Nhưng cái mà họ nhận được ở sân chơi thế giới chỉ là một tình yêu vô vọng, giống như nhân vật chàng gù Quasimodo trong tiểu thuyết của Victor Hugo.
Tượng đài số 1 của bóng đá thế giới được đặt tên trên chính mảnh đất Mexico: Maradona.
Nơi đặt tượng thờ
Bàn thắng hoàn mỹ nhất của bóng đá thế giới được Maradona thể hiện ở đây và cùng với nó là bàn thắng bằng tay nổi tiếng thế giới cũng xuất hiện trên mảnh đất này ở Mexico 1986. Nhưng điều quan trọng là Argentina vô địch năm ấy và Mexico 1986 đã đưa một người đàn ông thấp lùn chạy loanh quanh với trái bóng và có lắm chuyện bê tha thành một vị thánh trong lòng nhân loại.
Ngược thời gian, lại một tượng đài số 1 nữa (ở đời ai cũng nghĩ mình là số 1) cũng được đặt tên trên mảnh đất này: Pele. Năm 1970, tại đây, ở vòng chung kết bóng đá Mexico 1970, Pele, người đàn ông da đen trong những năm mà nạn phân biệt chủng tộc cùng chủ nghĩa Apacthai hoành hành được phong làm vua với lần thứ ba đứng trên bục cao nhất của bóng đá thế giới.
|
Đội tuyển Mexico vô địch Gold Cup 2011. |
Đứng trên chính giáo đường tạo nên các vị vua, các vị thánh ấy, thì bóng đá Mexico có gì? Cũng chỉ hẩm hiu như thân phận anh chàng Quasimodo, dù làm chủ của Nhà thờ Đức Bà nhưng chỉ dám ngắm nhìn những pho tượng kia bằng ánh mắt thành kính: Đội bóng Mexico mới chỉ hai lần vào được đến vòng tứ kết của giải đấu danh giá nhất hành tinh. Những cố gắng, nỗ lực của những con người thuần phác mang dấu ấn của Quasimodo ấy khiến người ta vui, người ta cười, người ta thích thú song khó khuất phục nổi ai...
Cả thế giới cứ việc cười nôn ruột với anh chàng thủ môn J. Campos của đội tuyển Mexico hồi thập kỷ 90 thế kỷ trước. Anh chàng này trông sặc sỡ như con vẹt Nam Mỹ, gầm gừ luôn mồm như con linh cẩu châu Phi, nhảy loi choi như con chuột túi châu Úc và nhí nhảnh như con chim chích bông Việt Nam, nhưng vòng chung kết nào cũng thế, bắt bóng dăm ba trận là lại vác quần áo về nước.
Ai chả nhớ Blanco của Mexico, chàng tiền vệ bò mộng có cú "cắp bóng mẹ bồng con" ở World Cup 1998. Và ai cũng nhớ, chàng tiền đạo nổi tiếng nhất mọi thời đại của Mexico: Chicharito (vừa vô địch Ngoại hạng Anh cùng M.U) cũng nổi danh ở World Cup 2006 nhờ tài... chạy nhanh nhất giải.
Hành động để chiếm tình yêu của Esmeralda
Nhưng đến năm nay, Mexico đã lột xác mạnh mẽ. Chuyện phải thay 5 vị trí chủ chốt trước Gold Cup vì các cầu thủ dính vào doping đã không làm Mexico phải bận tâm. Đi một mạch đến trận chung kết và lội ngược dòng thắng chủ nhà Mỹ 4- 2, Mexico đã cho thấy sức mạnh nội lực của mình là vô biên.
Tham dự Copa America với tư cách khách mời trong thời gian tới, Mexico cũng đàng hoàng “chơi bẩn” như những người bạn Nam Mỹ: Không cho đội hình xuất sắc nhất của mình tham dự giải đấu. Có lẽ với Mexico bây giờ, sân chơi Gold Cup và Copa America là quá nhỏ bé.
Các cầu thủ bóng đá người Mexico đã cống hiến rất nhiều, bóng đá thế giới sẽ biết ơn họ vô cùng. Qua những chuyện ấy, người ta chỉ biết rằng, trong bóng đá nếu không kể về mặt thành tích thì người Mexico cũng khá nổi tiếng.
Kỳ World Cup nào cũng thế, Mexico luôn có một suất "không chính thức" vì khu vực Bắc Mỹ và Caribe quá nhỏ bé với họ. Bao năm qua, tâm lý "thằng chột làm vua xứ mù" đã đeo đẳng và làm hại Mexico. Thêm một lý do nữa, do ít cọ xát nên mỗi lần tham dự Copa America với tư cách khách mời và thi đấu cùng với các đội hàng đầu thế giới nhưng... sở hữu các cầu thủ "hạng hai" đã khiến Mexico dễ thỏa mãn (vào đến vòng bán kết ở Copa với họ là chuyện thường).
Đã đến lúc phải hiểu rằng, tình yêu hết mình như chàng gù Quasimodo quả là đẹp thực song nó chẳng thể chiếm được tình yêu của nàng Esmeralda. Có lẽ phải cần những hành động thực dụng hơn!.
Chicharito cùng những đồng đội trẻ trung hừng hực lửa Barrera, Guardado, Dos Santos... có lẽ đang ấp ủ cho mình giấc mơ lớn hơn. Và còn ba năm nữa để thức dậy cùng giấc mơ ấy.
Nam Hải
Vui lòng nhập nội dung bình luận.