Không phải là hàng giả, cũng chẳng phải là hàng nhái, thế nhưng những món hàng thời trang gắn thương hiệu lừng danh thế giới sản xuất gia công tại một nơi khác gốc gác thật của thương hiệu cũng là một vấn đề khiến người tiêu dùng sành điệu phải băn khoăn.
Bà Valérie Trierweiler, phu nhân tân tổng thống Pháp François Hollande, tin rằng mình đúng khi tặng Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama vào ngày 19.5 qua tại Nhà Trắng chiếc túi xách Vicky, sản phẩm bán chạy nhất của thương hiệu Le Tanneur của Pháp.
Và theo lời bà giới thiệu với đệ nhất phu nhân Mỹ thì túi xách ấy rất giá trị: “Đây là sản phẩm kiểu truyền thống, có giá cả phải chăng, tượng trưng cho sự khéo léo tinh tế của chúng tôi”. Đây cũng là cách đề cao các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong vùng Corrèze, khu vực bầu cử của tổng thống François Hollande.
Thế nhưng thương hiệu của Pháp chỉ dừng lại ở đó... Có thể bà Trierweiler, trong đời thường vẫn là nhà báo có thế lực ở tạp chí Paris Match, không hề biết rằng bộ sưu tập 2012 của Le Tanneur (có nghĩa là người thuộc da) được sản xuất tại Tamil Nadu, một bang có tiếng về ngành thuộc da ở miền Nam Ấn Độ.
Một thực tế ít được biết đến là thương hiệu Le Tanneur không phải là hàng da duy nhất chuyển nơi sản xuất vì có hàng trăm xưởng may mặc và phụ kiện cao cấp ở Sibiu, một thị trấn đẹp mọc lên từ thời Trung cổ tại Rumani. Các nhãn hiệu thời trang Ý như Prada, Ferragamo, Tod’s ... được hưởng lợi từ cuộc cạnh tranh sản xuất và Louis Vuitton (Pháp) cũng lặng lẽ mở một xưởng lắp ráp lớn ở vùng ngoại ô.
Những phần việc chiếm nhiều thời gian sản xuất đã được thợ da người Pháp chuyển đến đây: 600 công nhân làm ra các quai cho túi xách và đánh bóng phần chi tiết bằng da. Một đối thủ cạnh tranh tiết lộ, “Chi phí sản xuất một chiếc quai xách ở Sibiu khoảng 16 euro, chưa bằng một nửa ở trong lãnh thổ Pháp!”.
Louis Vuitton cũng nhanh chóng thu lợi với hàng trăm ngàn túi xách được tiêu thụ mỗi năm, nhưng đây là đề tài cấm kỵ và thương hiệu này chỉ muốn chia sẻ về “những khoản đầu tư lớn của họ ngay tại Pháp”, đặc biệt là dự án mở xưởng sản xuất thứ 13 vào năm 2014 tại Maine-et-Loire (Pháp).
Chuyển toàn bộ hoặc một phần sản xuất đã trở thành một thực tế phổ biến, nhưng ngành công nghiệp mặt hàng xa xỉ lại tỏ ra không hài lòng với khả năng sinh lợi ở hai con số. Ông Maxime Koromyslov, giáo sư tại Viện Thương mại Nancy và là tác giả của một luận án về chủ đề này, cho rằng, “Hầu như tất cả các thương hiệu cao cấp đều không còn sản xuất 100% ngay tại nước mình”.
Phản ứng từ thị trường mới nổi
Đây là chủ đề nhạy cảm và người tiêu dùng vẫn còn muốn “bám víu” vào nguồn gốc của sản phẩm. Theo một nghiên cứu năm 2010 của TNS Sofres, viện nghiên cứu thông tin thị trường, có đến 75% người mua hàng cao cấp tỏ ra nhạy cảm với nơi sản xuất.
Hiếm có nhãn hiệu hoàn toàn thừa nhận việc sản xuất ở nước ngoài, như thương hiệu Coach của Mỹ đã không giấu diếm nguồn gốc Trung Quốc của những chiếc túi bằng da rạn, bán trong các cửa hàng lớn với giá 600 euro mỗi chiếc, hoặc sản phẩm Hugo Boss của Đức thừa nhận chỉ những trang phục thiết kế riêng mới được cắt ở Đức và khi hiệu kim hoàn Mauboussin nổi tiếng công bố rằng 80% đồ trang sức của họ được thực hiện tại Trung Quốc, các cửa hàng lân cận Mauboussin trong quảng trường Vendôme đã tỏ ý chế giễu.
Để biện giải, những thương hiệu này đang phải đối mặt với sự bùng nổ trong các đơn đặt hàng của họ. Patricia Vasselle thuộc văn phòng công ty tư vấn Kurt Salmon nhận định: “Do đã đưa một phần sản xuất sang các nước mới nổi, họ đã gặp phải phản ứng”.
Việc nhượng quyền những thương hiệu cao cấp trong những năm 1990 đẩy nhanh việc chuyển địa điểm sản xuất. Nicolas Boulanger, thuộc Eurostaf, công ty phân tích tài chính, nhớ lại : “Các thương hiệu đã đa dạng hóa các sản phẩm không còn được sản xuất ở châu Âu để giảm chi phí”. Khi nhãn hiệu Dolce & Gabbana (D&G) đề cao giá trị các sản phẩm thời trang cao cấp được sản xuất tại Vénétie (Ý), thì nên xét lại khi biết bộ đồ bơi được bán với giá 115 euro của họ, đến từ một xưởng nằm ở vùng ngoại ô Cairo (Ai Cập).
Động tác sau cùng: “made in France”
Không có luật nào ngăn cấm việc di dời nơi sản xuất và nhãn “Made in France” không mang tính ràng buộc. Ông Olivier de Cointet thuộc văn phòng công ty tư vấn quản lý Booz & Co cho rằng: “Đó như một động tác cuối cùng được thực hiện tại Pháp, để có được con dấu của hải quan”.
Các hiệu đồ trang sức ở quảng trường Vendôme cũng rõ điều này. Đối mặt với yêu cầu tăng theo cấp số nhân, những hiệu thời trang và trang sức như Dior, Boucheron và Chaumet đã tiết lộ cách kín đáo rằng một phần sản xuất của họ (ngoại trừ hàng trang sức cao cấp) được thực hiện tại các xưởng của nhà thầu phụ như gia đình Georland, vốn đã không ngần ngại chuyển nơi sản xuất.
Giám đốc điều hành Stéphane Marteau cho biết: “Do sự thúc giục của khách buộc phải giảm giá hầu hết các nhóm hàng được đánh giá cao, chúng tôi đã mở một xưởng tại Hàng Châu, Trung Quốc”. Tuy nhiên, hãng đồng hồ và trang sức cao cấp Cartier đã tỏ ra cứng rắn hơn, khi hủy các hợp đồng với nhà thầu phụ. Khách hàng đã viếng thăm các xưởng sản xuất của người Trung Quốc và đánh giá cao việc tăng năng suất 50% của họ. Những chi tiết định hình bằng kim loại thô được gửi đến Hàng Châu để nạm dát đá quý, hình thành nên sản phẩm và sau đó đưa về hoàn tất tại Paris.
Khi đến cửa hàng, khách sẽ chẳng biết được gì.
Các nhãn hiệu đã bào chữa cho việc chuyển nơi sản xuất, nhưng không tránh khỏi những cuộc tranh luận với lời khẳng định của giáo sư Maxime Koromyslov: “Không có xưởng nào hoạt động tại Pháp”.
Với thương hiệu Hermes, phó tổng giám đốc Patrick Albaladejo cho rằng “có gần 85% được sản xuất tại Pháp”. Họ đã thu hút người du mục Touareg để chế tạo những khóa dây thắt lưng bằng kim loại, hoặc các nữ công nhân Madagascar kết viền cho các sản phẩm khăn voan của họ.
“Made in Chinitaly”
Nước Ý là một điểm đến ưa thích cho các nhà sản xuất hàng xa xỉ muốn thực hiện tiết kiệm mà không làm hỏng hình ảnh của mình. Quốc gia này đã xây dựng tính hợp pháp trong ngành may mặc sẵn và các sản phẩm bằng da. Để giảm chi phí, Ý nhờ đến người Trung Quốc và người Trung Quốc đã tập trung ở thành phố Prato, phía bắc tỉnh Florence (Ý).
“Xứ Chinitaly” này đã hình thành từ nhiều năm. Thị trưởng Roberto Cenni ước tính có khoảng 46.000 người Hoa làm việc trong lĩnh vực này, trong đó có 25.000 người nhập cư bất hợp pháp trên tổng số 180.000 dân. Trong năm 2008, các thương hiệu như Versace, Bottega Veneta và Prada đã bị bắt quả tang do sử dụng lao động không có giấy tờ.
Sợ thương hiệu cao cấp ư? Chính phủ và các bộ trưởng, cùng việc tái phục hồi sản xuất sau một chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, theo chủ đề “Made in France”, sẽ củng cố khuôn khổ pháp lý cho danh hiệu này. Một số phải xem xét về việc di dời.
Mauboussin đã chuyển 20 % hoạt động của họ về Pháp trong năm nay. Theo thông báo hiệu của nhà thầu kim hoàn Georland: “Chúng tôi thử cho hồi hương một phần số lượng người Trung Quốc trong tập đoàn LVMH ở châu Âu”.
Kết quả là: giá sản phẩm tăng lên 20%, thế nhưng danh hiệu “Made in France” là vô giá.
Theo Đẹp
Vui lòng nhập nội dung bình luận.