Hàng hóa tăng khủng khiếp theo giá xăng, vẫn có mặt hàng bất ngờ giảm (Bài 5)

Khải Phạm Thứ năm, ngày 17/03/2022 08:13 AM (GMT+7)
Những loại mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, mì tôm, đường… đều tăng theo giá xăng ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.
Bình luận 0

LTS: Sau khi giá xăng tăng kỷ lục, ghi nhận của phóng viên Dân Việt từ nhiều vùng miền cho thấy nhiều doanh nghiệp đã "trục lợi", "té nước theo mưa" để tăng giá hàng hoá. Điều này đã tác động tiêu cực tới đời sống người dân và đặc biệt gây ra ảnh hưởng nhất định tới chương trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19 của Chính phủ. Trong bối cảnh người dân đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, việc hàng hóa tiêu dùng tăng cao khiến người dân thêm nặng gánh chi tiêu.

Loạt bài "Loạt hàng hóa ồ ạt tăng theo giá xăng, người dân oằn vai gánh nặng chi tiêu" của Dân Việt sẽ ghi nhận tâm tư của người tiêu dùng trên toàn quốc trước việc hàng loạt mặt hàng tăng giá ồ ạt, giúp cho cơ quan quản lý có cái nhìn bao quát và đưa ra những giải pháp phù hợp để chấm dứt tình trạng này, cũng như có những biện pháp đủ sức răn đe các doanh nghiệp tìm cách trục lợi trong thời điểm hết sức nhạy cảm này. 

Hàng hóa thiết yếu, tăng kịch sàn

Sau nhiều lần điều chỉnh từ cuối năm 2021, giá xăng ở Việt Nam đã thiết lập kỷ lục mới khi chạm ngưỡng 30.000 đồng/lít. Điều lo sợ của người dân là các mặt hàng thiết yếu tăng giá theo giá xăng đã xảy ra và đã lập đỉnh mới.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, tại hệ thống siêu thị BigC ở Hà Nội, nhiều mặt hàng thiết yếu đều đã được điều chỉnh tăng giá.

Hàng hóa thiết yếu đồng loạt tăng giá theo xăng - Ảnh 1.

Dầu ăn là mặt hàng tăng cao nhất khi giá xăng tăng. Ảnh KP.

Cụ thể, dầu ăn là mặt tăng giá cao nhất gần như gấp đôi so với trước đây khi. Trước đây, can dầu ăn Meizan Gold 2 lít có giá 62 nghìn đồng, giờ tăng đến 102 nghìn đồng. Dầu ăn Neptune Light chai 1 lít ghi nhận mức tăng 5.000 đồng lên 65.000 đồng. Trong khi đó, giá mì tôm Hảo Hảo cũng đã tăng lên 4.500 đồng/gói so với giá 3.500 đồng/trước đây.

Một số loại sữa tươi uống như TH True Milk, Vinamilk cũng đã được điều chỉnh tăng giá từ 40.000 - 70.000 đồng/thùng.

“Dịch Covid-19 đã căng thẳng khiến thu nhập gia đình tôi giảm hẳn trong nhiều tháng qua, nay giá xăng lại tăng kỷ lục kéo theo các mặt hàng thiết yếu đều tăng. Thực sự bây giờ đi chợ phải tính toán kỹ lưỡng, chi tiêu tiết kiệm bởi hầu hết các mặt hàng thiết yếu sử dụng hàng ngày đều đã tăng giá. Ngay cả thùng mì tôm giờ cũng tăng gần 10.000 đồng, dầu ăn tăng vài chục nghìn đồng đến đau đầu”, chị My chia sẻ.

Hàng hóa thiết yếu đồng loạt tăng giá theo xăng - Ảnh 2.

Ngay cả mì gói cũng tăng giá. Ảnh KP.

Hoa quả trái cây giảm giá

Chủ một siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: "Từ khi mở cửa trời lại từ tháng 10/2021, dầu ăn là mặt hàng tăng giá cao nhất 3-4 lần so với trước, tổng giá đã tăng đến 12%. Trong khi đó, sữa tươi tăng khoảng 5%, trứng tăng 12%, mì tăng 8% và đường ăn cũng tăng đáng kể. Một số mặt hàng đồ trong nước cũng tăng nhẹ, đồ nhập khẩu tăng cao hơn. Đáng chú ý, một chai bia tăng vọt từ 37.000 đồng lên 52.000 đồng/chai. Giá tăng trên chưa tính đặt mới điều chỉnh theo giá xăng mới tăng kỷ lục vừa qua". 

Cũng theo chủ doanh nghiệp này, giá các mặt hàng thiết yếu tăng đồng loạt khiến doanh số sụt giảm đến 50% so với trước đại dịch lần thứ 4 bùng phát. Nhu cầu của người dân vẫn lớn, nhưng không dư thừa và người dân cũng sắm những mặt hàng không thực sự cần thiết như trước. 

Ở chiều ngược lại, các sản phẩm hoa quả như thanh long, dưa hấu giảm giá do không xuất khẩu được sang Trung Quốc. 

Ngoài ra, phóng viên cũng ghi nhận giá bán lẻ gas cũng tăng do căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Cụ thể, giá bình gas đã tăng lên mức kỷ lục từ 480.000 đồng lên 520.000 đồng. 

Quản lý siêu thị Citimart cho biết: "Các mặt hàng thiết yếu tăng giá mạnh sau khi giá xăng tăng kỷ lục, đến chúng tôi cũng có phần bị sốc dù đã nghe thông tin giá xăng tăng, chắc chắn các mặt hàng đều tăng bởi các nhà phân phối đều vin vào giá cước vận chuyển tăng. Giá hàng hóa tăng không ai mong muốn bởi người dân sẽ dè dặt hơn khi mua hàng, thay vì mua dư, họ sẽ mua đủ số lượng dùng trong 1 ngày hay 1 tuần. Trong khi đó, những hàng hóa không quá quan trọng, người dân sẽ loại bỏ ra khỏi danh sách mua sắm mỗi lần đi siêu thị". 

"Xăng dầu, gas đều được nhập khẩu nên việc tăng giá theo là điều không thể tránh khỏi. Làm nghề nhiều năm, nhưng đây là lần đầu tiên mỗi bình ga tăng đến 40.000 đồng khiến chính tôi cũng phải giật mình. Mọi lần, mỗi bình ga 13,5kg tăng cao nhất chỉ là 20.000 đồng nên người dân vẫn sẵn sàng mua. Tuy nhiên, lần này tăng cao quá, nhiều người sau khi tham khảo đã chuyên qua sử dụng bếp từ, bếp điện nhằm cắt giảm chi phí sử dụng", chủ một cửa hàng gas ở Q1 - TP. Hồ Chí Minh chia sẻ. 

Chủ cửa hàng, siêu thị lo lắng vì doanh số sụt giảm bởi hàng hóa thiết yếu tăng giá, còn người dân sẽ phải "thắt lưng, buộc bụng hơn khi vừa ảnh hưởng dịch bệnh, vừa giá cả tăng "chóng mặt". 

"Hai vợ chồng tôi thu nhập 1 tháng trước dịch 30 triệu đồng, nhưng nay công ty cắt giảm nhân sự, vợ phải ở nhà làm thêm việc ngoài nên thu nhập đã giảm còn một nửa. Đến nay vẫn chưa tìm được việc mới. Trong khi đó, giá xăng tăng kéo theo những thực phẩm thiết yếu hàng ngày tăng quá trời nên đành phải giảm chi tiêu lại để lương vẫn đủ cho cả gia đình một tháng, giờ này không hy vọng có tích lũy nữa rồi, lo từng bữa ăn chưa xong", anh Quân chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem