Hàng quán phố cổ Tạ Hiện nháo nhào đóng cửa sau 21 giờ, khách "hụt hẫng" ra về khi ngồi chưa ấm chỗ

Gia Khiêm Thứ sáu, ngày 11/03/2022 08:07 AM (GMT+7)
Nhiều chủ nhà hàng tại phố cổ Hà Nội kiến nghị thành phố nên quy định thời gian được mở cửa để kịp đón thêm khách thay vì 21 giờ như hiện nay trong bối cảnh du lịch đang dần mở.
Bình luận 0

Quản lý quán ăn phố Tạ Hiện "Chúng tôi hay tếu táo khách chưa kịp lên đã phải đóng cửa"

Nhiều ngày nay, anh Nguyễn Hữu Phúc (39 tuổi), quản lý quán ăn ở phố Tạ Hiện, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội liên tục nhàn rỗi, ngồi uống trà cho đỡ khuây khoả vì vắng khách. 

Anh Phúc kể, từ khi dịch bệnh bùng phát, nhà hàng do anh quản lý luôn tuân thủ các quy định về phòng chống dịch. Tuy nhiên, theo anh, việc cấm hàng quán hoạt động sau 21 giờ là không có ý nghĩa trong công tác chống dịch. 

Hàng quán phố cổ Tạ Hiện nháo nhào đóng cửa sau 21h, khách "hụt hẫng" ra về khi ngồi chưa ấm chỗ  - Ảnh 1.

Phố Tạ Hiện, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vốn nhộn nhịp về đêm nhưng lâu nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nơi đây phải tuân thủ đóng cửa sau 21h. Ảnh: Gia Khiêm

"Dịch bệnh chúng tôi chán lắm, trước đây 10 phần khách giờ kinh doanh may ra còn 1,2 phần. Đây là tuyến phố ăn uống phục vụ khách rất muộn, thường từ 22 giờ đến 24 giờ đêm khách mới đến. Tuy nhiên, giờ đến 21 giờ đóng cửa nên số lượng khách chẳng được là bao, ngày một giảm đi. Phố ăn đêm mà phải đóng cửa sớm thì buồn quá. Nhiều khi chúng tôi hay tếu táo khách chưa kịp lên đã phải đóng cửa, tình trạng này diễn ra thường xuyên", anh Phúc chia sẻ với PV Dân Việt.

Hàng quán phố cổ Tạ Hiện nháo nhào đóng cửa sau 21h, khách "hụt hẫng" ra về khi ngồi chưa ấm chỗ  - Ảnh 2.

Đúng 21 giờ tối lực lượng công an, dân phòng đến nhắc nhở, yêu cầu các chủ quán đóng cửa. Ảnh: Gia Khiêm

Hàng quán phố cổ Tạ Hiện nháo nhào đóng cửa sau 21h, khách "hụt hẫng" ra về khi ngồi chưa ấm chỗ  - Ảnh 3.

Nhiều khách ngồi chưa ấm chỗ ngậm ngùi ra về. Ảnh: Gia Khiêm

Theo anh Phúc, thường các hộ kinh doanh tại phố Tạ Hiện sẽ mở từ khoảng sau 16 giờ chiều và đến 21h giờ. Công an phường sẽ đến nhắc nhở đóng cửa. Cả tối quán của anh mới lác đác 1,2 bàn có khách. Số bàn còn lại trống, nhân viên ngồi chơi "dài cổ". Anh cho hay, chỉ tính riêng tiền thuê mặt bằng, cả tiền nhân sự cửa hàng anh lỗ 5 triệu/ngày, tính ra cả tháng con số này lên đến hàng trăm triệu đồng. 

Hàng quán phố cổ Tạ Hiện nháo nhào đóng cửa sau 21h, khách "hụt hẫng" ra về khi ngồi chưa ấm chỗ  - Ảnh 4.

Anh Nguyễn Hữu Phúc (39 tuổi), quản lý quán ăn ở phố Tạ Hiện cùng nhân viên thu dọn bàn ghế. Ảnh: Gia Khiêm

"Nếu cứ như thế này chỉ được mở đến 21h, các chủ cửa hàng sẽ không ai trụ được, có thể phá sản hết. Nhiều bàn khách vừa ngồi, dọn đồ ăn ra phải đi về khiến họ rất buồn và khó chịu bởi đa phần đây là khách du lịch. Họ thấy hụt hẫng, nản, chê trách chủ quán nhiều nhưng chúng tôi cũng không có cách nào", anh Phúc thở dài.

Hàng quán phố cổ Tạ Hiện nháo nhào đóng cửa sau 21h, khách "hụt hẫng" ra về khi ngồi chưa ấm chỗ  - Ảnh 5.

Trước đó, vắng khách, anh Phúc nhàn rỗi ngồi uống nước chè. Ảnh: Gia Khiêm

Cũng như anh Phúc, anh Trần Văn Khoa, chủ quán ăn ở phố Tạ Hiện chia sẻ, đã kinh doanh tại phố được 10 năm thì đây là năm thứ 3 liên tiếp các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19. Mọi thứ với kinh doanh không có gì thay đổi với trước. 

"Chúng ta đang hướng tới và tuân theo Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tuyến phố Tạ Hiện từ xưa tới nay là phố bia, khách du lịch tới đây ngồi uống bia, khám phá tới khuya nhưng giờ phải đóng cửa sớm. 

Hàng quán phố cổ Tạ Hiện nháo nhào đóng cửa sau 21h, khách "hụt hẫng" ra về khi ngồi chưa ấm chỗ  - Ảnh 6.

Anh Khoa mong muốn cửa hàng được mở sau 21 giờ bởi anh cho rằng phố Tạ Hiện là phố ăn đêm nên nếu phải đóng sau khoảng thời gian trên sẽ không có khách. Ảnh: Gia Khiêm

Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành liên quan về mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3 mà giờ giấc đến 21h phải đóng cửa không hiểu khách đi đâu hay về nhà ngủ. Chúng tôi mong muốn thành phố xem xét nới lỏng thời gian để các hộ kinh doanh được mở quán lâu hơn. Việc thích ứng an toàn phải tạo điều kiện cho người dân kinh doanh, khi ấy các cửa hàng mới trụ chứ thế này khó tkhăn lắm", anh Khoa nói.

Cũng như anh Khoa, qua đây, anh Phúc mong thành phố xem xét cho dân làm đến 24 giờ như trước, đó cũng là nguyện vọng, mong muốn của các hộ kinh doanh cũng như du khách. Gần 21 giờ anh Phúc cùng nhân viên vội vàng thu dọn bàn ghế. Anh cho hay cả ngày mới lác đác có 2 bàn, trong khi đó, quán của anh Khoa chỉ có duy nhất bàn phục vụ người nhà.

Hàng quán phố cổ Tạ Hiện nháo nhào đóng cửa sau 21h, khách "hụt hẫng" ra về khi ngồi chưa ấm chỗ  - Ảnh 7.

Nhiều bàn ghế dọn ra lại thu vào do vắng khách. Ảnh: Gia Khiêm

Hàng quán phố cổ Tạ Hiện nháo nhào đóng cửa sau 21h, khách "hụt hẫng" ra về khi ngồi chưa ấm chỗ  - Ảnh 8.

Một góc phố Tạ Hiện nơi luôn nhộn nhịp vào mỗi tối nếu không ảnh hưởng do dịch Covid-19. Ảnh: Gia Khiêm

"Cứ thế này thì khó khăn quá. Trước cửa hàng tôi có 10 nhân viên phục vụ. Giờ không có khách nhưng đầu bếp, nhân viên vẫn phải có và chỉ còn 4 người làm. Không những tôi mà toàn bộ hộ kinh doanh ở phố Tạ Hiện ai cũng thèm cảm giác, mong muốn được phục vụ khách nhộn nhịp trở lại như ngày trước. Để có điều đó, chắc chắn thành phố nên xem xét nới lỏng thời gian thay vì phải đóng cửa sau 21 giờ như hiện nay", anh Khoa chia sẻ thêm.

Hàng quán phố cổ Tạ Hiện nháo nhào đóng cửa sau 21h, khách "hụt hẫng" ra về khi ngồi chưa ấm chỗ  - Ảnh 9.

Công an yêu cầu cửa hàng đóng cửa, khách ra về. Ảnh: Gia Khiêm

Ít phút sau, lực lượng Công an phường có mặt yêu cầu tất cả các hộ kinh doanh dọn hàng quán, dừng tiếp đón khách. Lúc này, nhiều khách vừa ngồi được ít phút hụt hẫng đứng dậy để quán thu dọn.

Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Hà Nguyễn (ở quận Ba Đình, Hà Nội) cho hay, chị cùng nhóm bạn hẹn nhau lên quán ngồi được 30 phút đã phải đi về. Chị cho hay, bản thân cùng bạn bè khá hụt hẫng bởi không biết sẽ đi đâu, làm gì sau quãng thời gian đó. 

Hàng quán phố cổ Tạ Hiện nháo nhào đóng cửa sau 21h, khách "hụt hẫng" ra về khi ngồi chưa ấm chỗ  - Ảnh 10.

Vừa ngồi được 30 phút chị Hà Nguyễn cùng các bạn phải quay về. Ảnh: Gia Khiêm

"Tôi mong muốn mọi thứ trở lại như trước, phố cổ Hà Nội hoạt động về đêm nhưng giờ 21 giờ đóng cửa thế này chúng tôi thấy cần có sự thay đổi, điều chỉnh sao cho phù hợp", chị Hà Nguyễn nói.

Chuyên gia y tế nói gì việc đóng cửa sau 21h

Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, việc dịch lây nhiễm rộng hay không là phụ thuộc vào ý thức của mỗi cá nhân người dân chứ không phụ thuộc vào thời gian ban ngày hay ban đêm.

Hàng quán phố cổ Tạ Hiện nháo nhào đóng cửa sau 21h, khách "hụt hẫng" ra về khi ngồi chưa ấm chỗ  - Ảnh 11.

Hình ảnh bên trong phố Tạ Hiện tối ngày 10/3. Ảnh: Gia Khiêm

Theo ông Hùng, việc hạn chế thời gian, khống chế hàng quán chỉ được hoạt động trước 21 giờ hàng ngày thì người dân sẽ tập trung ăn uống đông hơn vào trước khung giờ cấm. Điều đó có thể làm tăng khả năng tiếp xúc và tăng nguy cơ lây nhiễm. Mức độ tập trung sẽ giảm đi nếu bỏ quy định cấm sau 21 giờ.

"Với người Hà Nội, thời điểm 21 giờ vẫn là rất sớm, đây là khung giờ mà nhiều người dân mới ra đường để ăn uống, mua sắm. Đó là nhu cầu thiết yếu của người dân, nếu chính quyền cấm ăn uống sau 21 giờ, họ lại dồn ra đường sớm hơn, không làm giảm khả năng lây nhiễm", ông Hùng nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay, Hà Nội có thể lùi thời gian cấm từ 21 giờ lên 22 giờ, bởi ông cho rằng dịch Covid-19 không lây lan vào ban đêm nhiều hơn ban ngày, quan trọng là do ý thức của người dân và trách nhiệm của chủ các cửa hàng, quán ăn.

"Dù cơ bản đã được tiêm 2 mũi vaccine, nhưng người dân cũng không được chủ quan, lơ là. Công tác phòng chống dịch có hiệu quả hay không, một phần dựa vào chính ý thức của nhân dân là rất lớn", ông Phu nhận định.

Theo các chuyên gia, việc cấm hàng quán hoạt động sau 21 giờ làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của người dân, vốn đã lao đao sau chuỗi ngày bấp bênh đóng, mở vì dịch bệnh.

Mới đây, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành liên quan về mở cửa lại hoạt động du lịch (đường không, đường bộ, đường biển) đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3 tới, mở ra cơ hội vàng cho phục hồi du lịch Việt Nam.

Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn đang hoàn thiện phương án mở cửa du lịch; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách cũng như các doanh nghiệp đón khách.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem