Hai lúa miền Tây giỏi “bắt bài” loài chuột

Trọng Bình Thứ sáu, ngày 10/03/2017 13:30 PM (GMT+7)
Tức mình vì mấy tay lưới được cất cẩn thận vẫn bị lũ chuột cắn nát, anh nông dân Trần Văn Phước (xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, An Giang) đã mày mò, quyết tâm sáng chế thành công dụng cụ bẫy chuột mang lại hiệu quả cao đến bất ngờ.
Bình luận 0

Cái khó ló cái khôn

Anh Phước nhớ lại, cách nay 7 năm, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, chỉ có 2 công ruộng, gạo chẳng đủ ăn nên thường xuyên phải làm thêm nghề câu lưới kiếm sống qua ngày. Vậy mà lũ chuột  “nhẫn tâm” ngày đêm tấn công dàn câu lưới của anh. Nhiều lần lũ chuột cắn nát cả lưới, không thể sử dụng, anh lại phải chạy vạy vay tiền mua lưới mới. “Lũ chuột phá hoại khiến tôi đau cả đầu, nhiều đêm thức trắng nghĩ cách bắt hết lũ ăn hại. Kể từ đó tôi bắt đầu nghiên cứu, mày mò làm bẫy để dụ chuột” – anh Phước kể.

img

 Anh Trần Văn Phước và chiếc bẫy chuột do mình thiết kế.  Ảnh: T.B

Nhiều người khuyên tôi làm hồ sơ đăng ký sở hữu độc quyền sản phẩm. Khi nào có đầy đủ máy móc và nhân công tôi cũng phải tìm cách bảo vệ thành quả sáng chế của mình, không để cho hàng nhái lấn lướt…”.

Anh Trần Văn Phước 

Làm đi làm lại nhiều lần, vừa nắm bắt đặc tính loài chuột, anh Phước vừa tự suy nghĩ đúc kết và dần hoàn thiện chiếc bẫy. Chiếc bẫy mới nhất hiện nay của anh Phước cơ bản gồm phần khung làm bằng gỗ và phần lưới sắt bao bọc bên ngoài có hình dáng giống như chiếc lồng chim. Bẫy có 2 ngăn, mỗi ngăn đều có cửa ra vào. “Hiệu quả dẫn dụ chuột chính là ở chiếc cửa và hiệu quả bắt được nhiều chuột là nhờ thiết kế 2 cửa này” – anh Phước phân tích.

Theo dõi chi ly đặc tính loài chuột, điều nghiên rất kỹ đường đi nước bước của chuột nên anh Phước “bắt bài” chuột dễ dàng, nhất là loài chuột nhắt vốn phá phách kho bãi, vật dụng. “Loài chuột nhắt có tính hiếu kỳ, thích khám phá cái lạ. Hễ chúng thấy lạ thì chui vô xem thử. Một con vô rồi thì nhiều con vô theo…” – anh Phước vui vẻ chia sẻ. Anh Phước còn cho biết: Muốn đạt hiệu quả cao nhất thì bỏ vô ngăn phía ngoài một nhúm gạo hoặc thức ăn nào chuột khoái. Ngoài ra, cứ khoảng 7-10 ngày sau khi sử dụng, nên rửa bẫy một lần để làm sạch mùi hôi đặc trưng của chuột lưu lại trên bẫy.

Bẫy chuột “cháy” hàng

Trò chuyện với chúng tôi về sáng chế nhỏ mà hiệu quả không nhỏ, anh Phước không giấu được niềm vui và vẻ tự hào khi khoe rằng “bẫy chuột tui làm ra đều bán sạch ráo”. Không những vậy, anh Phước còn được nhiều đơn vị tổ chức hội chợ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mời đem sản phẩm bẫy chuột đi trưng bày giới thiệu.

“Cứ mỗi lần dự hội chợ về là có rất nhiều người gọi điện thoại tới đặt hàng, nhưng tôi đâu dám nhận nhiều vì sợ làm không xuể. Thiếu máy móc, phương tiện nên khả năng tôi hiện chỉ có thể cung cấp cho mấy đại lý trong tỉnh khoảng 500 chiếc/tháng” – anh Phước cho hay.

Do tính hiệu quả của chiếc bẫy bắt chuột do anh Phước chế ra, rất nhiều các đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã đặt mua để diệt chuột tại các kho tàng, bến bãi… Bẫy diệt chuột của anh Phước rất hiệu quả đối với những kho trữ thóc, lương thực, thực phẩm -những nơi vốn dĩ loài chuột nhắt hay chọn sinh sống và nhân đàn…

 “Tôi dự trù rồi, sắp tới sẽ mua một số máy chuyên dụng để lộng gỗ, cán và cắt lưới sắt, máy khoan, máy hàn với tổng vốn khoảng 70 triệu đồng. Tôi sẽ nhận vào khoảng 15 lao động theo kiểu vừa học vừa làm có trả lương. Khi đó tôi có thể sản xuất mỗi tháng hàng ngàn chiếc bẫy chuột với giá bán ra có thể  giảm khoảng 30% so với hiện tại…” - anh Phước hạch toán. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem