Hàng tiêu dùng Mỹ: Chính thức trộn lẫn xách tay

Chủ nhật, ngày 15/11/2020 13:51 PM (GMT+7)
Giá cao nhưng nhiều cửa hàng bán đồ Mỹ tại TP.HCM vẫn đông khách. Do chưa có nhiều cửa hàng chính hãng nên thị trường này vẫn đang là sân chơi của hàng xách tay.
Bình luận 0

Dù buổi trưa đầu tuần nhưng cửa hàng US Mart trên đường Trần Hưng Đạo (Q.1) khá nhộn nhịp, khác hẳn với cảnh đìu hiu của một cửa hàng bán lẻ cách đó chỉ vài bước chân.

Mê hàng Mỹ

Săm soi và đọc kỹ nhãn tiếng Việt được dán trên từng sản phẩm, sau gần nửa tiếng đồng hồ, bà Hoàng Lan (Q.1) mua một giỏ hàng, gồm nhiều loại bánh kẹo, thực phẩm và đồ gia dụng. "Tôi là khách quen ở đây từ hồi cửa hàng mới khai trương. Hàng hóa đa dạng, mỗi ngành hàng có khu vực riêng, chất lượng tốt", bà Lan nói. Theo bà, không phải mua hàng Mỹ là "sính ngoại" vì một số mặt hàng cần mua nhưng các siêu thị Việt không có nên bà phải tìm đến cửa hàng đồ ngoại nhập.

Hàng Mỹ: Chính thức trộn lẫn xách tay - Ảnh 1.

Hàng thương hiệu Mỹ ở US Mart.

Giá hàng nhập khẩu tại đây đắt hơn so với hàng Việt, cùng một ngành hàng, nhưng nhiều sản phẩm có giá đắt gấp 4-5 lần. Đơn cử, một lon nước tăng lực nguồn gốc từ Mỹ có giá gốc 74.000 đồng, vào dịp khuyến mãi còn 59.000 đồng; trà đóng chai giá khuyến mãi gần 40.000 đồng… Theo một nhân viên bán hàng, dù giá đắt nhưng vẫn được ưa chuộng, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người tiêu dùng Việt. Cửa hàng này cũng đã sẵn sàng giỏ hàng quà tặng Tết, tùy theo nhu cầu của khách đặt, nhiều giỏ có giá trị vài triệu đồng.

Theo ghi nhận của Thế giới Tiếp thị, quy mô của US Mart không khác gì một siêu thị mini. Hàng hóa tại đây đa dạng, hầu như không thiếu bất kỳ ngành hàng nào, từ đồ chăm sóc cá nhân, hóa mỹ phẩm, gia dụng, đồ chơi trẻ em đến thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát... mang thương hiệu Mỹ. Đây là nét khác biệt của US Mart so với các cửa hàng chuyên bán hàng Thái, Hàn, Nhật... Nhóm hàng chăm sóc cá nhân, hóa mỹ phẩm có các thương hiệu: Aquafresh Extreme Clean Pure Breath, Tide Laundry Liquid Free Gentle, Spry...; sản phẩm dinh dưỡng có sữa Spiru Tein. Nhiều nhất là bánh kẹo, nước giải khát và thực phẩm với các thương hiệu: BlowPop Super, Union, Bazanland, Green One, Coca-Cola, Monster Aussault Energy, Rockstar Recovery… Trên mỗi sản phẩm đều có nhãn phụ bằng tiếng Việt, thể hiện thành phần, xuất xứ, công ty nhập khẩu… Nhân viên tại đây cho biết, hàng hóa được nhập khẩu chính thức, không phải là hàng xách tay, xuất hóa đơn bình thường nếu khách có nhu cầu.

Được sự ủng hộ của người tiêu dùng, các cửa hàng bán hàng Mỹ đã nhanh chóng mở rộng hệ thống tại TP.HCM. Một số thương hiệu có đến 3-4 cửa hàng, tiếp tục "tấn công" thị trường Đà Nẵng, Hà Nội...

Coi chừng hàng trộn

Chị Phương Thanh (Q.Bình Thạnh) cho biết, chị và các đồng nghiệp ưa chuộng các loại thực phẩm chức năng và mỹ phẩm của Mỹ, dù có giá đắt nhưng cảm thấy an tâm vì sau khi sử dụng "thấy hợp". "Chúng tôi chủ yếu đặt hàng từ một số người bán quen, cũng là xách tay do chưa có địa chỉ chính hãng để mua. Nếu có nhiều nơi uy tín bán hàng Mỹ chính hãng, chúng tôi ảm thấy an tâm", chị Thanh nói.

Hàng tiêu dùng Mỹ: Chính thức trộn lẫn xách tay - Ảnh 2.

Một shop bán hàng mỹ phẩm

Nhu cầu mua sắm hàng Mỹ là điều không bàn cãi nhưng hàng nhập khẩu chính thức, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có hóa đơn lại không nhiều, chủ yếu là sản phẩm được bán dưới mác "hàng xách tay". Thậm chí, T.N. nhân viên một cửa hàng chuyên đồ Mỹ tại Q.10 tiết lộ, một số cửa hàng chuyên bán hàng ngoại cũng "trộn" hàng xách tay để gia tăng lợi nhuận.

Anh Nam, một người có kinh nghiệm trong việc "gom" hàng Mỹ cho rằng, không phải hàng xách tay Mỹ nào cũng đảm bảo chất lượng. Chấp nhận mua hàng xách tay với giá rẻ hơn, người mua phải chấp nhận rủi ro. Cụ thể, hàng xách tay không được bảo hành, hư hỏng không được bồi thường và nhiều trường hợp đặt hàng xách tay nhưng nhận phải hàng dỏm vì hình thức bên ngoài giống hệt nhau. "Người kinh doanh mặt hàng này phải có uy tín, khách tin tưởng mới đặt tiếp và giới thiệu cho người khác cùng mua", anh Nam nói.

Hàng Mỹ nhộn nhịp nhất là trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Giá nào cũng có, một số nơi quảng cáo giảm giá đến 50-60%, nhận đặt hàng với số lượng lớn, bất chấp Nghị định 98/2020/NĐ-CP đã quy định bán hàng xách tay có thể bị phạt tối đa đến 200 triệu đồng, có hiệu lực từ hôm 15/10. Bên cạnh đó, dù một số cửa hàng có mặt bằng hẳn hoi nhưng đang tìm cách né cơ quan chức năng. "Chúng tôi chỉ bày hàng có hóa đơn, chứng từ tại nơi kinh doanh. Một số sản phẩm khác là hàng xách tay như rượu... không để tại cửa hàng. Nếu khách có nhu cầu mua hàng, sẽ được giao hàng tận nơi. Là hàng xách tay nên giá rẻ hơn", Thu Ng. nói. 

 

Theo Thế Giới Tiếp Thị ( )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem