Liên quan đến công tác quản lý, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã yêu cầu Tập đoàn dầu khí quốc gia VN (PVN) phải kiểm tra đánh giá các khoản đầu tư liên doanh, liên kết và đầu tư dàn trải không hiệu quả, có biện pháp khắc phục và phòng tránh khả năng mất vốn trong các công ty làm ăn thua lỗ.
|
Bị Tập đoàn điện lực nợ 14.000 tỉ đồng, PV Power phải treo nợ ngân sách hơn 81 tỉ đồng thuế giá trị gia tăng - Ảnh: TTXVN |
KTNN cũng yêu cầu PVN phải chỉ đạo PV Oil báo cáo với Bộ Tài chính về việc trích lập quỹ bình ổn xăng dầu tại PV Oil và Petro Mekong. Theo kết luận từ kiểm toán quỹ bình ổn xăng dầu của KTNN năm 2011, năm 2009 Petro Mekong đã trích thừa quỹ tới 52,3 tỉ đồng, còn PV Oil năm 2010 lại trích thiếu 3,8 tỉ đồng.
Đặc biệt là những sai phạm của PVN như nhập nhèm trong kê khai đất đai, sai lệch trong chi phí đầu tư dự án chênh cao hàng tỉ đồng so với thực tế. Cụ thể, KTNN chỉ rõ khoản chênh lệch thiếu diện tích đất 4.198m2 so với phê duyệt (22.315m2 so với 26.514m2) và khoản chênh lệch tương ứng của dự án xây dựng Trung tâm phân tích thí nghiệm và Văn phòng Viện Dầu khí TP.HCM do Công ty CP bất động sản điện lực dầu khí VN thực hiện.
Ngoài ra, dự án đầu tư xây dựng công trình Văn phòng Viện Dầu khí sai lệch chi phí đầu tư tới 4,6 tỉ đồng; dự án Trung tâm tài chính dầu khí chênh 2,1 tỉ đồng, dự án Khách sạn dầu khí Vũng Tàu dự toán chênh với thực tế 2,2 tỉ đồng. Tổng số tiền chênh lệch hơn 8,9 tỉ đồng này KTNN đã yêu cầu PVN phải giảm trừ khi thanh quyết toán các dự án trên.
Điều đáng nói, theo kết quả kiểm tra việc thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2010, PVN cũng vướng nhiều sai phạm trong kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên... KTNN đã kiến nghị tập đoàn và các đơn vị thành viên phải nộp lại cho ngân sách 185,7 tỉ đồng, gồm 79,3 tỉ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, 61,1 tỉ đồng thuế thu nhập cá nhân; 2,5 tỉ đồng thuế tài nguyên và các khoản thuế khác 14,6 tỉ đồng…
Tuy nhiên, gần 1 năm sau kết luận kiểm toán, cuối năm 2011, PVN mới hoàn lại ngân sách 91,3 tỉ đồng, bằng 49% số kiến nghị của KTNN. Tập đoàn này vẫn còn 94,3 tỉ đồng chưa nộp lại vào ngân sách (bằng 51% số kiến nghị) do Tổng công ty điện lực dầu khí (PV Power) chưa nộp.
Trong đó, 12,7 tỉ đồng nợ ngân sách là khoản thuế thu nhập doanh nghiệp PV Power phải nộp thay nhà thầu về tiền lãi vay của Ngân hàng Calyon (Pháp), khoản tiền này đang được làm thủ tục miễn thuế tại Cục Thuế Hà Nội.
Đặc biệt là khoản thuế giá trị gia tăng 81,5 tỉ đồng mà PV Power chưa nộp do chưa thu được nợ của một “ông lớn” khác là Tập đoàn điện lực VN (EVN). PV Power đã có rất nhiều lần gửi công văn đề nghị Công ty mua bán điện - EVN xác nhận công nợ, cũng như thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Tháng 10.2011, PV Power đã xuất hóa đơn giá trị 949,2 tỉ đồng, và Công ty mua bán điện đã ghi nhận công nợ. Tuy nhiên, chiều qua 23.2, ông Vũ Huy Quang, Tổng giám đốc PV Power cho biết, EVN vẫn chưa thanh toán khoản nợ này, PV Power vẫn phải nợ ngân sách. Ông Quang cũng cho hay, số tiền EVN còn nợ PV Power bao gồm cả gốc lẫn lãi tới nay đã lên tới 14.000 tỉ đồng, gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của tổng công ty.
Theo yêu cầu của KTNN, Tổng công ty dầu VN (PV Oil) phải làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân đại diện phần vốn nhà nước liên quan đến công tác quản lý điều hành sản xuất kinh doanh tại Công ty cổ phần dầu khí Mekong (Petro Mekong) trong hai năm 2008 - 2009 dẫn đến tình trạng thua lỗ của công ty này.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Tổng giám đốc PV Oil cho biết, PV Oil đã thực hiện “thay máu” toàn bộ đội ngũ lãnh đạo của Petro Mekong bao gồm các chức danh cao nhất cũng như các nhân sự trong HĐQT và Ban Giám đốc Petro Mekong. Petro Mekong cũng đã được tái cơ cấu, đổi tên thành PV Oil Mekong và bị “tước” chức năng đầu mối nhập khẩu xăng dầu.
Theo Thanh niên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.