Ai biết người nấy mua
Tại Hà Nội, ở nhiều vùng nông thôn, người dân vẫn còn rất lạ lẫm với các điểm bình ổn giá. Chị Nguyễn Thị Yến (thôn Suối Ngọc, xã Tiến Xuân, huyện Lương Sơn) cho biết: “Hồi giữa năm tôi có nghe nói đến quầy bán hàng bình ổn giá được tổ chức gần khu vực chợ tại trung tâm thị trấn. Tuy nhiên, nghe nói hàng hóa không có gì nhiều, chủ yếu là sản phẩm nước mắm, gia vị…Hàng ngày, chúng tôi vẫn mua hàng hóa ở chợ thị trấn”.
|
Không có hàng bình ổn, người dân Lào Cai phải mua hàng ở các khu chợ lẻ. |
Ông Phạm Văn Tình - Bí thư Đảng ủy xã Tiến Xuân, huyện Lương Sơn chia sẻ: Chúng tôi đang triển khai đợt bán hàng bình ổn giá theo chỉ đạo của huyện. Theo dự kiến trong đợt này sẽ mở 2 địa điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn toàn xã. Thế nhưng, đó mới chỉ là trên kế hoạch. Hiện tại do chưa có nguồn hàng cung ứng về địa phương nên gần như công tác bình ổn giá chưa được triển khai, giá cả vẫn đang do thị trường điều tiết.
Tại TP.Đà Nẵng, theo tìm hiểu của chúng tôi, thành phố cũng đã triển khai 6 điểm bán gạo bình ổn giá nhưng đều nằm ở các quận trung tâm. Ở những vị trí trên thì giới thu nhập cao dễ tiếp cận hơn giới bình dân - những người cần hàng bình ổn giá. Việc bán hàng lại không được thông báo bằng băng- rôn, bảng hiệu, nên ai biết người nấy mua.
Tại huyện Hòa Vang, nơi mấy tháng qua hầu hết các mặt hàng đều tăng giá, đặc biệt là mặt hàng gạo, rau, thịt lợn, thịt bò, cá... nhưng hầu như không có điểm bình ổn giá nào. Điều đáng nói là huyện này tập trung phần lớn nông dân, công nhân, lao động phổ thông, sinh viên nghèo với mức thu nhập thấp…
Hỏi chuyện chị Lê Thị Minh - công nhân Khu công nghiệp Hoà Khánh về "bình ổn giá", trong đó có mặt hàng gạo được bán thấp hơn với giá thị trường 10%, chị lắc đầu cho hay: "Tôi không hề nghe nói. Chúng tôi đi mua gạo mỗi ngày (vì không đủ tiền mua nhiều một lúc), chỉ thấy giá gạo nhích dần thêm chứ có thấy "bình ổn" chút nào đâu?".
Ở các tỉnh ĐBSCL tình trạng cũng diễn ra tương tự: Hàng bình ổn chủ yếu tập trung ở siêu thị, chợ lớn của tỉnh, trong khi các chuyến hàng bình ổn về nông thôn rất hiếm.
Ông Lê Thành Chiến ở khóm Tân Hiệp, phường Tân Quy Đông, thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp) cho biết: "Hầu hết các mặt hàng sử dụng hàng ngày trong gia đình như: Gạo, muối, đường, dầu ăn… đều phải mua ở tiệm tạp hóa hoặc chợ gần nhà với giá rất cao. Tôi không biết hàng bình ổn giá nằm ở điểm nào”.
Sẽ chú ý hơn đến nông thôn
Chiều ngày 11-11, trao đổi với NTNN, ông Lê Viết Tươi- Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, thừa nhận việc không thông báo rộng rãi các điểm bình ổn giá gạo. Bên cạnh đó, tại quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang, nơi đa phần là nông dân, công nhân nghèo, lại không được tổ chức điểm bình ổn nào. “Việc triển khai các điểm bán bình ổn giá gạo, UBND thành phố giao Công ty CP Lương thực Đà Nẵng thực hiện nên đã có nhiều sơ suất. Hơn nữa, việc triển khai cũng chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành liên quan”- ông Tươi nói.
Theo ông Tươi, từ ngày 1-12 tới, ngành Công Thương Đà Nẵng sẽ chính thức có nhiều biện pháp bình ổn giá, bảo đảm không để tình trạng giá cả tăng đột biến, gây khó khăn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, sẽ chú trọng hơn đến đối tượng nông dân, lao động nghèo trên thành phố. Cụ thể, trong khoảng thời gian đó, Sở sẽ tổ chức các hội chợ, phiên chợ hàng Việt, tổ chức Tháng khuyến mãi tại các chợ trên địa bàn, phối hợp với các siêu thị.
Trao đổi với NTNN, ông Vũ Quang Tuấn - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình, địa phương cũng đang trong tình trạng hàng bình ổn khó đến tay nông dân, cho biết: “Thực sự chương trình bình ổn giá ở Thái Bình không thể triển khai như ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Chúng tôi không có nguồn vốn tự túc nên không thể hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn để đưa hàng về nông thôn. Hàng hóa không có lấy gì bán cho nông dân. 9 mặt hàng nằm trong danh mục bình ổn của Chính phủ, người nông dân Thái Bình chỉ được nghe, nhưng không thể mua.
Cũng theo lý giải của ông Vũ Quang Tuấn, riêng Thái Bình có đặc thù, phần lớn người dân là nông dân chấn lấm tay bùn, tỷ lệ cán bộ công nhân viên chức rất ít, nên người dân không có tiền để mua các loại hàng đắt, như đồ hộp. Thiệt nhất vẫn là người nông dân, nỗ lực sản xuất cung ứng nông sản phục vụ bình ổn nhưng lại không biết hàng bình ổn giá cả thế nào.
Lấy kinh nghiệm từ việc bình ổn giá thành công ở địa phương mình, ông Đoàn Quốc Việt- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang cho biết: "Với các gia đình khá giả, gia đình ở thành phố, việc giá cả tăng có ảnh hưởng, nhưng ảnh hưởng không lớn như các hộ nghèo, nông dân ở vùng nông thôn. Do đó, nông thôn là điểm được chúng tôi chọn tập trung bình ổn giá”.
Cũng theo ông, từ tháng 9 và tháng 10 vừa qua, Sở Công Thương đã phối hợp với nhiều doanh nghiệp tổ chức 14 chuyến bán hàng Việt về nông thôn ở một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn với giá bán hợp lý. Các chuyến hàng này đã góp phần bình ổn giá trên địa bàn, mặt khác cũng giúp doanh nghiệp khai thác thị trường đang rất tiềm năng...
Ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng: Việc triển khai bình ổn giá nhiều địa phương không thể thực hiện được do nguồn vốn ít. Tuy nhiên, ở những địa phương có vốn, như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội yêu cầu đầu tiên của chương trình bình ổn là phải thực hiện công bằng ở các nơi từ trung tâm thành phố đến ngoại thành, khu công nghiệp. Việc bình ổn giá phải bảo đảm người dân nghèo, công nhân, nông dân dễ dàng mua hàng.
Phương Hà - Vân Anh - Hoàng Mai
Vui lòng nhập nội dung bình luận.