Hàng duối cổ như một vòng thành bảo vệ cho lăng vua Ngô Quyền, ở thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Tương truyền, những cây duối là nơi buộc voi và ngựa chiến sau các cuộc tập trận của vua tôi Ngô Quyền. Trong sách Đại Việt địa dư toàn biên, Nguyễn Văn Siêu viết: "…Bản xã đất ở rừng rậm, đời xưa gọi là Đường Lâm, đời đời có anh hào. Đời nhà Đường có Phùng Vương tên húy Hưng, đời Ngũ Đại có Ngô Vương tên húy Quyền. Hai vương cùng một làng, từ xưa không có. Uy đức còn mãi, miếu mạo như cũ.”.
Cây duối là loại cây cao từ 4 đến 8 m, rậm tán, cành đâm chéo nhau. Lá duối vì ráp nên được dùng như một loại giấy nhám để làm nhẵn mặt gỗ. Ở Thái Lan, vỏ cây duối xưa kia được dùng làm giấy chép kinh. Trái duối hình trứng, sắc vàng óng, vị ngọt mà ai đã từng có tuổi thơ ở quê đều không thể quên…
Vào những ngày hè nắng nóng này, rặng duối cổ là nơi vui chơi hóng mát cho dân làng cũng như du khách. Ngồi dưới bóng mát ngàn năm tuổi của cây duối, uống bát nước vối mát lạnh, thưởng thức chè lam đặc sản của làng cổ và nghe các bà, các mẹ kể chuyện đất hai vua Ngô Quyền và Phùng Hưng.
Đây cũng là quê hương nhiều danh nhân như Thám hoa Giang Văn Minh được mệnh danh là vị sứ thần "Bất nhục quân mệnh" (Không để nhục mệnh vua), bà Man Thiện (mẹ của hai Bà Trưng), bà chúa Mía (người xây chùa Mía, vương phi của chúa Trịnh Tráng)…
Hàng duối cổ hơn 1000 năm tuổi vẫn xanh mát dưới trưa hè ở làng cổ Đường Lâm.
Tương truyền, những cây duối là nơi buộc voi và ngựa chiến sau các cuộc tập trận của vua tôi Ngô Quyền.
Hàng duối cổ 1000 năm tuổi được công nhận là cây di sản.
Hóng mát dưới hàng duối cổ nghe kể chuyện đất hai vua.
Từ hàng duối cổ nhìn thấy ngọn núi cao nhất, thiêng liêng nhất -núi Tản Viên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.