Hàng trăm người bùi ngùi tiễn đưa Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy

Trần Đáng – Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 26/09/2019 11:33 AM (GMT+7)
Từ tờ mờ sáng nay, 26/9, hàng trăm người dân, lực lượng vũ trang TP.HCM đã đến Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, cũng như đứng dọc hai bên đường Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp, TP.HCM) tiễn đưa linh cữu Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy về đất mẹ Lai Vung (Đồng Tháp).
Bình luận 0

Cụ Nguyễn Bạch - nhà cạnh Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, từ 4h sáng đã đến Nhà tang lễ, nơi đặt linh cữu “ông Bảy Cồ” - tên gọi thân quen của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Nguyễn Văn Bảy nơi quê nhà, tranh thủ thắp nén nhang tiễn biệt ông Bảy về quê an nghỉ ngàn thu.

img

img

Người thân cùng đồng đội Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Bảy mặc niệm trước lúc tiễn ông về đất mẹ tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng.

“Tôi không quen ông, cũng chưa một lần gặp mặt, nhưng mấy hôm nay đọc báo, thấy quá khứ ông quá lẫy lừng, khâm phục mà đến thắp nén nhang kính ông”, cụ Bạch thổ lộ.

Cụ Bạch cũng cho cho biết, từ ngày 24/9 - ngày đặt linh cữu “ông Bảy Cồ” tại Nhà tang lễ, cho đến hôm nay-ngày tiễn ông, ngày nào cụ cũng đến thăm ông Bảy. “Không chỉ mỗi tôi, ngày nào tôi cũng thấy Nhà tang lễ đông đúc người đến viếng ông Bảy, trong đó không thiếu những nhóm thanh niên”, ông bộc bạch.

Sáng nay, trong số hàng trăm người đứng dọc đường Phạm Ngũ Lão tiễn đưa ông Nguyễn Văn Bảy về đất mẹ, có hai chồng trẻ nắm chặt tay, nét mặt u sầu. Người chồng-anh Trần Thanh Hòe, nhà tận quận Tân Phú cho biết, anhđọc báo biết sáng nay ông Bảy được đưa về quê nên rủ vợ đi tiễn ông.

img

img

Quang cảnh tiễn đưa linh cữu Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy tại nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng (TP.HCM) về đất mẹ Đồng Tháp.

“Tôi cũng có ông bác trước phục vụ trong lực lượng Binh chủng Phòng không - Không quân Việt Nam biết ông Bảy, nên nghe bác kể riết về thành tích lẫy lừng của ông. Giờ biết ông Bảy mất đến thăm, thương ông quá!”, anh bùi ngùi.

Phát biểu trong lễ truy điệu, Thiếu tướng Lê Hồng Sơn - Phó tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân cảm động chia sẻ: Đại tá - Anh hùng LLVTNDNguyễn Văn Bảy là một phi công huyền thoại, uy tín với đảng, quân đội và nhân dân.Sinh ra trong gia đình nông dân Nam bộ nhưng từ nhỏ Anh hùng Nguyễn Văn Bảy đã nuôi ý chí tham gia cách mạng, bảo vệ tổ quốc. 17 tuổi ông đã lên đường tham gia kháng chiến và đã tạo nên một cuộc đời huyền thoại, đầy ý nghĩa.Anh hùng Nguyễn Văn Bảy là một nhân cách đáng học hỏi. Khi đất nước có giặc, ông Bảy lên đường đánh giặc. Khi nhiệm vụ đất nước đã hoàn thành, ông trở về làm người nông dân chân chất, vui thú tuổi già với ruộng vườn.

"Ở cương vị nào, Đại tá - Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Bảy cũng luôn trăn trở, tìm tòi vì sự nghiệp. Ông đã cùng cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân đưa ra nhiều quyết sách quan trọng góp vần bảo vệ tổ quốc", ông Sơn xúc động.

img

Đôi tiêu binh và linh xa đưa di ảnh của Anh hùng Nguyễn Văn Bảy.

Theo chương trình lễ tang, linh cữu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy sẽ được đưa về quàn tại quê nhà Lai Vung (Đồng Tháp). Lễ viếng tại quê nhà sẽ được tổ chức từ 12 giờ hôm nay tới 10h30 ngày 27/9. Lễ an táng, đưa ông về yên nghỉ trong lòng đất mẹ, nơi ông sống những ngày vui thú điền tuổi già diễn ra trưa cùng ngày.  

Trước đó, sáng 24/9, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, đến viếng linh cữu Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân không giấu được sự xúc động trước sự ra đi của người con nông dân huyền thoại Nguyễn Văn Bảy.

Ông Nhân xúc độngviết trong sổ tang: “Xin chia buồn sâu sắc nhất cùng gia đình tổn thất lớn lao này. Các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, các cựu chiến binh luôn tự hào và noi gương Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy”.

Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy tên thật là Nguyễn Văn Hoa, là con thứ bảy trong một gia đình ở huyện Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Khoảng năm 1953, do không chịu lấy vợ theo ý gia đình, ông theo bộ đội, trở thành du kích khi 17 tuổi. Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc.

Năm 1960, ông được chuyển binh chủng từ bộ binh sang không quân, theo học lớp lái máy bay phản lực ở Liên Xô. Ban đầu ông học lái máy bay Yak-52, sau đó chuyển lên Mig15, Mig17. Tháng 4/1965, ông hoàn thành lớp đào tạo, tốt nghiệp trở về nước, đáp máy bay xuống sân bay Gia Lâm.

Trong thời gian 1965-1968, ông Bảy tham chiến trên mặt trận không đối không và bắn hạ tổng cộng 7 máy bay Mỹ gồm hai chiếc F-105 và năm chiếc F-4, được xếp hạng ACES. 

Ngày 1/1/1967, ông được tuyên dương Anh hùng LLVTNDViệt Nam. Khi được tuyên dương, mang cấp bậc Thượng úy, Đại đội phó Đại đội 1 không quân, thuộc Trung đoàn 923, Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân.

Thời gian sau đó, ông dần được thăng lên hàm Đại tá và giữ nhiều chức vụ trong quân chủng như Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937, Phó Tư lệnh Sư đoàn 372, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân. 

Năm 1975, ông tiếp quản sân bay Cần Thơ và tham gia điều hành các sân bay khác ở miền Nam như Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Cần Thơ và chỉ huy làm nhiệm vụ tại Campuchia.

Năm 1989, nghỉ hưu, ông làm Trưởng ban liên lạc Hội Cựu chiến binh không quân tại TP.HCM. Năm 1990, ông về xã Tân Phú Đông, thị xã Sa Đéc sống cảnh điền viên cùng gia đình. Năm 2009 gia đình ông chuyển về quê ở ấp Hậu Thành (xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) làm nghề nông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem