Hàng trăm hộ dân ở Đắk Lắk chiếm đất, lập làng bên đường Trường Sơn Đông
Công Nam
Thứ năm, ngày 06/06/2024 08:12 AM (GMT+7)
Khoảng 160 hộ dân đã lấn chiếm, san ủi hàng trăm nghìn mét vuông đất rừng dọc đường Đông Trường Sơn đoạn qua huyện M'Đrắk (tỉnh Đắk Lắk) để dựng nhà ở. Chính quyền đã xử phạt 132 hộ nhưng chưa có hộ nào chấp hành nộp phạt.
Những ngày đầu tháng 6/2024 PV Báo Dân Việt đã có mặt tại đường Đông Trường Sơn, đoạn qua xã Cư San, huyện M'Đrắk, tỉnh Đắk Lắk và chứng kiến hàng trăm người dân đang dùng máy múc, xe ủi để bạt đồi, tạo mặt bằng. Liền đó hàng loạt căn nhà gỗ lợp tôn, cả nhà xây kiên cố được dựng lên dọc hai bên mặt tiền đường Đông Trường Sơn (khu vực giáp ranh các thôn 9, 11, 13 của xã Cư San).
Hàng trăm hộ dân ở Đắk Lắk chiếm đất lâm nghiệp tại khu vực Đạp bãi 3, xã Cư San, huyện M'Đrắk, dọc hai bên đường Đông Trường Sơn.
Theo thống kê của UBND xã Cư San, hiện có 161 hộ đến khu vực này, dựng lên 187 căn nhà để sinh sống. Đây đều là các gia đình thuộc diện di dời phục vụ xây dựng Dự án Hồ thủy lợi Krông Pách Thượng, trong đó có 150 hộ không chuyển đến khu tái định cư, 11 hộ rời bỏ khu tái định cư đến khu vực này.
Theo các hộ dân, từ nơi ở cũ dưới lòng hồ thuỷ lợi Krông Pách Thượng (xã Cư San, huyện M'Đrắk) đến khu tái định cư (thuộc xã Cư Bông, huyện Ea Kar) khoảng 60 km. Khi đến nơi, người dân không được nhận đất sản xuất như chính quyền đã hứa nên đã không đến hoặc rời bỏ khu tái định cư.
Ông Ma A Đá, một trong những người đi chiếm đất cho biết: "Theo giấy tờ thì đến khu tái định cư, gia đình tôi sẽ được cấp khoảng 5.000 m2 đất ruộng, 5.000 m2 đất sản xuất khác. Nhưng thực tế thì chưa được cấp, chờ thì không biết đến bao giờ nên phải ra đây tự khai hoang để sinh sống, làm ăn thôi".
Ông Trần Văn Thường, cán bộ xã Cư San, cho biết ngay sau khi phát hiện người dân vùng lòng hồ Krông Pách Thượng không vào khu tái định cư mà đi phá rừng, chiếm đất, dựng nhà trái phép, xã đã thành lập tổ công tác để tuyên truyền vận động nhưng các hộ dân không chấp hành. Sau đó, xã đã lập biên bản xử phạt 132 hộ, mỗi hộ 4 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa có hộ nào chấp hành nộp phạt.
Ông Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND huyện M'Đrắk, cho biết huyện đã vào cuộc kiểm tra và lên phương án xử lý. Theo đó, hiện có hơn 160 hộ san ủi gần 9,5 ha đất rừng và 1,1 ha đất trồng cây lâu năm dọc hai bên đường Đông Trường Sơn để làm nhà ở. Việc này gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.
"Cùng với việc tuyên truyền vận động bà con, chúng tôi đã lập phương án thực hiện các quy trình, thủ tục hồ sơ để chuẩn bị cho việc cưỡng chế. Đồng thời huyện cũng kiến nghị các ngành chức năng của tỉnh sớm bố trí đủ đất sản xuất để cấp cho người dân", ông Phạm Ngọc Thạch cho biết.
Phải một năm nữa mới cấp đủ đất cho dân tái định cư
Để thực hiện Dự án Hồ thủy lợi Krông Pách Thượng, có 464 hộ tại xã Cư San (huyện M'Đrắk) phải di dời đến khu tái định canh, định cư ở xã Cư Bông, huyện Ea Kar (khu tái định cư số 2).
Theo bà Đinh Thị Phương Lập, phụ trách Phòng Giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hiện khu tái định canh số 2 đã hoàn thành 379 ha đất hoa màu (đạt hơn 61%) và đã cấp cho 108 hộ. Đất trồng lúa chỉ mới khai hoang 65ha/248ha, đang tiến hành cấp cho người dân. Tuy nhiên việc cấp đất sản xuất cho người dân vùng tái định cư phải một năm nữa mới hoàn thành.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.