Quyết bám đất cha ông...
Ông Lê Hữu Tâm (SN 1963), ngụ ấp Lô 2, xã Hưng Yên, huyện An Biên, làm 35 công lúa đông xuân 2015-2016. Toàn bộ ruộng lúa của ông bị thiệt hại hoàn toàn do hạn, mặn. Lúa bị xèo, lép hạt. Gia đình ông cứ để lúa chết khô ngoài đồng cả tháng nay “vì tiền thuê máy cắt sẽ lỗ vì lúa thu được chẳng bao nhiêu”.
Trong vụ hè thu trước đó, tuy bị mất mùa nhưng ông Tâm vẫn còn thu hoạch được vài giạ một công, còn vụ này mất trắng. Ông nghẹn giọng: “Hiện gia đình tôi còn nợ tiền giống, vật tư nông nghiệp hơn 50 triệu đồng. Tôi cố cứu lấy đám lúa khỏi chết khô nhưng không được…”
Ông Lê Hữu Tâm (ấp Lô 2, xã Hưng Yên, An Biên) mất trắng 35 công lúa vì nước nhiễm mặn. Ảnh:B.C.
Ông cho biết, để có tiền trả nợ, ông sẽ bán 40 con heo đang nuôi sắp đến ngày xuất chuồng, một phần tiền để chuẩn bị giống, vật tư cho vụ hè thu sắp tới. “Cỡ nào cũng không bỏ đất trống” - ông Tâm khẳng định.
Hầu hết đất làm lúa ở khu vực bờ Đông huyện An Biên như của ông Tâm chủ yếu là sản xuất 2 vụ hè thu và đông xuân với tổng diện tích hơn 12.200ha; bờ Tây sản xuất 1 vụ lúa, 1 vụ tôm với tổng diện tích hơn 16.500ha. Trong đợt hạn, mặn này, trên 12.200ha lúa mùa và lúa đông xuân của hơn 6.600 hộ dân bị thiệt hại, trong đó nhiều nhất là 2 xã Đông Thái, Đông Yên.
Theo thống kê sơ bộ của Sở NNPTNT Kiên Giang, nông dân 4 huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận sản xuất lúa mùa và lúa đông xuân 2015-2016 bị thiệt hại do hạn, mặn với tổng diện tích hơn 34.000ha. Hơn 18.100 hộ dân có lúa bị chết hoặc bị ảnh hưởng.
|
Còn huyện Vĩnh Thuận, thiệt hại do hạn, mặn chủ yếu là lúa mùa trên nền đất nuôi tôm với tổng diện tích thiệt hại hoàn toàn hơn 8.300ha của hơn 4.300 hộ dân. Sau khi bị thiệt hại, nông dân trong huyện không bỏ hoang đất trống mà khẩn trương bơm nước vào đồng ruộng để nuôi tôm.
Ông Trương Văn Tạo, ngụ ấp Vĩnh Tây 1, xã Vĩnh Phong (Vĩnh Thuận) cho biết, gia đình ông vừa qua mất trắng 16 công đất lúa mùa với chi phí bỏ ra hơn 20 triệu đồng.
“Mình là nông dân thì cỡ nào cũng phải bám đất cha ông để sản xuất. Tôi vừa thả tôm. Chỉ cần đầu tư đúng cách, đúng kỹ thuật thì vụ tôm này trúng sẽ không lo nợ nần nữa” - ông Tạo nói. Để có tiền mua tôm giống và vật tư, ông phải mua nợ của cửa hàng hơn 4 triệu đồng.
Mong ngóng được hỗ trợ
Không trực tiếp sản xuất, bà Mai Thị Nguyên (SN 1963, ngụ ấp Lô 3, xã Hưng Yên, An Biên) cho thuê 100 công đất để hàng xóm làm lúa đông xuân. Mỗi công bà thu về 15 giạ lúa khô/năm. Tính ra, mỗi năm bà bỏ túi 1.500 giạ lúa. Nhưng, hạn mặn vừa rồi, những người thuê đất của bà đều mất trắng. Họ chẳng trả bà giạ nào mà hầu hết đều thiếu nợ.
Bà Nguyên nói: “Có người nợ giống, vật tư nông nghiệp hơn 70 triệu đồng, giờ thì mất trắng, làm sao mình đành lòng đòi họ trả thêm lúa thuê đất cho được. Mình khó 1, họ khó 10. Mình đòi thì họ cũng nợ mình thôi nhưng ai lại làm vậy”.
Tất cả người thuê đều trả lại đất cho bà vì không đủ khả năng tái sản xuất. Bà cho biết, hiện ai thuê đất thì bà cho thuê, phần còn lại không ai thuê thì gia đình bà sẽ cày ải, phơi khô, đợi mưa xuống sẽ gieo vụ hè thu chứ nhất định không bỏ hoang đất.
Hiện 4 huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận đang khẩn trương rà soát, hoàn thiện danh sách nông dân bị thiệt hại, diện tích và mức độ thiệt hại lúa mùa và đông xuân vừa qua. Theo đó, các huyện đều công khai danh sách trên trước dân, thông qua và họp lấy ý kiến người dân.
Tỉnh Kiên Giang đang đề xuất định mức hỗ trợ lúa bị thiệt hại với nhiều mức khác nhau. Trà lúa trên 45 ngày bị thiệt hại trên 70% được hỗ trợ 5 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30-70% hỗ trợ 3,5 triệu đồng/ha. Trà lúa dưới 45 ngày thiệt hại trên 70% được hỗ trợ 2,5 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30-70% hỗ trợ 1,75 triệu đồng/ha. Đối với vụ mùa và đông xuân 2015-2016, diện tích trà lúa trên 45 ngày bị thiệt hại nhiều, hơn 30.100ha. Để kịp thời hỗ trợ người dân, số tiền tính toán ban đầu mà UBND tỉnh Kiên Giang tạm ứng kinh phí để hỗ trợ thiệt hại cho dân hơn 150 tỷ đồng.
Ông Phạm Vũ Hồng - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, huyện nào làm xong sẽ hỗ trợ ngay cho nông dân huyện đó chứ không chờ tất cả các huyện hoàn thành xong mới hỗ trợ một lượt, như vậy sẽ dẫn đến chậm hỗ trợ cho người dân, trong khi nông dân đang cần vốn để sản xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.