Hàng trăm khách hàng có nguy cơ mất tiền tại dự án Khu đô thị Tân Phú

Văn Dũng Thứ bảy, ngày 18/04/2020 10:10 AM (GMT+7)
Việc ba lãnh đạo Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (TCT Bình Dương) bị khởi tố, bắt giam, đang khiến hàng trăm khách hàng như ngồi trên đống lửa. Họ đã trót cho Công ty Kim Oanh vay tiền để được chọn quyền mua đất ở dự án Khu đô thị Tân Phú. Nhưng, giờ đây nguy cơ... trắng tay.
Bình luận 0

Kim Oanh Group huy động vốn sau khi thâu tóm khu đất "vàng" 43ha

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 3 lãnh đạo của  TCT Bình Dương để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Trong đó, Nguyễn Văn Minh (Chủ tịch Hội đồng thành viên); Trần Nguyên Vũ (thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc TCT Bình Dương) đã bị bắt tạm giam 4 tháng. Riêng Huỳnh Thanh Hải (nguyên thành viên Hội đồng thành viên đại diện phần vốn góp của TCT Bình Dương, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương, trực thuộc TCT Bình Dương) được tại ngoại để phục vụ công tác điều tra.

Ba lãnh đạo của TCT Bình Dương bị bắt vì đã chuyển nhượng trái phép khu đất công có diện tích 43ha, tại dự án Khu Đô thị - Thương mại - Dịch vụ Tân Phú (Khu đô thị Tân Phú, phường Hoà Phú, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú, thuộc Kim Oanh Group).

img

Khu đất công có diện tích 43ha, tại Khu đô thị Tân Phú khiến 3 lãnh đạo TCT Bình Dương vướng lao lý, vì chuyển nhượng giá rẻ cho doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: V.D

Năm 2018, sau khi thâu tóm được khu đất vàng có diện tích 43ha với giá rẻ, Kim Oanh Group đã tiến hành động thổ dự án Khu đô thị Tân Phú rao bán và huy động vốn rầm rộ.

Thế nhưng, ngay sau thời điểm khởi công, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Tân Phú. Công ty Tân Phú  tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng. Sở Xây dựng  yêu cầu ngừng thi công cho tới khi đủ thủ tục xin phép xây dựng theo quy định...

Mặc dù chưa đủ điều kiện thi công, song thông qua nhiều hình thức khác nhau, Kim Oanh Group đã tổ chức huy động vốn của hàng trăm cá nhân, đơn vị thông qua “hợp đồng vay tiền”. Mục đích của các “hợp đồng vay tiền”, "hợp đồng góp vốn" là thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh dự án Khu đô thị Tân Phú.

Trong đó, có hợp đồng thể hiện mỗi mét vuông đất, tại dự án Khu đô thị Tân Phú có giá lên tới hơn 43,2 triệu đồng/m2, gấp 74 lần mức giá Công ty Tân Phú mua lại đất của TCT Bình Dương trước đây. Và giá 43,2 triệu đồng/m2, chưa bao gồm chi phí xây dựng nhà, chi phí quản lý khu dân cư và lệ phí trước bạ sang tên... Phải chăng, bản chất của những "hợp đồng vay tiền", "hợp đồng góp vốn" là việc phân lô, bán nền, trái quy định của luật pháp ?

Theo tài liệu mà Dân Việt có được, chỉ tính từ thời điểm tháng 7/2018 đến hết tháng 10/2019, Kim Oanh Group đã có 615 giao dịch được chuyển tiền qua ngân hàng, theo số tài khoản của của Công ty Tân Phú, với tổng số tiền hơn 466,4 tỷ đồng (chưa kể lượng giao dịch tiền mặt). Thậm chí, có giao dịch, với  tổng giá trị chuyển nhượng lên đến hơn 37 tỷ đồng và tháng 1/2019 đã chuyển cho Công ty Tân Phú hơn 33,3 tỷ đồng.v.v...

Khách hàng có nguy cơ mất trắng

Sau khi các cơ quan báo chí vào cuộc và phanh phui những dấu hiệu mập mờ trong việc chuyển nhượng 43ha đất của TCT Bình Dương cho Công ty Tân Phú. UBND tỉnh Bình Dương đã quyết định thành lập Đoàn Thanh tra. Sau đó, vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra.

img

Sau khi thâu tóm được khu đất vàng 43ha, Kim Oanh Group đã ồ ạt huy động vốn của hàng trăm cá nhân, đơn vị thông qua “hợp đồng vay tiền”. Ảnh: V.D

Trước những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, ngày 16/12/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Tổng Công ty sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương”.

Ngày 8/4, Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố 3 bị can là lãnh đạo của TCT Bình Dương về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".  Bước đầu, cơ quan điều tra xác định 3 lãnh đạo TCT Bình Dương có vi phạm khi chuyển nhượng đất, vốn góp liên quan đến khu đất 43ha tại Khu đô thị Tân Phú (hiện khu đất này thuộc sở hữu của doanh nghiệp tư nhân là Kim Oanh Group).

Vụ việc này đã đẩy hàng trăm khách hàng, trót nghe theo lời Kim Oanh Group mang tiền tỷ trao cho Kim Oanh Group, nay như ngồi trên đống lửa. Quyền lợi của hàng trăm khách hàng đã "lỡ" cho Kim Oanh vay tiền sẽ ra sao, hiện vẫn còn là câu hỏi đang bỏ ngõ...

Theo Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo - Công ty Luật TAT Lawfirm, Công ty Kim Oanh đã huy động vốn trá hình từ khách hàng và hình thức này ẩn chứa nhiều rủi ro mà người bị thiệt hại lớn nhất chính là người góp vốn.

Cụ thể: chủ đầu tư thường lợi dụng việc người góp vốn ít có khả năng tiếp cận thông tin bất động sản, hoặc chưa nắm bắt đầy đủ thông tin về dự án đã ký dợp đồng trong khi dự án chưa hoàn thiện về các thủ tục pháp lý như việc Công ty Kim Oanh có thể bị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng dự án, thu hồi dự án bất cứ lúc nào; hoặc trường hợp nếu dự án tiếp tục được thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền tính lại giá đất sẽ nâng cao lên giá trị hợp đồng so với ban đầu mà khách hàng không thể lường trước được, buộc phải theo chủ đầu tư nếu không sẽ phá vỡ cam kết, thua thiệt thuộc về khách hàng và buộc lòng phải khởi kiện nếu hai bên không thỏa thuận được;

Rủi ro thứ hai là, mặc dù bản chất của hợp đồng là sự thỏa thuận của hai bên, tuy nhiên đa số các hợp đồng góp vốn được ký kết đều là hợp đồng mẫu do Chủ đầu tư soạn thảo, người mua cũng không có cơ hội bàn bạc với chủ đầu tư về các điều khoản của hợp đồng. Do đó chủ đầu tư thường cài vào các điều khoản mang tính có lợi cho họ, không đảm bảo quyền lợi cho người góp vốn.

Rủi ro nữa là, khi tranh chấp hoặc thiệt hại xảy ra, người góp vốn (khách hàng) có thể phải gánh chịu nhiều rủi ro về tài sản như không đòi được phần vốn góp, không nhận được phần bồi thường thiệt hại vì hợp đồng được giao kết không đúng với các qui định của pháp luật.

Theo Bộ luật Dân sự, một giao dịch dân sự khi có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật thì giao dịch dân sự vô hiệu, các bên hoàn trả những gì đã nhận và khôi phục lại tình trạng ban đầu. Do vậy một hợp đồng góp vốn hay hợp tác kinh doanh có nội dung và mục đích là một hợp đồng mua bán bất động sản có thu tiền ứng trước, nhưng chưa có cơ sở hạ tầng và các điều kiện khác như Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 và Luật Nhà ở 2014 qui định sẽ có khả năng bị vô hiệu.

Trong trường hợp này, chủ đầu tư phải hoàn trả lại khoản tiền ứng trước của khách hàng hay bên góp vốn và phải bồi thường thiệt hại nếu là bên có lỗi. Mặc dù khó đo lường được chính xác thiệt hại của các bên, nhưng có thể thấy rõ ràng tiến độ thực hiện dự án đầu tư sẽ bị ảnh hưởng. Đồng thời khoản tiền mà người mua đầu tư vào sẽ không có lợi nhuận như mong muốn.

Còn đối với khách hàng và chủ thể liên quan phải thông qua khởi kiện tại Tòa án. Khi đó khách hàng mới được đưa vào danh sách bảo vệ quyền lợi.

Trường hợp xấu nhất, nếu lãnh đạo Kim Oanh Group cũng bị khởi tố theo lãnh đạo TCT Bình Dương, thì sau khi có kết quả điều tra của Cơ quan Công an, vụ án sẽ được xét xử tại Tòa án. Đối với những khách hàng tham gia góp vốn sẽ tham gia vụ án với tư cách là người bị hại và được Tòa án xem xét giải quyết bảo vệ quyền lợi trong vụ án hình sự.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem