Miếu Bảo Hà (thôn Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng) từ lâu vốn nổi tiếng với pho tượng 700 tuổi có thể tự đứng lên ngồi xuống như người thật.
Bức tượng Đức Linh Lang Đại vương trong tư thế ngồi khoan thai.
Clip: Pho tượng tự đứng lên ngồi xuống ở Miếu Bảo Hà (thôn Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng)
Sáng ngày 16.1, PV Dân Việt có mặt tại miếu Bảo Hà. Tại đây PV chứng kiến tận mắt từ bức tượng cổ 700 tuổi đứng lên ngồi xuống.
Quang cảnh miếu Bảo Hà
Khi cánh cửa của ngôi miếu được mở ra thì cũng là lúc pho tượng ngồi trên ngai vàng, tay cầm văn tự bỗng nhẹ nhàng, khoan thai đứng dậy như người bình thường, rồi lại từ từ ngồi xuống như lúc ban đầu.
Cụ Phạm Trọng Yêm - Thủ từ của miếu Bảo Hà cho biết: “Pho tượng này có tên gọi là tượng Linh Lang Đại vương, có thể tự đứng lên và ngồi xuống như người bình thường. Tôi nghe các cụ nói lại bức tượng có từ thế kỷ 13, tuổi đời trên 700 tuổi. Điều đặc biệt đây là bức tượng duy nhất ở Việt Nam có thể tự đứng lên ngồi xuống”.
Bức tượng cổ này có chiều cao khoảng 1,7m như người thật, tay cầm văn tự ngồi trên ngai vàng.
Theo truyền thuyết, miếu Bảo Hà thờ Linh Lang Đại vương - con trai vua Lý Thánh Tông. Khi giặc Tống xâm lược nước ta, Hoàng tử Linh Lang đã chỉ huy quân sỹ chống giặc. Trong một đợt hành quân, ngài đã tới trang Linh Động (làng Bảo Hà ngày nay) dựng đồn binh, luyện tập binh sĩ, tuyển mộ quân.
Về sau này để tưởng nhớ công ơn của ngài, dân làng đã xây miếu thờ ngay trên nền đồn binh xưa.
Các triều đại phong kiến sau này như đời vua Cảnh Thịnh, Tự Đức, Duy Tân và Khải Định đều phong sắc cho ngài là Thượng Đẳng thần, còn dân làng Bảo Hà tôn ngài là thành hoàng và tạc tượng thờ.
Sở dĩ pho tượng Đức Linh Lang Đại vương có thể tự đứng dậy, ngồi xuống, theo giải thích của vị Thủ từ, là bởi các nghệ nhân tạc ra bức tượng này đã khéo léo kết hợp giữa nghệ thuật tạc tượng và nghệ thuật múa rối cạn.
Cụ Phạm Trọng Yêm - Thủ từ của miếu Bảo Hà cho biết: “Bí mật của sự chuyển động của bức tượng Đức Linh Lang Đại vương nằm ở cánh cửa của điện thờ nơi có bức tượng. Các nghệ nhân tạc tượng đã kết hợp giữa nghệ thuật tạc tượng và nghệ thuật múa rối cạn, làm ra hệ thống truyền lực kéo đẩy nối giữa cánh cửa với các khớp của pho tượng. Vì vậy, khi mở, cánh cửa sẽ truyền lực lên pho tượng. Bức tượng dần đứng lên và ngược lại, khi cửa khép lại thì bức tượng lại trở về tư thế ngồi ban đầu”.
Cụ Yêm còn cho biết, để mở đóng cánh cửa cho bức tượng đứng lên ngồi xuống không phải ai cũng làm được, chỉ có người quản lý miếu mới có thể làm thuần thục.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.