Theo Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc, hải quân và không quân nước này sẽ được phép “sử dụng vũ lực” bên ngoài “biên giới biển” và thể hiện vai trò tích cực hơn trên không nhằm bảo vệ các tài sản trên biển.
Theo đó, ngoài thực hiện nhiệm vụ “phòng thủ ven biển” truyền thống, giờ đây hải quân Trung Quốc sẽ được thực hiện chức năng “bảo vệ biển lớn” nằm ngoài biên giới biển của nước này.
Hải quân Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật trên Biển Đông
Quốc vụ viện Trung Quốc (tương đương Chính phủ), cơ quan ban hành sách trắng quốc phòng, cho rằng nước này phải có sự thay đổi lớn về chính sách “phòng thủ-tấn công” như vậy để đối phó với “những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng và phức tạp”.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng động thái này của Bắc Kinh có thể làm gia tăng nguy cơ nổ ra đụng độ, xung đột tại Biển Đông, biển Hoa Đông và Thái Bình Dương, nơi hải quân Mỹ đang quyết tâm bảo vệ lợi ích của các đồng minh như Nhật Bản và Philippines.
Hồi tuần trước, một chiếc máy bay trinh sát P-8 của Mỹ đã bị hải quân Trung Quốc 8 lần phát tín hiệu cảnh báo khi bay tới gần một hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc đang xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Cách đây không lâu, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cũng tuyên bố rằng chiến tranh Mỹ-Trung là “không thể tránh khỏi” nếu Mỹ tiếp tục đòi Trung Quốc ngừng các hoạt động xây đảo phi pháp.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân thì lại so sánh hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc với những “dự án làm cầu, xây nhà bình thường khác”, đồng thời cho rằng Mỹ đang tìm cách “kích động căng thẳng và bôi nhọ quân đội Trung Quốc”.
Trung Quốc đang ráo riết xây đảo nhân tạo trái phép ở Trường Sa
Ông Robert Dujarric, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á Đương đại thuộc Đại học Temple Nhật Bản thì cho rằng nhiều người đang lo ngại về nguy cơ Trung Quốc đánh giá sai tình hình. Ông nói: “Không bên nào muốn chiến tranh nếu có thể tránh được, nhưng cả hai bên đều có ranh giới đỏ của mình. Tôi lo rằng Trung Quốc sẽ nghĩ Mỹ là một cường quốc đang suy yếu và sẽ phải xuống nước nếu máy bay trinh sát của họ bị Trung Quốc bắn hạ”.
Điều này đã được thể hiện trong vụ EP-3 năm 2001, khi Mỹ chọn cách “xuống thang” để hạ nhiệt căng thẳng với Trung Quốc sau khi máy bay do thám EP-3 của họ va chạm với chiến đấu cơ Trung Quốc trên vùng biển ngoài khơi đảo Hải Nam.
Nhưng ông Dujarric cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay Mỹ sẽ có cách phản ứng khác nếu xảy ra sự cố tương tự trên vùng trời Biển Đông, nơi mà Mỹ luôn tuyên bố là không phận quốc tế. Đó chính là lý do khiến nguy cơ nổ ra đụng độ, xung đột ngày càng cao, đặc biệt là khi không quân, hải quân Trung Quốc được trao quyền “tấn công”.
Trí Dũng (Theo NationalPost)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.