Trong số hơn 600 triệu người thoát nghèo nói trên, hầu hết là nông dân, điều này rõ ràng có liên quan tới các biện pháp xóa bỏ thuế nông nghiệp, gia tăng bù giá nông nghiệp, thúc đẩy sáng tạo khoa học kỹ thuật phục vụ cho sản xuất nông nghiệp... của Chính phủ Trung Quốc trong 10 năm qua. Mặc dù vậy, xét về tổng thể, nông dân vẫn là những người nghèo nhất ở Trung Quốc.
Vấn đề đặt ra ở Trung Quốc hiện nay là làm thế nào để có thể giải quyết thực sự vấn đề “tam nông”, mở rộng con đường cho nông dân làm giàu, và thay đổi mạnh mẽ diện mạo nông thôn?
Các chuyên gia “tam nông” của Trung Quốc cho rằng Trung Quốc cần tập trung vào 3 lĩnh vực là định rõ quyền tài sản đất đai của nông dân; thực hiện “thôn dân tự trị” và đẩy nhanh đô thị hóa nông thôn.
Cũng theo giới chuyên gia, ở Trung Quốc, nông dân lẽ ra phải là những người giàu có nhất, bởi lẽ đất đai ở Trung Quốc rất khan hiếm. Song trong thực tế, nông dân Trung Quốc lại thực sự là những người nghèo nhất, ngược hẳn lại với những nông dân ở Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan. Do được hưởng sự tăng giá của đất đai, lợi ích thu được từ đất đai đã trở thành tiền vốn tạo nghiệp ban đầu cho nông dân ở đó.
Với tiền vốn này, họ trở thành chủ nhân của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không chỉ tự làm giàu cho mình mà còn kéo theo sự phát triển của kinh tế - xã hội. Lẽ ra nông dân Trung Quốc cũng nên được đi theo con đường này, song nhìn lại, con đường này ở Trung Quốc khá dài và gian nan.
Theo giới quan sát, một chỉ tiêu quan trọng của tiến trình phát triển của Trung Quốc là thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, và điều này sẽ được thực hiện thông qua việc không ngừng phát triển đô thị hóa nông thôn.
Theo chiến lược phát triển bền vững của Trung Quốc, đến năm 2017, tỷ lệ đô thị hóa của Trung Quốc sẽ đạt 51,3%, và dân số thành thị lần đầu tiên sẽ vượt qua dân số nông thôn.
Dự kiến trong vòng 20 năm tới sẽ có gần 500 triệu nông dân muốn được “đô thị hóa”, và 5-10 năm tới sẽ là thời kỳ then chốt của tiến trình đô thị hóa ở Trung Quốc.
Hạ Anh (tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.