Ồ ạt chạy lụt
Sáng 17.10, từ TP.Đồng Hới, chúng tôi lên vùng lũ ở hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy. Tuy nhiên đến xã Võ Ninh (Quảng Ninh), chúng tôi không thể tiếp tục cuộc hành trình bằng xe máy vì Quốc lộ 1A nhiều đoạn đang bị ngập sâu.
|
Người dân đưa thuyền vào tận cửa nhà vận chuyển người, tài sản, gia súc chạy lũ. |
Thuê chiếc đò nhỏ, chúng tôi tiếp cận với bà con vùng lũ các xã Võ Ninh, Duy Ninh trong mênh mông nước. Hiện ra trước mắt chúng tôi là hàng trăm ngôi nhà, cột điện, cây cối ngập sâu trong dòng nước lũ đục ngầu, mênh mông.
Trong các xóm làng ngập sâu, người dân vẫn đang dùng thuyền nhỏ di chuyển đồ đạc và người chạy lũ. Tại thôn Trúc Ly (xã Võ Ninh), ông Lê Văn Tý (45 tuổi) đang cố đưa hai con heo giống lên chiếc đò để chạy lũ. Vợ đang ốm phải nằm Bệnh viện T.Ư Huế, suốt đêm 16.10, người đàn ông này phải trầm mình đưa con nhỏ đi lánh nạn, kê tài sản lên cao; chưa có gì cho vào bụng nên trông ông phờ phạc, mệt mỏi.
“Mới năm ngoái phải gánh chịu trận lũ lịch sử kinh hoàng, thóc gạo, của cải trôi hết. Những tưởng năm nay, ông trời sẽ không lụt to nữa mô, ai ngờ nước lại tràn về, một mình kê không kịp, còn 5 tạ lúa nữa đã bị lũ cuốn trôi mất. Nhà làm nông, vợ thì đau ốm, không biết những ngày tới sống ra răng đây” – ông Tý than.
Tại thôn Trúc Ly, chúng tôi gặp đò của ông Lê Ngọc Huân – Chánh Văn phòng UBND huyện Quảng Ninh đang đi kiểm tra tình hình lũ lụt. Ông Huân cho biết, 14/15 xã, thị trấn với gần 20.000 dân của huyện Quảng Ninh đang bị ngập sâu trong lũ.
Nặng nhất là các xã Võ Ninh, Duy Ninh, Hàm Ninh, Tân Ninh, những nơi này nước lũ ngập sâu trên 2m. Hàng vạn dân đang phải “tị nạn” trên các trường học, trụ sở cao tầng hoặc sống trên “tra” nhà. Huyện Quảng Ninh có 350ha nuôi trồng thủy sản và 450ha hoa màu chưa kịp thu hoạch đã bị nước lũ cuốn trôi, coi như mất trắng.
Trong đợt lũ này, Lệ Thủy là một trong những địa phương bị ngập sâu nhất. Đến thời điểm 15 giờ chiều 17.10, nước lũ vẫn chưa có dấu hiệu rút, mưa vẫn nặng hạt.
Trao đổi với NTNN qua điện thoại, ông Phạm Hữu Thảo – Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, hiện tại mưa lũ đã khiến 25.000 nhà dân bị ngập lụt (trong đó có 17.000 nhà bị ngập sâu trên 2m); 23 trạm y tế và 71 trường học tại các xã, thị trấn đang ngập khá sâu; nhiều đồ đạc, hàng hóa của các hộ kinh doanh và vật dụng sinh hoạt của người dân ở nhiều địa phương đã ngập trong nước lũ, có nguy cơ hư hỏng cao…
Đắng lòng nhìn lúa hỏng
Nước lũ dâng cao và rút chậm, điều này khiến bà con nông dân nhiều xã ở huyện Quảng Ninh lo lắng nhất là hàng trăm tấn lúa thu hoạch trong vụ mùa vừa qua sẽ bị hỏng hết.
Theo Ban Chỉ huy PCLB&TKCN Quảng Bình, đến 15 giờ ngày 17.10, mưa lũ đã làm gần 50.000 nhà dân ngập sâu; làm 4 người chết và làm 8 người khác bị thương; 1.030ha hoa màu và 390ha thủy sản bị ngập.
Đang tránh lũ trên gác lửng, thấy thuyền chúng tôi đến, bà Lê Thị Trang (thôn Hiển Vinh, Duy Ninh) nói như than: “Đúng là trời cho chộ (thấy) nhưng không cho ăn, chỉ gắng vài ngày nữa là gia đình tui cầm chắc 2,5 tấn lúa rồi. Từ khi lúa mới gặt về đến nay, hết trận lũ này đến trận lũ khác, lúa không phơi được chừ hỏng hết rồi. Nông dân chúng tôi, tất cả đều trông vào hạt lúa, sắp tới không biết lấy chi mà sống đây”.
Ông Lê Thanh Hải – Chủ tịch UBND xã Võ Ninh cho biết, chỉ riêng xã Võ Ninh, vụ hè thu vừa qua bà con thu hoạch được 700 tấn lúa. Tuy nhiên vừa mới đưa lúa vào nhà thì mưa và bây giờ là trận lũ lớn này tràn về làm cả xã bị ngập sâu, bà con đóng bao cả lúa ướt cho lên gác nên lúa nảy mầm và thối hết.
Phan Phương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.