Hải Phòng: Mỗi làng một sản phẩm, giải pháp hữu hiệu xây dựng NTM bền vững

Thu Thủy Thứ sáu, ngày 24/11/2017 11:50 AM (GMT+7)
Cách làm này có xuất xứ từ Nhật Bản sau đó được nhiều nước nghiên cứu ứng dụng với tên gọi có thể khác nhau nhưng đi theo hướng này đã tạo ra những sản phẩm nét riêng độc đáo cải thiện thu nhập cho nông dân. Phong trào này tại Quảng Ninh làm rất tốt, nhiều địa phương hưởng ứng đang được nhân rộng tại địa phương vùng nông thôn TP.Hải Phòng và các tỉnh trong cả nước.
Bình luận 0

Khôi phục làng nghề cũ, phát triển thêm làng nghề mới

Tại TP.Hải Phòng nhiều làng trước đây đã có những sản phẩm làng nghề bị mai một, nhưng do nhu cầu của thị trường lại được khôi phục và phát triển như: Làng nghề tạc tượng Bảo Hà (huyện Vĩnh Bảo), chiếu cói Lật Dương (Tiên Lãng), bánh đa Lạng Côn (Kiến Thụy), Hàng mã Tiên Cầm  (huyện Tiên Lãng)… Hay nhóm sản phẩm lợi thế như: Táo Bàng La (quận Đồ Sơn), Gạo nếp cái hoa vàng Đại Thắng (huyện Tiên Lãng), nem chua Trường Thọ (huyện An Lão) ...

img

Mỗi gia đình trong làng Tiên Cầm giống một đại công xưởng sản xuất.

Theo khảo sát của PV, trước kia, làng nghề Tiên Cầm (An Thái, huyện An Lão) chuyên sản xuất các sản phẩm từ tre, nứa như rổ, giần sàng… phục vụ đời sống sinh hoạt thường ngày của nhân dân. Nhưng khoảng chục năm trở lại đây, làng Tiên Cầm được biết đến như một đại công xưởng sản xuất “phương tiện đi lại” cho người cõi âm. Từ một làng trong xã với đời sống thấp, thu nhập của người dân chỉ từ 15 – 17 triệu/người/năm; giờ đây nhờ đan đồ thờ cúng tâm linh, đời sống của nhân dân trong làng đã được cải thiện. Hiện nay, toàn xã có 580 hộ chuyên sản xuất các con vật trong thế giới tâm linh với số lao động trực tiếp hơn 1000 người, thu nhập người tăng lên từ 30 – 35 triệu đồng/người/năm.

Theo ông Vũ Viết Thịnh – Chủ tịch UBND xã An Thái cho biết: Nghề đan ngựa mã ở Tiên Cầm diễn ra quanh năm, nhưng vào những dịp lễ Tết, rằm tháng 7, tết ông công ông táo là đông vui, nhộn nhịp hơn cả. Hiện tại, không chỉ làng Tiên Cầm mà hầu hết các gia đình trong xã An Thái đều làm nghề đan mã. Cũng nhờ có nghề này mà người dân địa phương có thêm thu nhập, cuộc sống ổn định hơn. Kinh tế xã An Thái cũng vì thế mà có sự chuyển dịch lớn.

Tương tự như làng Tiên Cầm, làng tạc tượng Bảo Hà (huyện Vĩnh Bảo) cũng đang được đánh giá rất cao. Bảo Hà có gần 1.000 hộ làm nghề, trong đó có trên 200 hộ tạc tượng với 20 xưởng sản xuất (tượng phật, tượng thánh, con rối bàn thờ, câu đối) Hàng năm, làng nghề đóng góp 40% giá trị sản xuất công nghiệp địa phương. Các sản phẩm không chỉ phục vụ cho thị trường trong nước còn xuất khẩu sang nhiều nước Đông Âu. Đồng thời trở thành một điểm du lịch "Du khảo đồng quê" ở ngoại thành Hải Phòng.

Sản phẩm làng nghề ngày càng đa dạng, phong phú hơn, bên cạnh các sản phẩm truyền thống còn có thêm nhiều các sản phẩm nông sản mới chất lượng cao như: Dưa Kim Cô Nương Tân Hưng, Táo muối Bàng La, Gạo nếp cái hoa vàng Đại Thắng…

Từ những cánh đồng muối trước đây người dân thu nhập thấp bỏ hoang nay đã được cải tạo trồng táo cho ra sản phẩm táo nổi tiếng về chất lượng. Năm 2015, táo Bàng La đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ KH&CN cấp chứng nhận bảo vệ nhãn hiệu. Người dân giàu lên trông thấy nhờ có táo muối, vào dịp tết đến táo Bàng La có lúc người dân bán với giá 60-70 nghìn/ cân. Những năm táo được mùa nhiều gia đình cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi vụ táo.

img

Nghề đan ông mã giúp bà con làng Tiên Cầm có thu nhập ổn định.

Giải pháp hữu hiệu cho xây dựng NTM

Ông Nguyễn Ngọc Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hải Phòng cho biết: Phong trào “ Mỗi làng một sản phẩm” đang được xem là môi trường rất tốt để thúc đẩy đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ theo yêu cầu của thị trường Là giải pháp thiết thực thúc đẩy cơ cấu kinh tế lại nông thôn rất phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Phong trào này rất phù hợp với đặc điểm chủ yếu sản xuất quy mô nhỏ của nông thôn nước ta và do đó sẽ khai thác hiệu quả hơn tiềm năng đa dạng của truyền thống sản xuất, của sinh thái và văn hóa tạo sự đa dạng cho sản phẩm đặc hữu, đậm chất văn hóa của các vùng quê.

Tuy nhiên, để làm tốt vấn đề này thì các địa phương cũng phải nắm rõ về tư tưởng chủ đạo của phong trào. Nhà nước định hướng kiến tạo và hỗ trợ đổi mới công nghệ, đào tạo lao động, xây dựng phân cấp sản phẩm và quảng bá sản phẩm.

img

img

Các sản phẩm được chế biến từ gạo nếp cái hoa vàng Đại Thắng.

Người dân nông thôn, bao gồm hộ và nhóm hộ, tự quyết chọn sản phẩm lợi thế, đầu tư công nghệ, đào tạo tay nghề, tổ chức sản xuất và quản lý từ khâu nguyên liệu đến tiêu thụ (bao gồm cả liên kết với nhà khoa học, doanh nghiệp…) để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, hướng tới không chỉ đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu.

 Ở đây cũng cần hiểu “Mỗi làng một sản phẩm” thì sản phẩm ở đây là rất đa dạng: không chỉ là sản phẩm thủ công mỹ nghệ mà có thể là: một giống lúa, giống lợn tốt hoặc một loại cây ăn trái, một loại sản phẩm chế biến, một loại sản phẩm du lịch nổi tiếng được tạo nên từ lợi thế đặc thù của địa phương. Và “mỗi làng” cũng không có nghĩa là làng nào cũng phải có mà đây chỉ là cụm từ chỉ một phong trào phát triển kinh tế ở nông thôn

Kết quả cuối cùng là nâng cao thu nhập cho thành viên tham gia. Từ đó thúc đẩy đổi mới cơ cấu kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho người dân, tạo nội lực tốt để phát triển nông thôn bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem