Hải Dương: Tưởng niệm 582 năm ngày mất của Anh hùng Dân tộc, Danh nhân Văn hoá Thế giới Nguyễn Trãi
Hải Dương: Tưởng niệm 582 năm ngày mất của Anh hùng Dân tộc, Danh nhân Văn hoá Thế giới Nguyễn Trãi
Nguyễn Việt
Thứ tư, ngày 18/09/2024 11:55 AM (GMT+7)
Sáng 18/9, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Hải Dương long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 582 năm ngày tạ thế của Anh hùng Dân tộc, Danh nhân Văn hoá Thế giới Nguyễn Trãi. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024.
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024 trình bày diễn văn ôn lại cuộc đời sự nghiệp của Anh hùng Dân tộc, Danh nhân Văn hoá Thế giới Nguyễn Trãi.
Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, sinh năm Canh Thân (1380) tại kinh thành Thăng Long. Thân phụ ông là Nguyễn Phi Khanh, nguyên quán ở làng Chi Ngại (nay thuộc phường Cộng Hoà, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương), sau dời đến làng Ngọc Ổi (nay thuộc xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội); Thân mẫu là Trần Thị Thái, con gái của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán.
Tuổi thơ Nguyễn Trãi sống với ông ngoại ở Thăng Long và Côn Sơn. Khi ông ngoại qua đời, ông về ở với cha tại Nhị Khê. Được ông ngoại và cha trực tiếp dạy dỗ, rèn luyện, Nguyễn Trãi sớm nổi tiếng tài đức và chí lớn, năm 1400, khi mới 20 tuổi, ông đỗ Thái học sinh, năm sau ra nhận chức Ngự sử đài Chánh trưởng dưới triều nhà Hồ, bậc chánh tam phẩm, chức quan rất trọng.
Từ năm 1407, nhà Hồ suy yếu, đất nước ta dưới ách đô hộ của giặc Minh, chúng đã gây nên những thảm khốc tột cùng trên đất nước ta: "Chặt hết trúc Nam Sơn không ghi hết tội ác; tát cạn nước Đông Hải cũng không rửa hết tanh nhơ". Căm phẫn quân thù, sục sôi tinh thần yêu nước, ông quyết nuôi ý chí cứu nước, cứu dân.
Ông đến Lam Sơn tụ nghĩa, dâng Bình Ngô sách, "10 năm ở màn trướng, 5 phen miệng hổ lăn mình", dốc tâm huyết, một lòng thành giúp Bình Định Vương Lê Lợi. Ông trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh, giải phóng đất nước ở thế kỷ XV.
Kháng chiến thắng lợi, Nguyễn Trãi đã viết Bình Ngô Đại cáo - một bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, áng thiên cổ hùng văn tổng kết tài tình cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Nói về Nguyễn Trãi, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng sinh thời đã viết "Nguyễn Trãi, người Anh hùng dân tộc, văn võ song toàn, "văn" là chính trị, cứu nước, cứu dân, nội trị, ngoại giao mở nền thái bình muôn thuở, rửa nỗi hẹn ngàn thu; "võ" là quân sự, chiến lược và chiến thuật, yếu đánh mạnh, ít địch nhiều… thắng hung tàn bằng đại nghĩa; "văn" và "võ" đều là vũ khí, mạnh như vũ bão, sắc như gươm dao..
Đất nước hòa bình, với ước vọng tham gia "Duy tân đất nước, xây dựng nền thái bình muôn thuở…" và tư tưởng "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân". Tư tưởng và đạo lý của vĩ nhân vượt không gian quốc gia, và vượt thời gian nhiều thế kỷ.
Sau kháng chiến chống giặc Minh thắng lợi, Ông tiếp tục hoạt động chính trị, văn hoá, xã hội dưới triều Lê và đã có công lớn trong việc tạo ra nền tảng kinh tế - xã hội, sự hoà hợp giữa "Nước và Dân" - nguồn lực xây dựng đất nước Đại Việt vững mạnh đương thời.
Đã từ lâu, trong tâm thức đồng bào cả nước, khi nói về Côn Sơn là nhớ về Nguyễn Trãi, nhớ về vầng Sao Khuê lấp lánh trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Với Côn Sơn - mảnh đất đã gắn bó với ông những năm tháng tuổi thơ và cũng là nơi ông náu mình "ngẫm nay, suy trước, xét cùng mọi lẽ hưng vong" để sau này viết thành Bình Ngô sách, vạch ra đường lối đánh giặc cứu nước giải phóng dân tộc.
Dưới thời vua Lê Thái Tông, ông đã được vua giao trông coi đạo Đông - Bắc. Côn Sơn cũng là nơi ông dựng nhà, mài mực viết lên nhiều tác phẩm có giá trị sử học, văn học, triết học, quân sự, ngoại giao và trở thành những di sản quý báu cho hậu thế. Tiêu biểu là "Côn Sơn ca", cho đến bây giờ vẫn chưa có tao nhân, mặc khách nào viết về Côn Sơn hay hơn thế.
Côn Sơn - nơi ông đã chọn về trí sĩ, được giao trông coi chùa Tư Phúc, ông đã góp sức tu bổ, mở rộng quy mô đưa ngôi chùa trở thành đại danh lam thắng cảnh. Khi đi xa, Côn Sơn đã trở thành hoài niệm trong tâm hồn ông. Hồn của Côn Sơn - Khí của đất tổ quê cha đã là những mạch ngầm tạo nên Nguyễn Trãi - Là kết tinh tâm hồn và trí tuệ của dân tộc - Một vầng Sao Khuê không chỉ toả sáng ở bầu trời Việt Nam mà được nhân loại trân trọng, toả sáng cả năm châu.
Nhân dịp kỷ niệm 600 năm ngày sinh (1380 - 1980), Nguyễn Trãi được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) vinh danh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng cho rằng: "Nguyễn Trãi đã đi vào lịch sử và trở thành Anh hùng vĩ đại của dân tộc, một Danh nhân văn hoá kiệt xuất. Dù trên cõi trần thế, cuộc đời ông kết thúc bằng một bi kịch thương đau, song ông đã được lịch sử ghi nhận, tôn thờ với sự nghiệp lừng lẫy, vẻ vang, có tầm ảnh hưởng to lớn tới sách lược bảo vệ và xây dựng đất nước".
Đền thờ Nguyễn Trãi - Ức Trai linh từ, từ lâu đã trở thành điểm hẹn của những lớp người khắc sâu đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" tôn vinh thành kính Ức Trai. Nơi đây, mỗi độ xuân về, thu đến, lại có hàng chục vạn lượt du khách về tham quan, chiêm bái, để được đắm mình trong không gian linh thiêng, thanh khiết, để được tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân.
Tư tưởng và những giá trị trường tồn của chốn Tổ Phật giáo Trúc Lâm tại chùa Côn Sơn và Danh nhân văn hoá kiệt xuất Nguyễn Trãi nơi đây đã góp phần quan trọng, đáp ứng các tiêu chí để minh chứng và biện luận trong hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành Di sản thế giới mà UNESCO đang thẩm định.
"Hãy trân trọng lịch sử và phát huy để các giá trị di sản văn hoá của khu di tích - danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc tiếp tục tỏa sáng, trở thành nguồn lực nội sinh tiếp sức cho lớp lớp các thế hệ người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và mai sau luôn vững bước trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh, dân chủ, văn minh", Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024 cho hay.
Sau đó là diễn ra phần lễ tế và phần dâng hương của các lãnh đạo tỉnh Hải Dương, đại biểu và du khách thập phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.