Hải Phòng: Tổ chức phiên Chợ quê thời Mạc, tái hiện không gian tâm linh độc đáo

Trần Phượng Thứ bảy, ngày 15/07/2023 08:19 AM (GMT+7)
Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy, Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng, Ban quản lý Di tích Từ đường họ Mạc Cổ Trai, xã Ngũ Đoan phối hợp cùng Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng vừa tổ chức họp báo giới thiệu sự kiện Chợ quê thời Mạc lần thứ I năm 2023.
Bình luận 0

Chợ quê thời Mạc lần thứ I năm 2023 sẽ diễn ra trong 3 ngày 29, 30 và 31/7/2023 tại khuôn viên Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Từ đường họ Mạc, thôn Đại Thắng, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng.

Tại buổi họp báo, ông Hoàng Văn Kể - Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng cho biết, được sự đồng ý của UBND thành phố, trên tinh thần kế thừa, gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của một triều đại phát tích tại Hải Phòng, Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng, Ban Quản lý Di tích Từ đường họ Mạc Cổ Trai xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thuỵ, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng phối hợp tổ chức Chợ quê thời Mạc lần thứ I năm 2023.

Hải Phòng: Tổ chức phiên Chợ quê thời Mạc, tái hiện không gian tâm linh độc đáo - Ảnh 1.

Ông Hoàng Văn Kể - Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng phát biểu tại buổi họp báo về kế hoạch tổ chức Chợ quê thời Mạc. Ảnh: Trần Phượng.

Việc phục dựng và tổ chức Chợ quê thời Mạc là hoạt động nhằm bảo tồn, lưu giữ, phát huy nét đẹp, bản sắc và truyền thống văn hóa tốt đẹp của miền quê vùng châu thổ sông Hồng nói chung, vùng cố đô Dương Kinh xưa nói riêng, gắn với thời kỳ thịnh trị của nhà Mạc, công đức và những đóng góp to lớn của Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội đương thời còn nguyên giá trị tới ngày nay. 

Việc tổ chức các hoạt động Chợ quê thời Mạc ngay trong khuôn viên di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Từ đường họ Mạc không chỉ quảng bá, giới thiệu được những giá trị quý giá về lịch sử, văn hóa, tâm linh của di tích mà còn quảng bá, giới thiệu được các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống được khởi nghề từ thời Mạc, các sản vật tiêu dùng, các sản phẩm OCOP nổi tiếng được làm ra ở các địa phương tới người dân và du khách. Qua đó, thúc đẩy giao thương, mua bán, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, dịch vụ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế xã hội các địa phương.

Sự kiện được tổ chức vào dịp Lễ Tưởng niệm ngày mất của Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (được xem là Đại lễ cúng giỗ Thánh Mẫu Mạc Triều) sẽ là hoạt động có nhiều ý nghĩa không chỉ thu hút con cháu họ Mạc, gốc Mạc về dự mà còn thu hút đông đảo du khách thập phương và nhân dân cả trong và ngoài thành phố về dự, từng bước hình thành một điểm nhấn trong tua, tuyến du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh của thành phố.

Hải Phòng: Tổ chức phiên Chợ quê thời Mạc, tái hiện không gian tâm linh độc đáo - Ảnh 2.

Đại diện cơ quan Báo chí có những câu hỏi đóng góp cho sự kiện tổ chức Chợ quê thời Mạc sắp tứio . Ảnh: Trần Phượng.

Theo các nguồn sử liệu và văn bia còn lưu giữ, ở thế kỷ thứ XVI, Mạc triều được ghi nhận là một triều đại tuy chỉ có 65 năm đóng đô tại Thăng Long (1527 - 1592) nhưng đã thực thi nhiều chính sách cởi mở, cách tân, tiến bộ như trọng nông, khuyến công nhưng không ức thương, cải cách hạn điền, khai khẩn đất đai, đắp đê đào sông bảo vệ mùa màng. Bởi vậy mà nhiều năm sản xuất phát triển, được mùa liên tiếp, đời sống no đủ. Khi những sản vật làm ra dư thừa, cũng là lúc nhu cầu trao đổi, mua bán tăng cao.

Thời Mạc, các chợ ven đô và chợ làng ngày càng phát triển, mở rộng và hoạt động khá nhộn nhịp. Thời điểm này cũng hình thành một số cảng thị như những trung tâm buôn bán, giao thương trong và ngoài nước.

Các chợ làng, chợ quê, cảng thị được hình thành, phát triển và hoạt động khá nhộn nhịp trong thời kỳ phong kiến và Pháp thuộc không chỉ có vai trò lịch sử nhất định trong việc trao đổi, mua bán hàng hóa, kết nối cung - cầu giữa người sản xuất và người tiêu dùng mà còn là đặc trưng, nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa, cuộc sống người dân làng quê yên ả, thanh bình, thuần khiết rất cần được lưu giữ, bảo tồn, phục dựng trong thời kỳ công nghiệp hóa, đô thị hóa, thay đổi mạnh mẽ hôm nay như những đối chứng văn hóa, lịch sử quý giá.

Trong 3 ngày, từ 29 – 31/7/2023, có hơn 30 gian hàng trưng bày, giới thiệu, bán phục vụ đa dạng đối tượng gồm những sản vật nông nghiệp chất lượng, có thương hiệu, được đầu tư công phu, tỉ mỉ và tâm huyết từ các địa phương và do con cháu họ Mạc và gốc Mạc ở các địa phương trong cả nước gửi đến tham gia.

Hải Phòng: Tổ chức phiên Chợ quê thời Mạc, tái hiện không gian tâm linh độc đáo - Ảnh 3.

Ông Hoàng Văn Kể - Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng trực tiếp giải đáp các câi hỏi của 1 số đại diện cơ quan Báo chí tại buổi họp báo về kế hoạch tổ chức Chợ quê thời Mạc. Ảnh: Trần Phượng.

Bên cạnh đó, những hoạt động văn hóa thể thao truyền thống tại khuôn viên Từ đường họ Mạc Cổ Trai sẽ là ngày hội không thể bỏ qua với các du khách muốn trải nghiệm không gian diễn xướng thiêng liêng thấm đẫm hồn quê Việt, đưa du khách về với những nét văn hóa nghệ thuật truyền thống của cha ông ta, từ chèo, xẩm, ca trù đến hát văn, ả đào, múa rối…

Điểm nhấn của sự kiện Chợ quê thời Mạc lần thứ I năm 2023 là chương trình nghệ thuật đặc sắc vào 20h30 ngày 29/7/2023, được truyền hình trực tiếp trên các kênh sóng THP, tiếp sóng trên một số Đài Phát thanh và Truyền hình địa phương, với hoạt cảnh chèo "Thái hậu Mạc triều mở chợ" do Đoàn Chèo Hải Phòng dày công xây dựng, hứa hẹn sẽ là chương trình hấp dẫn mở màn cho chuỗi ngày lễ hội, dự kiến thu hút hàng ngàn du khách về với mảnh đất Kiến Thụy, Hải Phòng.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem