Bẩy, Giám đốc Công ty TNHH Đặc sản rươi cáy Hà Tiến, xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) đã chủ động làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh, xin được giấy thông hành cho 2 người và 1 xe tải 10 tấn được phép lưu thông để thu mua chuối giúp nông dân xã An Thanh. 

Mỗi ngày anh Bẩy sẽ mua 1 xe 10 tấn chuối, chạy ra tỉnh Quảng Ninh xuất hàng và quay về Tứ Kỳ để sáng hôm sau tiếp tục thu mua. Dự kiến anh Bẩy thu mua chuối cho nông dân trong xã liên tục trong vòng 15 ngày với giá 5.500 đồng/kg. 

Tuy nhiên, đại diện một số tổ chức, cá nhân cho biết, số lượng thu mua chưa được nhiều vì tổng số nông sản đang ứ đọng là quá lớn và việc đảm bảo các thủ tục để lưu thông còn gặp khó.

Ông Đinh Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Hải Dương cho biết, đơn vị đang triển khai thống kê toàn bộ số lượng nông sản thực phẩm còn tồn đọng từ các cấp cơ sở Hội đồng thời cử cán bộ chuyên trách liên hệ với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tìm đầu ra giải phóng cho nông sản tỉnh nhà.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem