Ông Daniel Pinkston, nhà phân tích cao cấp của nhóm Khủng hoảng Quốc tế ở khu vực Đông Bắc Á nhận định, có nhiều dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang chuẩn bị một cuộc thử nghiệm hạt nhân, bất chấp những chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
Tình báo Hàn Quốc cũng cho hay, CHDCND Triều Tiên đang có những dấu hiệu gia tăng hoạt động tại điểm thử hạt nhân ở vùng Đông Bắc, dường như đang tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba vào bất kỳ lúc nào.
|
Hình ảnh vụ phóng tên lửa đẩy KSLV của Hàn Quốc ngày 30.1 Ảnh EPA |
Nguồn tin tình báo Hàn Quốc cho biết, đã có sự gia tăng hoạt động của công nhân và xe tải gần lối vào đường hầm tại điểm thử hạt nhân Punggye-ri. Có vẻ như các hoạt động này nhằm chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân có thể diễn ra ở bất cứ thời điểm nào. Được biết, các con đường dẫn đến điểm thử cũng đã bị bịt kín, chỉ có giới quân sự mới được ra vào.
Trước đó, các quan chức Seoul cho biết Bình Nhưỡng đã sửa chữa hư hại do mưa lớn gây ra tại điểm thử hạt nhân, vốn có ba lối vào đường hầm và các công trình hỗ trợ đa năng.
Sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua lệnh trừng phạt bổ sung nhằm vào CHDCND Triều Tiên khi nước này tiến hành phóng tên lửa ngày 12.12.2012, Bình Nhưỡng đã nhiều lần lên tiếng dọa tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba. Mới nhất, tại Hội nghị Bí thư đảng bộ cơ sở lần thứ tư của Đảng Lao động Triều Tiên kết thúc ngày 29.1, ông Kim Ki-nam, Bí thư đảng phụ trách tuyên truyền Triều Tiên, đã kêu gọi toàn thể người dân tham gia "một cuộc đối đầu tổng lực" để đáp trả các mối đe dọa ngày càng tăng từ phía Hàn Quốc và Mỹ.
Giới chuyên gia dự đoán, tình hình trên bán đảo Triều Tiên sẽ lại nổi sóng, sau những đe dọa và đặc biệt sau sự kiện Hàn Quốc ngày 30.1 phóng tên lửa đẩy mang theo vệ tinh. Hãng tin Yonhap cho biết, tên lửa KSLV-I, có tầng thứ nhất do Nga chế tạo và tầng thứ hai do Hàn Quốc chế tạo, đã đưa thành công một vệ tinh vào quĩ đạo ngày 30.1
Những hình ảnh truyền hình trực tiếp cho thấy, tên lửa nặng 140 tấn đã rời bệ phóng sau khi những tiếng nổ tách rời vang lên. Vụ phóng tên lửa mang theo vệ tinh đã diễn ra tại Trung tâm Vũ trụ Naro ở bờ biển phía Nam Hàn Quốc. Tên lửa đẩy được thiết kế nhằm đạt được quỹ đạo mục tiêu trong 9 phút sau khi được phóng. Trước đó hồi năm 2009 và năm 2010, Hàn Quốc cũng đã tiến hành phóng tên lửa đẩy KSLV-I mang theo vệ tinh, tuy nhiên cả hai lần đều thất bại.
Giới chức Hàn Quốc đang theo dõi sát sao diễn biến đường đi của vệ tinh. Vụ phóng này được coi là có ý nghĩa cực kỳ quan trong với tương lai của chương trình không gian Hàn Quốc.
Quang Minh (tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.