Hàng loạt sai phạm vụ cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

Bách Thuận Thứ năm, ngày 20/09/2018 19:55 PM (GMT+7)
Thanh tra Chính phủ (TTCP) xác định, việc quản lý và sử dụng nhà, đất của Hãng phim truyện Việt Nam có nhiều vấn đề, trong đó việc xác định giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam cũng chưa có được kết quả chính xác.
Bình luận 0

Hàng loạt sai phạm

Chiều tối nay (20.9), TTCP công bố kết luận thanh tra “Công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam” trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL).

Theo kết luận của TTCP, thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam là phù hợp với chủ trương của nhà nước và cần thiết để huy động vốn, mở rộng quy mô hoạt động của doanh nghiệp cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong tình trạng doanh nghiệp nhiều năm liền thua lỗ triền miên, dẫn đến gần bờ vực của phá sản.

Tuy nhiên, công tác cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam (Công ty) vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khuyết điểm.

Đối với việc thực hiện quy trình các bước tiến hành cổ phần hóa, lựa chọn tổ chức tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa, qua thanh tra, TTCP nhận thấy, việc xây dựng, ban hành Kế hoạch và tiến độ thực hiện cổ phần hóa Công ty sau 1 năm và lựa chọn đơn vị tư vấn sau 6 tháng kể từ khi có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo là chưa đảm bảo tiến độ theo kế hoạch như quyết định ngày 31.3.2014 của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL.

img

TTCP xác định, các hợp đồng thuê nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội); góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất là sai mục đích sử dụng, trái thẩm quyền. Trong ảnh là hiện trạng cơ sở vật chất đã xuống cấp của Hãng phim truyện Việt Nam. (Ảnh: Người đưa tin)

Với Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, không thực hiện việc lựa chọn đơn vị tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa, để công ty lựa chọn là chưa thực hiện đúng thủ tục, chưa thực hiện đầy đủ thủ tục theo Luật Đấu thầu 2013. Công ty thực hiện việc ký kết hợp đồng với 2 đơn vị tư vấn định giá doanh nghiệp và cổ phần hóa chưa tuân thủ theo mẫu hợp đồng được quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cùng với đó, việc quản lý sử dụng và thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai của Hãng phim truyện Việt Nam cũng được xác định có nhiều vấn đề.

Cụ thể, việc Hãng phim truyện Việt Nam ký các hợp đồng cho thuê nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội); góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất và đồng ý cho đối tác (Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Du lịch Sài Gòn) quản lý điều hành hoạt động cho thuê văn phòng hoặc thuê các công ty, tổ chức chuyên nghiệp quản lý điều hành tại số 6 Thái Văn Lung (phường Bến Nghé, quận 1, Tp Hồ Chí Minh) là sai mục đích sử dụng, trái thẩm quyền.

“Trong quá trình quản lý sử dụng 4 cơ sở nhà, đất, Hãng phim truyện Việt Nam chưa thực hiện các thủ tục pháp lý về đất đai. Đến thời điểm kiểm tra (30.10.2017), Hãng phim truyện Việt Nam chưa thực hiện các thủ tục để ký tiếp hợp đồng thuê đất đối với 2 cơ sở nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê, và số 6 Thái Văn Lung, (riêng phần diện tích nhà Thủy phi cơ đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý)” – kết luận chỉ rõ.

Ngoài ra, qua thanh tra TTCP phát hiện việc chậm nộp tiền thuê đất đến thời điểm 30.9.2017 số tiền gần 22 tỷ đồng. (Đến ngày 10.10.2017, Hãng phim truyện Việt Nam đã nộp số tiền thuê đất tại 3 cơ sở nhà, đất số tiền hơn 14 tỉ đồng).

Đáng chú ý, trong phương án sử dụng đất, đến thời điểm TTCP kiểm tra (30.10.2017), Công ty được Bộ Tài chính và UBND thành phố Hà Nội thống nhất để tiếp tục sử dụng đối với 2 cơ sở nhà, đất mà Công ty đang sử dụng gồm số 46 ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình và tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội.

img

Hoạt động nghệ thuật của hãng phim ít nhiều gặp khó khăn. (Ảnh: Người đưa tin)

Đối với 2 cơ sở số 4 Thụy Khuê và số 6 Thái Văn Lung chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

“Như vậy, Công ty chưa có phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và chưa xử lý dứt điểm quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất của doanh nghiệp trước khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa” – kết luận nêu.

Tuy nhiên, TTCP cho biết, theo quy định đã được sửa đổi, bổ sung của Chính phủ thì Công ty lựa chọn hình thức giao đất, thuê đất trả tiền hàng năm không phải tính tiền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp.

Đáng chú ý, kết luận thanh tra chỉ rõ, trong việc xây dựng phương án sử dụng đất, tại phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam thành Công ty cổ phần, Hãng phim truyện Việt Nam, xây dựng phương án sử dụng đất trong đó bao gồm cả toàn bộ diện tích 1.208m2 tại khu đất số 6 Thái Văn Lung và toàn bộ khu đất tại số 4 Thụy Khuê khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bộ VHTT&DL phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam thành Công ty cổ phần khi chưa có Quyết định phê duyệt phương án sử dụng đất. Đến thời điểm kiểm tra (30.10.2017), Hãng phim truyện Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý về sở hữu các cơ sở nhà, đất để làm căn cứ xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chưa xác định được giá trị thương hiệu

Trong kết luận vừa được thông báo, TTCP nhận định, việc quản lý, theo dõi, hạch toán công nợ phải thu, phải trả tại Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam còn chưa đúng quy định dẫn đến xảy ra một số vi phạm.

Cụ thể, việc quản lý và theo dõi khoản phải thu khác, đối tượng là Cục Điện Ảnh chưa đúng; theo dõi khoản trả trước cho Chi nhánh Công ty Cổ phần Điện ảnh truyền hình (TP.Hà Nội) chưa chính xác;

img

Theo TTCP, giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam đến giờ này vẫn chưa được xác định cụ thể.

Việc hạch toán khoản vay nợ dài dạn của Công ty Cổ phần Quảng cáo Sao thế giới là không đúng; số tiền lương trả thiếu cho người lao động và số tiền lương đã chi thanh toán cho người lao động không đi làm chưa được hạch toán;

Đơn vị không thực hiện việc thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý về phương pháp và thời gian trích khấu hao; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, kết quả kinh doanh các năm đều lỗ liên tiếp…

Một vấn đề rất quan trọng khác, kết luận nêu việc xác định lại giá trị thương hiệu căn cứ vào giá trị lịch sử và bề dày truyền thống theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được Bộ VHTT&DL tổ chức thực hiện, tuy nhiên, chưa xác định được giá trị thương hiệu cụ thể của Hãng phim.

Ngoài ra, việc chọn lựa và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược qua thanh tra cũng phát hiện nhiều hạn chế, sai sót. Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc cổ phần hóa chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục về việc lựa chọn và phê duyệt tiêu chí nhà đầu tư chiến lược.

img

Cơ sở vật chất khiến nhiều người không khỏi cám cảnh của Hãng phim truyện Việt Nam. (Ảnh: Người đưa tin)

Công ty xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, không nêu cụ thể các điều kiện, làm hạn chế việc chọn được nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực liên quan đến việc sản xuất phim và văn hóa điện ảnh. Xây dựng tiêu chí và cam kết lựa chọn nhà đầu tư chiến lược chưa đáp ứng đầy đủ những yêu cầu thực tiễn với một ngành nghề kinh doanh đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh…

Bên cạnh đó, TTCP xác định, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Hãng phim lập danh sách lao động của Công ty còn đưa vào danh sách 6 trường hợp là lao động đã không thuộc danh sách đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc của Công ty.

Mặt khác, Ban Chỉ đạo đã trình và Bộ VHTT&DL phê duyệt Phương án cổ phần hóa, phương án giải quyết lao động dôi dư cùng ngày với thời gian tổ chức Đại hội công nhân viên chức bất thường để lấy ý kiến đóng góp là vi phạm thông tư của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem