Trả thù người đấu tranh?
Đêm 20.9, gia đình ông Hoàng Văn Khang, ở thôn Trâm Khê, bị kẻ lạ mặt đột nhập đốt nhà. Ngọn lửa thiêu cháy hết phân nửa bao lạc và rổ đựng bát của gia đình, đang lan vào phía trong thì vợ ông Khang phát hiện, hô hoán mọi người đến dập lửa nên chưa có thiệt hại lớn về người và của.
|
Người dân tập trung trước khu đất giao cho Công ty Hoa Thành để đòi quyền lợi. |
Mặc dù vậy, sự việc cũng đã được gia đình ông Khang trình báo cơ quan công an vì tính chất nghiêm trọng của hành vi này đã được cảnh báo bằng những lời đe dọa nặc danh dán khắp thôn trước đó: "Hoàng Văn Khang có lấy tiền hay không - không lấy tiền đừng trách chúng tôi”; “Nguyễn Văn Thân - liệu hồn". Trước đó mấy ngày (đêm 14.9), nhà ông Nguyễn Văn Thân cũng ở thôn Trâm Khê đã bị đốt.
Ai đã gây ra hai vụ đốt nhà dân ở thôn Trâm Khê, đến nay cơ quan công an vẫn chưa có câu trả lời. Tuy nhiên, xâu chuỗi sự kiện, rà soát mối quan hệ thì gia đình ông Khang và ông Thân là những người dân lương thiện, không gây thù gây oán với ai, cũng không cho ai vay mượn tiền.
Chỉ có việc gia đình ông Khang vẫn kiên quyết không chấp nhận khoản tiền bồi thường diện tích đất của gia đình bị thu hồi giao cho Công ty cổ phần Hoa Thành, còn gia đình ông Thân thì có ngôi nhà rộng rãi, là nơi người dân thôn Trâm Khê thường xuyên tụ họp để bàn bạc chuyện đấu tranh đòi quyền lợi đối với dự án của Công ty Hoa Thành. Chính vì vậy, người dân bày tỏ nghi ngờ thủ phạm đã nhằm vào 2 người tích cực nhất đang đấu tranh trong vụ thu hồi đất giao cho doanh nghiệp.
Dự án “siêu tốc”
Được biết, dự án thu hồi đất giao cho Công ty cổ phần Hoa Thành xây dựng Nhà máy Sản xuất giày xuất khẩu được triển khai từ cuối năm 2004. Phương án bồi thường được phê duyệt nhanh kỷ lục: Chỉ 6 ngày sau khi có quyết định của thành phố cho thuê đất (ngày 10.11.2004) đã có quyết định phê duyệt phương án bồi thường (ngày 16.11.2004) nên có nhiều thiếu sót.
Việc chi trả bồi thường cũng có nhiều sai sót, luộm thuộm. Theo phản ánh của người dân, nhiều trường hợp chủ đất đi vắng, không ủy quyền cho ai lĩnh tiền nhưng tiền bồi thường lại được gửi qua tay người nọ người kia.
Vụ việc kéo dài đã 8 năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm khiến người dân mất đất sản xuất, còn doanh nghiệp thì chưa thể tiến hành xây dựng nhà máy. Kéo theo đó, tình hình an ninh trật tự của làng quê ngày càng có chiều hướng phức tạp.
Điển hình như ông Hoàng Văn Hào đi vắng, 80% số tiền bồi thường gần 2 sào đất gửi cho bố ông Hào, 20% còn lại nói là gửi qua tay ông Đắc, nhưng ông Đắc không thừa nhận và đến nay vẫn không biết ai nhận. Ông Lương Văn Trinh đứng tên bìa đỏ nhưng không được nhận tiền mà người khác nhận, trong bìa đỏ bị trừ 70m2 đất nhưng thực tế bị thu hồi tới 760m2...
Thêm nữa, chỉ sau khi người dân Trâm Khê nhận tiền bồi thường vài ngày, bước sang năm 2005, quy định mới về bồi thường cho đất nông nghiệp bị thu hồi tại TP. Hải Phòng tăng gấp 3-4 lần, từ 8,5 triệu đồng lên 28,5 -35 triệu đồng/sào. Do đó, người dân Trâm Khê (kể cả các hộ đã nhận tiền và các hộ chưa nhận tiền) đồng loạt có đơn kiến nghị yêu cầu cơ quan chức năng tính toán lại, tăng mức bồi thường và kiến nghị về thủ tục kiểm kê đền bù chưa đúng quy định.
Vũ Thị Hải
Vui lòng nhập nội dung bình luận.