Hai vị hiệu trưởng được minh oan nhờ thanh tra tài chính

Thứ bảy, ngày 07/09/2013 13:53 PM (GMT+7)
Đang tại chức với cương vị là hiệu trưởng của những ngôi trường THCS tại Trà Vinh, bỗng một ngày, hai vị hiệu trưởng nhận được quyết định kỷ luật của Phòng Giáo dục và đào tạo.
Bình luận 0
Nguyên nhân là do cả hai không đứng lớp nhưng vẫn hưởng phụ cấp ưu đãi trong một thời gian dài.

Một thời gian sau, khi Sở Tài chính của tỉnh nhà đến trường thanh tra thì phát hiện hai vị hiệu trưởng bị kỷ luật oan. Nỗi oan tuy đã được giải nhưng nỗi đau của hai vị lãnh đạo thì vẫn còn đó.

Nỗi oan của hai vị hiệu trưởng

Ông Mai Văn Bi (52 tuổi), đảm nhận chức hiệu trưởng Trường THCS Đa Lộc (xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) từ năm 2007. Trước đó, ông Bi đã từng công tác trong ngành giáo dục gần 30 năm. Nhờ công tác tốt nên ông được lãnh đạo đề bạt lên làm hiệu trưởng. Trong thời gian tại vị, dù không phải là một hiệu trưởng xuất sắc nhưng ông chưa một lần vi phạm những quy định trong ngành giáo dục, luôn hoàn thành tốt vai trò và nhiệm vụ của mình.

Dù ông Bi đã được Chủ tịch huyện Châu Thành là ông Lê Thanh Bình gửi lời xin lỗi chân thành và bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện, cũng thừa nhận kết luận thanh tra của phòng bị nhầm nhưng đến nay, ngoài chuyện được hoàn trả lại số tiền đã nộp, ông Bi chưa được phục hồi các quyền lợi đảng viên.

Chúng tôi mong rằng, lãnh đạo huyện Châu Thành cũng như lãnh đạo phòng giáo dục huyện nhanh chóng hoàn tất các thủ tục phục hồi Đảng cho ông Bi. Đấy mới chính là lời xin lỗi chân thành nhất dành cho ông.

Vào cuối năm 2011, tập thể giáo viên của trường gửi đơn nặc danh, tố cáo hiệu trưởng Bi lên Phòng Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) huyện Châu Thành với nhiều sai phạm… không có. Sau khi đơn tố cáo đến lãnh đạo ngành, Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành đã thành lập đoàn thanh tra về Trường THCS Đa Lộc để làm rõ những vấn đề mà đơn tố cáo được gửi lên. Qua 3 ngày thanh tra từ ngày 23 - 25.11.2011, đoàn thanh tra giáo dục huyện đã phát hiện ra sai phạm của ông Bi.

Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, ông Bi trông già hơn với cái tuổi 52 vì những oan sai mà mình đã phải hứng chịu. Hồi tưởng về những năm tháng hoạt động hăng say trong sự nghiệp giáo dục, người thầy ấy không khỏi xót xa chạnh lòng. Ở độ tuổi của ông đang ở đỉnh cao sự nghiệp, những khát khao cống hiến có thể không còn mãnh liệt như thời trai trẻ nhưng tâm huyết với nghề thì vẫn còn hăng say lắm.

Vị hiệu trưởng gạt nước mắt kể lại, sau ba tuần kể từ ngày phòng về thanh tra trường, ông nhận được giấy thông báo kết quả thanh tra. “Nội dung của kết luận thanh tra cho rằng tôi không đứng lớp trong 22 tháng nhưng vẫn hưởng phụ cấp ưu đãi và thu với số tiền là 112.495.040 đồng. Việc làm này của tôi là sai với thông tư 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21.10.2009 của Bộ GD-ĐT ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông”.
Ông Mai Văn Bi với đống hồ sơ vụ việc
Ông Mai Văn Bi với đống hồ sơ vụ việc
Nhận được kết quả thanh tra, vị hiệu trưởng bần thần không tin vào mắt mình. Với lỗi vi phạm này, ông Bi tin chắc sự nghiệp giáo dục của mình sẽ phải dừng lại, thậm chí là chấm dứt. “Xã Đa Lộc là xã nghèo, việc tôi được hưởng phụ cấp mà không cần đứng lớp là đúng, không hề vi phạm pháp luật hay quy định của ngành giáo dục”, ông Bi bức xúc nói. Mặc dù quy định là thế, nhưng khi nhận được kết luận của thanh tra, ông Bi nghĩ trước mắt phải làm theo quy định và tin tưởng bản thân mình trong sạch.

Theo đó, trách nhiệm của ông Bi là phải hoàn trả lại số tiền mà ông đã hưởng sai quy định của pháp luật để nộp ngân sách nhà nước. Khi ấy, ông đang lâm vào hoàn cảnh rối như tơ vò, nhưng nếu không nộp lại số tiền trên thì diễn biến sự việc có thể tồi tệ hơn thế. Để có được số tiền nộp phạt với một nhà giáo nghèo như ông Bi là một việc không hề dễ dàng, ông đành phải bán đi mảnh đất của gia đình lấy tiền nộp ngân sách nhà nước. Sau đó, ông bắt đầu hành trình khiếu nại, đòi lẽ công bằng cho mình.

Cũng vào khoảng thời gian đó, tại Trường THCS Phong Phú B, huyện Cầu Kè, hiệu trưởng trường là ông Mai Văn Năm cho biết, năm học 2010-2011, qua đơn thư tố cáo, ông Năm cũng bị phòng giáo dục huyện thanh tra để làm rõ sai phạm. Kết luận của thanh tra cũng như trường hợp của ông Bi, ông Năm buộc phải có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền 33 triệu đồng vì không đứng lớp nhưng vẫn nhận phụ cấp. Trong khi đó, xã Phong Phú B cũng là một xã nghèo và việc ông Năm nhận phụ cấp là chuyện hợp lý đúng theo quy định của pháp luật.

Dù ông Bi đã được Chủ tịch huyện Châu Thành là ông Lê Thanh Bình gửi lời xin lỗi chân thành và bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện, cũng thừa nhận kết luận thanh tra của phòng bị nhầm nhưng đến nay, ngoài chuyện được hoàn trả lại số tiền đã nộp, ông Bi chưa được phục hồi các quyền lợi đảng viên. Chúng tôi mong rằng, lãnh đạo huyện Châu Thành cũng như lãnh đạo phòng giáo dục huyện nhanh chóng hoàn tất các thủ tục phục hồi Đảng cho ông Bi. Đấy mới chính là lời xin lỗi chân thành nhất dành cho ông.

Vụ việc của hai vị hiệu trưởng không chỉ dừng lại ở việc nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nhận mà họ còn bị cảnh cáo, khai trừ ra khỏi Đảng. Ông Bi cho biết cuối năm 2011 UBND huyện Châu Thành ra quyết định kỷ luật ông bằng hình thức cách chức hiệu trưởng Trường THCS Đa Lộc. Quyết định ghi rõ nguyên nhân kỷ luật: “Hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi và thu hút sai quy định, chi sai quy tắc tài chính của đơn vị. Bản thân là người đứng đầu đơn vị mà có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra hậu quả nghiêm trọng”.

Sự việc chưa dừng lại ở đó, khi ông Bi nhận được quyết định kỷ luật của huyện chưa được bao lâu thì Ủy ban Kiểm tra của huyện Châu Thành đã ra quyết định khác thay đổi hình thức kỷ luật ông thành bị khai trừ ra khỏi hàng ngũ của Đảng. Ông Năm, hiệu trưởng Trường THCS Phong Phú B may mắn hơn khi chỉ bị cảnh cáo về mặt Đảng. Hai vị hiệu trưởng với mấy chục năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người bỗng một ngày tai họa ập xuống khiến họ suy sụp nhanh chóng. Ông Bi buồn rầu đưa cho chúng tôi xem bằng khen “Đảng viên xuất sắc 3 năm liền” mà không cầm được nước mắt. Chúng tôi nhận ra trong ánh mắt bi thương ấy là cả một ước ao tột độ, ước ao được giải oan.

Tình cờ được giải oan

Ông Bi cho biết, trong thời gian ông khiếu nại đòi lại công bằng cho mình, ông đã phải chịu nhiều điều tiếng không hay về mình. Bản thân là người thầy giáo, nay ông lại vướng vào vụ kỷ luật này khiến ông cùng gia đình không dám ngước mặt nhìn ai. Bản thân ông, và những người thân trong gia đình phải chịu nhiều tiếng xấu của miệng đời. Nhưng trời cao không phụ lòng người tốt.
Ông Mai Văn Bi bên giấy khen đảng viên xuất sắc của mình
Ông Mai Văn Bi bên giấy khen đảng viên xuất sắc của mình
Cuối năm 2012, sau một năm vụ kỷ luật hiệu trưởng Bi tưởng chừng đã lắng xuống và nỗi oan của ông những tưởng phải chấp nhận đến hết đời thì cơ hội giải oan tình cờ đã đến. Nhân dịp cuối năm, Sở Tài chính tỉnh Trà Vinh tổ chức thanh tra ngẫu nhiên ở một số đơn vị, may mắn thay trong đó có Trường THCS Đa Lộc, nơi ông Bi làm hiệu trưởng. Qua đó, đoàn thanh tra đã phát hiện, việc ông Bi nộp lại số tiền hơn 100 triệu đồng tiền phụ cấp thu hút và ưu đãi là sai nguyên tắc. Theo nghị định 61, ông Bi và những hiệu trưởng trường khác ở các xã nghèo đều có quyền được hưởng chế độ phụ cấp thu hút và ưu đãi hợp lý mà không cần phải đứng lớp.

Sau khi Sở Tài chính trao đổi với Sở Giáo dục tỉnh Trà Vinh và được sự chấp thuận của Bộ Tài chính, ông Bi được các cấp thẩm quyền có liên quan trả lại hơn 100 triệu đồng đã nộp ngân sách. Ông Phan Văn Trình, Phó giám đốc Sở Tài chính, cho biết: “Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành đã áp dụng thông tư 28 về quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông để điều chỉnh nghị định 61 khi yêu cầu các hiệu trưởng ở xã nghèo phải đứng lớp đủ số tiết mới được hưởng phụ cấp là sai với quy định”.

Như vậy, việc ông Bi và ông Năm nhận số tiền trên là hoàn toàn đúng pháp luật và những quy định của Bộ Tài chính. Nỗi oan của hai vị hiệu trưởng tuy đã được giải nhưng những mất mát của tháng ngày chịu oan ức thì khó có thể bù đắp lại được. “Dù sao thì mọi chuyện cũng đã xảy ra và bản thân tôi cũng tìm được công bằng cho mình. Mong rằng ngành giáo dục của tỉnh và các ban ngành có liên quan nhanh chóng phổ biến, thống nhất những quy định để không còn trường hợp đáng tiếc phải xảy ra như với tôi”, vị hiệu trưởng Trường THCS Đa Lộc tâm sự.
Bạch Lang (Dòng Đời) (Bạch Lang (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem